Nữ sinh Đan Mạch quỳ gối chăm bệnh nhân nhí ở BV Bạch Mai: Có gì mà phải xấu hổ!

Bạn đọcThứ Tư, 28/09/2016 07:33:00 +07:00

Hình ảnh hai nữ sinh Đan Mạch quỳ gối chăm bệnh nhân nhí ở bệnh viện Bạch Mai, theo tôi là chuyện hết sức bình thường, chả có gì phải xấu hổ cả.

Là một độc giả quen thuộc của Báo điện tử VTC News, tôi đã đọc bài báo viết hai nữ sinh Đan Mạch quỳ gối chăm sóc bệnh nhân nhí ở bệnh viện Bạch Mai và sau đó là bài phản hồi của một độc giả đặt vấn đề về việc có ai cảm thấy xấu hổ không. Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy đây là một chuyện hết sức bình thường, chẳng có gì phải xấu hổ.

Thật sự, tôi không phủ nhận việc thời gian qua, ngành y tế có nhiều vụ việc nhầm lẫn, sơ ý không đáng có, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, đó là một bộ phận rất nhỏ trong ngành y và nó làm ảnh hưởng cả hệ thống. Trên thực tế, ngành y học Việt Nam đã và đang phát triển, giành được nhiều thành tựu to lớn.

1

Nữ sinh Đan Mạch quỳ gối chăm bệnh nhân nhí ở bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Dương Nhung

Vài ngày qua, bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống bệnh nhân bệnh hiếm gặp của thế giới; hay ở miền Tây, bệnh nhân 3 lần ngừng tim, ngừng thở nhưng vẫn được bác sĩ cứu sống; các bạn cũng hẳn chưa quên một bệnh nhân ở Nghệ An bị trào ngược thức ăn lên miệng, bác sĩ chữa trị đã dùng miệng hút hết thức ăn để tránh việc hô hấp bị tắc và rất nhiều thành tựu khác mà chúng ta vẫn chưa thể biết hết…

Nhiều thành tựu khoa học khác khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Chẳng hạn như kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã mang tầm châu Á, hay kỹ thuật mang thai hộ được thế giới ghi nhận…

Quả thật, Jeanne H.Nielsen và Adriana Agnieszka Funke là hai nữ sinh trong bài báo rất đáng khen, đáng ca ngợi. Họ yêu thương bệnh nhân như chính con đẻ. Trong số sinh viên thực tập tại đó, chỉ có hai “cô Tây” chịu quỳ xuống, ôm lấy đôi người bệnh để xoa bóp.

3(1)

Trong khi hai nữ sinh Đan Mạch chăm bệnh nhân thì nhóm sinh viên thực tập Việt Nam chỉ biết đứng nhìn rồi bỏ đi. Ảnh Dương Nhung

Tuy nhiên, không phải vậy mà chúng ta có quyền “lên án” các y bác sĩ Việt.

Phải khi nào các bạn trải nghiệm nghề y thì các bạn mới có thể thấu hiểu những vất vả, khó nhọc của người thầy thuốc. Công việc của họ rất áp lực, họ mang trên mình trách nhiệm cao cả như bài phản hồi trước đã nêu: “Họ là tác giả cuộc đời, là người có quyền định đoạt một số phận nào đó có được tồn tại trên cõi đời này hay không”.

Công việc quá tải, áp lực từ bệnh nhân, từ trách nhiệm khiến các “từ mẫu” đôi lần không kiểm soát được hành động và lời nói, làm tổn thương người bệnh. Hàng ngày, họ tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân, giả sử mỗi bệnh nhân trung bình 5 câu hỏi thì bạn nghĩ xem, mỗi ngày họ phải trả lời bao câu?

Các bệnh viện Nhà nước ở Việt Nam, bệnh nhân đến khám rất đông, số lượng y bác sĩ không đủ để chăm sóc hết người bệnh. Thử hỏi, một bác sĩ phải chăm sóc hàng chục bệnh nhân, làm sao họ có thời gian để mà “quỳ gối”, mà “nâng niu”?

111

Quá tải bệnh nhân khiến công tác chăm sóc bệnh nhân ở nhiều bệnh viện không được tốt. Ảnh minh họa 

Hai sinh viên người Đan Mạch đến Bạch Mai thực tập. Họ chỉ đến để thực tập, để hỗ trợ các y bác sĩ chữa bệnh. Vậy nên, xét theo khía cạnh thực tế, họ chưa phải trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm trước tính mạng bệnh nhân nên áp lực của họ sẽ không bằng các y bác sĩ đang ngày đêm làm việc cho bệnh viện Việt Nam.

Nhiều người bệnh thường than phiền rằng, các bác sĩ hay cáu bẳn, quát nạt với bệnh nhân. Nhưng họ lại không hiểu lý do vì sao. Các bạn thử nghĩ xem, sau nhiều đêm liền mất ngủ vì ca trực, hay ca mổ bất ngờ, những vị bác sĩ đã thấm mệt và cần nghỉ ngơi.

Nhưng lúc này bệnh nhân và người nhà kéo nhau đến thật đông, hết người này rồi đến người nọ, hỏi đi hỏi lại những câu giống nhau thì bạn có cáu không? Bạn có còn đủ kiên nhẫn để trả lời hết không?

Và còn có những bệnh nhân, không uống thuốc theo đơn của bác sĩ mà lại tự “sáng tạo” ra cách uống của riêng mình; hay việc tái khám không đúng hẹn sẽ khiến y bác sĩ bực mình và cáu gắt.

Khi xem clip hai nữ sinh Đan Mạch dìu em Võ Khắc Thôn tập đi, tôi không phủ nhận rằng, rất nhiều sinh viên thực tập chỉ đứng xem mà không hỗ trợ, giúp đỡ. Đó là một bộ phận nhỏ đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp đẽ về ngành y học Việt Nam. Nhưng đa số các y bác sĩ đều rất tâm huyết với nghề, thì tại sao phải xấu hổ trước hai nữ sinh Đan Mạch non trẻ?

Hai cô gái Đan Mạch quả thật rất đáng được yêu mến, nhưng các bạn độc giả cũng xin đừng chỉ trích y bác sĩ Việt Nam. Hãy đặt mình trong vai trò của người khác để hiểu và cảm nhận những khó khăn, áp lực mà những “từ mẫu” đang phải ngày đêm cống hiến cho người bệnh.

Video: Nữ sinh Đan Mạch quỳ gối nâng niu chăm bệnh nhân nhí ở bệnh viện Bạch Mai gây xúc động.

Dương Duy
Bình luận
vtcnews.vn