Nữ điều dưỡng mất 10 phút 'tự chế' mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn

Tin tứcThứ Năm, 02/04/2020 17:11:00 +07:00
(VTC News) -

Nữ điều dưỡng BVĐK tỉnh Hòa Bình tìm ra cách chế mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn, với độ an toàn và chất lượng không hề kém mũ “xịn”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được cấp 100 mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn, song số lượng này không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Phụ trách Khoa Khám bệnh, BVĐK Hòa Bình, BS Chu Thị Huyền chia sẻ, là những người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khá cao đối với các cán bộ khám chữa bệnh. Nhưng do số lượng được cấp còn ít nên mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn chỉ ưu tiên cấp về các khoa chủ lực.

Để có đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết để các cán bộ y, bác sỹ, điều dưỡng của khoa yên tâm công tác và thực hiện tốt nhất phòng, chống dịch Covid-19, điều dưỡng trưởng Vũ Thị Hoa, Khoa Khám bệnh tự tìm hiểu và tự chế ra chiếc mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn. Chiếc mũ được làm từ những nguyên vật liệu sẵn có, đơn giản như băng dính, mút xốp, tấm mica màu trong suốt, dây chun co giãn...

Nữ điều dưỡng mất 10 phút 'tự chế' mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn - 1

Chiếc mũ ngăn giọt bắn tự chế được sử dụng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

“Cách làm chiếc mũ này cũng đơn giản, thời gian để làm và hoàn thành một chiếc mũ chỉ mất khoảng 10 phút. Về tác dụng bảo vệ, phòng ngừa nguy cơ, ngăn giọt bắn thì hoàn toàn không thua kém gì những chiếc mũ mà bệnh viện được cấp”, điều dưỡng Hoa chia sẻ.

Các y bác sĩ, điều dưỡng của BVĐK Hòa Bình khi sử dụng mũ ngăn giọt bắn “tự chế” này đều không thấy sự khác biệt nhiều so với mũ “xịn”, đồng thời thấy an toàn, thoải mái và dễ chịu.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Phòng Điều dưỡng, làm công tác kiểm tra sàng lọc người ra vào ngay tại cổng bệnh viện cho biết: “Chiếc mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn “xịn” được cấp có vành bằng nhựa cứng nên khi đeo thường gây ra những vết lằn. Đeo lâu có thể bị đau ở những điểm tiếp xúc như trán hay vành tai.

Còn chiếc mũ bảo hộ do chị Hoa làm thì vành được lót bằng xốp mềm nên chúng tôi có thể sử dụng liên tục cả ngày vẫn thấy thoải mái không bị đau, lằn. Hơn nữa khi sử dụng rất thoáng khí, không bị đọng hơi nước làm mờ. Điều đó rất quan trọng, nhất là khi chúng tôi phải làm việc liên tục, tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm người khắp mọi nơi ra, vào bệnh viện”.

Nữ điều dưỡng mất 10 phút 'tự chế' mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn - 2

Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Hoa (trái) cùng các đồng nghiệp "tự chế" mũ ngăn giọt bắn.

Bác sĩ Phạm Trung Thủy , Khoa Răng hàm mặt cũng cho biết: “Ngoài khẩu trang, có thêm chiếc mũ bảo hộ y tế này, chúng tôi rất yên tâm. Đặc biệt với những y, bác sỹ phải trực tiếp thăm khám, tiếp xúc với dịch tiết từ miệng, hệ thống hô hấp của người bệnh. Đây thực sự là một thiết bị bảo vệ hữu hiệu trước những nguy cơ lây truyền dịch bệnh”.  

Điều dưỡng Vũ Thị Hoa mong muốn, những chiếc mũ ngăn giọt bắn sau khi hoàn thành sẽ được phát tặng tất cả các y, bác sĩ trong bệnh viện đang trực tiếp khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân, với mục đích phòng bệnh cho bản thân và tránh lây lan cho cộng đồng.

Ban giám đốc BVĐK Hòa Bình chỉ đạo bộ phận Công đoàn, Đoàn thanh niên, cán bộ, nhân viên y tế các khoa phòng tiếp tục nhân rộng, triển khai việc tự làm mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn, vừa tiết kiệm chi phí cho bệnh viện vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và cho người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Hằng nói: “Đây là một cách làm hay, sáng tạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Tuy là sáng kiến nhỏ nhưng nó có ý nghĩa vô cùng lớn, góp phần giúp bệnh viện chủ động giải quyết những khó khăn, thiếu thốn về vật tư, trang thiết bị bảo hộ một cách kịp thời, đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ y, bác sỹ trong quá trình tiếp xúc, khám, điều trị cho bệnh nhân”.

Video: Vệ sinh khử khuẩn tại nhà như thế nào để phòng chống Covid-19?

Thiên Bình/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn