Nữ phi công triệu đô mê du lịch Việt Nam hơn mê chồng

Kinh tếChủ Nhật, 29/11/2015 11:50:00 +07:00

25 tuổi, Anoa Suzanne Dussol Perran đã trở thành triệu phú nhờ các dự án mua bán bất động sản tại Pháp.

25 tuổi, Anoa Suzanne Dussol Perran đã trở thành triệu phú nhờ các dự án mua bán bất động sản tại Pháp. Với số tiền đó, chị có thể sống sung túc cả đời mà không cần phải làm gì. Thế nhưng, sau thất bại từ cuộc hôn nhân thứ hai, chị lại muốn trở về và lập nghiệp tại Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Trò chuyện với báo chí một ngày sau khi được chính thức bổ nhiệm “Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp” nhiệm kỳ 2015-2018, chị Anoa cho biết, hiện nay chị dồn mọi tâm sức của mình với dự án “Ngôi nhà Việt Nam” tại Pháp (Alliance Maison Vietnam).

Anoa Suzanne Dussol Perran
Anoa Suzanne Dussol Perran 
Bình thường, người ta khánh thành một ngôi nhà, rồi đưa nó vào vận hành. Ngược lại, chị sẽ cho nó vận hành thật tốt, rồi mới khánh thành. Chính vì vậy, một loạt các sự kiện quảng bá du lịch sẽ được diễn ra tại đây trong năm 2016 - 2017, rồi tới 2018 mới chính thức khai trương.


Năm 1992, khi Anoa quyết định bay về Việt Nam, người cha đã khuyên chị: “Việt Nam giờ vẫn còn nghèo đói lắm, con đừng về nếu không muốn chấp nhận khổ đau”. Thế nhưng, chị vẫn quyết tâm trở về và trở thành nữ phi công đầu tiên thực hiện chuyến bay lịch sử bằng trực thăng từ Paris tới Hà Nội trong 3 tuần, qua 22 nước và 41 chặng dừng.

Dù đã được báo trước, nhưng khi đến sân bay Nội Bài, các nhân viên an ninh sân bay vẫn ngỡ ngàng trước một chiếc máy lạ đáp xuống phi trường, và đặc biệt hơn, người bước ra khỏi máy bay là một phụ nữ nhỏ bé và nói tiếng Pháp.


Đó là lần đầu tiên chị trở về Việt Nam sau 35 năm định cư ở Pháp. Chị tâm sự, ngay từ lúc 12 tuổi, chị đã mơ ước được lái máy bay. Hồi ở Pháp, khi xem các chương trình thời sự về Việt Nam, chị đã thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, những cuộc dội bom, đặc biệt là hình ảnh chiếc máy bay trực thăng bị lộn nhào rơi xuống sân thượng Dinh Độc Lập.

Chị nói, ngay từ lúc đó đã tự nhủ với lòng mình, sẽ làm cho thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam và họ sẽ biết khi đến Việt Nam, họ còn có thể đi du lịch bằng những chiếc trực thăng thương mại.


Chính vì vậy, sau khi học xong đại học luật, chị đã đi học lái máy bay. Việc con gái học lái máy bay ở Pháp cũng là hiếm có. Cả lớp có 22 học viên thì chỉ có mình chị và một người nữa là con gái. Vì nhỏ bé, nên Anoa đã phải cố gắng gấp đôi người bình thường và chị đã tốt nghiệp với điểm số xuất sắc 19/20. Chị chia sẻ: “Thầy giáo của tôi bảo từ xưa đến nay chưa có ai đạt điểm số 20/20 cả đâu”.

Sau khi về Việt Nam, việc đầu tiên là chị bắt tay vào học tiếng Việt và văn hóa Việt. Chị nhận thấy phong cảnh đất nước Việt Nam rất đẹp, nhưng giao thông công cộng lại kém phát triển.

Thời đó, đi ô tô từ Hà Nội đến Quảng Ninh phải mất gần một ngày trời, ra sân bay Nội Bài cũng mất gần 3 tiếng đồng hồ. Vậy, với những người có tiền, mà ít thời gian, nếu muốn đi tham quan Việt Nam thì làm thế nào? Chị cứ băn khoăn như vậy và nảy ra ý tưởng thành lập công ty bay dịch vụ, hay còn gọi là taxi hàng không.


Được biết, khi 25 tuổi, chị đã trở thành triệu phú nhờ các dự án mua bán bất động sản tại Pháp. Với số tiền đó, chị có thể sống sung túc cả đời mà không cần phải làm gì. Thế nhưng, sau thất bại từ cuộc hôn nhân thứ hai, chị lại muốn trở về và lập nghiệp tại Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Chị đã bán toàn bộ tài sản của mình để mua máy bay trực thăng về kinh doanh tại Việt Nam.

Có thể nói, đó là một ý tưởng hết sức táo bạo nhưng đã thành công. Với mối quan hệ rộng, công ty dịch vụ bay của chị hợp tác với VASCO, công ty dịch vụ bay hàng không, trực thuộc Vietnam Airlines đã ăn nên làm ra trong thời điểm 1993-1996 với dịch vụ du lịch này. Với giá 2.000 USD/ giờ, nhưng khách luôn kín và phải đặt lịch từ trước khá lâu. Ngoài đường bay Hà Nội - Quảng Ninh, công ty đã mở rộng các tuyến tới Phú Quốc, Điện Biên Phủ và Cát Bi.


Sau đó vì lý do đảm bảo an ninh hàng không, công ty buộc phải dừng hoạt động. Anoa ngậm ngùi chia tay với ngành dịch vụ cao cấp mà chị đã dồn nhiều tâm huyết và tiền của. Ba chiếc máy bay trực thăng của chị nằm phơi sương nắng mất mấy năm trời và rồi được bán rẻ như cho để thu hồi lại vốn.

Kể từ năm 1996, sau thất bại của dịch vụ taxi hàng không, Anoa lại trở thành người đi tiên phong trong việc phát triển các resort (khu du lịch nghỉ dưỡng) tại Việt Nam. Thời đó, các bãi biển như Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Rang, Phan Thiết còn quá hoang sơ, không được khách du lịch nước ngoài để ý tới. Anoasis resort là một trong những khu nghỉ dưỡng đầu tiên rất thành công của chị ở Vũng Tàu và hiện giờ, khu biệt thư cao cấp An Hoa residence của chị, ở Long Hải, cũng là một thương hiệu nổi tiếng trong ngành du lịch.

Hai năm liền 2014-2015, An Hoa residence đã đoạt giải World Luxury Hotel Awards của một tổ chức du lịch uy tín trên thế giới trao tặng. Anoa thú nhận: “Tôi thật bất ngờ khi mình được trao tặng giải thưởng này. Tôi cảm thấy tự hào khi một công ty du lịch nhỏ bé của người Việt được sánh vai cùng các tập đoàn du lịch nổi tiếng trên thế giới như Sheraton, Sofitel, Hyatt, Intercontinental…”.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” và công bố quyết định bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp cho Anoa Suzanne Dussol Perran ngày 18/11/2015.


Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được những thành công ngày hôm nay, Anoa đã phải trải qua bao khó khăn. Năm 2007, Anoasis resort bên bờ biển ở Vũng Tàu đã từng bị san phẳng bởi trận siêu bão khủng khiếp. Không nản lòng, Anoa đã gây dựng lại và tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê phát triển ngành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Ba năm trở lại đây, Anoa lại dốc hết tâm sức cho dự án “Ngôi nhà Việt Nam” tại Pháp (Alliance Maison Vietnam). Cũng vì dự án này, chị đi lại như con thoi giữa Việt Nam và Pháp nên người gầy rộc.

Hai tuần trước khi về Việt Nam đón nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và Du lịch” và quyết định bổ nhiệm “Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp”, một mình Anoa chạy đôn đáo lo các thủ tục pháp lý cho “Ngôi nhà Việt Nam”. Khi trả lời phỏng vấn truyền hình Việt Nam tại Pháp, chị đã ngất xỉu, khiến mọi người tá hỏa.


Để tìm được vị trí xứng đáng cho “Ngôi nhà Việt Nam” và là điểm đến thu hút khách du lịch, Anoa đã vận dụng tài ngoại giao khéo léo, cộng với những vốn hiểu biết về du lịch, văn hóa của mình để thuyết phục chính phủ Pháp dành một vị trí đẹp cho Việt Nam.

Sau hai lần thay đổi địa điểm, cuối cùng “Ngôi nhà Việt Nam” đã tìm được một vị trí lý tưởng, đặt tại đảo Seguin, thuộc tỉnh Boulogne, cách thủ đô Paris 1km. Đây trước vốn là khu đất của hãng ô tô nổi tiếng Pháp Renault. Sau khi di dời cơ xưởng nhà máy Renault khỏi đảo Seguin, chính phủ Pháp đã quy hoạch nơi đây thành điểm văn hóa- nghệ thuật dành cho du lịch.

Khi vừa đặt chân tới đây, Anoa kể, chị đã thích mê và cả đêm không ngủ được vì sợ rằng Việt Nam bé nhỏ quá, sợ “xin” không được. Nhưng rồi, Anoa đã thuyết phục được ông Patrick Devedjian (Chủ tịch của cả vùng Hauts de Seine) chấp nhận giao cho một mảnh đất 5.000m2 để xây dựng “Ngôi nhà Việt Nam”.

Như vậy “Ngôi nhà Việt Nam” sẽ được xây dựng trên một hòn đảo thiên nhiên hình dạng chiếc thuyền nằm giữa dòng sông Seine thơ mộng của Paris. Khu đất đã được quy hoạch dành riêng cho các hoạt động, trung tâm văn hóa - nghệ thuật - âm nhạc, và gìn giữ không gian thiên nhiên tại đây với rất nhiều công viên. Khu đất dành cho “Ngôi nhà Việt Nam” sẽ nằm gần một công trình đồ sộ do Nhật đang xây dựng mang tên “Thành phố âm nhạc” (CITÉ DE LA MUSIQUE ).

Anoa tâm sự: “Sống hơn 30 năm tại Pháp, tôi thấu hiểu sự thiếu vắng hình ảnh quê hương đất Việt trong lòng những người con xa xứ, đặc biệt là các thế hệ trẻ chưa có dịp về Việt Nam. Do vậy, họ rất cần một điểm hẹn để tìm hiểu văn hóa Việt, để chia sẻ và tự hào về truyền thống quê hương”.

Chị chia sẻ, “Ngôi nhà Việt Nam” sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm văn hóa độc đáo của Việt Nam, như bộ sưu tập áo dài cổ truyền, triển lãm hội họa Việt Nam, thiết kế không gian mang phong cách quê hương, giới thiệu đặc sản tinh hoa văn hóa Việt.

Chị dự định sẽ mang sang đây hai ngôi nhà Việt mua ở Huế và Long An để giới thiệu về kiến trúc Việt cổ. Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các sự kiện tìm hiểu, trao đổi văn hóa, du lịch giữa hai nước. Kinh phí xây dựng “Ngôi nhà Việt Nam” dự kiến hơn 250 tỷ đồng (tương đương 10 triệu euro), do công ty của Anoa đảm trách.

Theo Tiền Phong
Bình luận
vtcnews.vn