Nữ công nhân thiệt mạng sau truyền đạm ở phòng khám tư: Bác sĩ điều trị khai gì?

Sức khỏeThứ Hai, 08/04/2019 12:27:00 +07:00

Bác sĩ này cho hay, nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ công nhân trên là do người này yêu cầu ông “truyền cố” thêm chai đạm.

Sáng nay, Phòng Y tế Quận Thanh Xuân đã có báo cáo gửi Sở Y tế về vụ nữ công nhân thiệt mạng sau khi truyền đạm tại Phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu (địa chỉ số 21 hẻm 35/69/95 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Hà Nội).

Trong báo cáo, ông Phạm Hồng Diệp – Trưởng Phòng Y tế Quận Thanh Xuân nêu rõ, người trực tiếp truyền đạm cho nữ bệnh nhân trên là Dương Văn Kết, bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hiện đã về hưu.

phong kham

 Phòng khám chuyên khoa Nội tổng hợp Kết Châu - nơi xảy ra vụ việc nữ bệnh nhân thiệt mạng. (Ảnh: PQ)

Ông Kết cho biết, khoảng 18h30 ngày 7/4, phòng khám có tiếp nhận một nữ bệnh nhân là chị P.T.H. tới thăm khám. Bệnh nhân nói đã không ăn uống khoảng 2 – 3 ngày nay, người mệt lả kéo dài và có tiền sử tụt huyết áp.

Bệnh nhân sau đó được kiểm tra tim, phổi, đo huyết áp (95/60 mmHg, mạch 72 lần/phút) và chẩn đoán tụt huyết áp, suy nhược cơ thể.

Bệnh nhân được truyền một chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) do công ty TNHH B.Braun Việt Nam sản xuất. Sau khi truyền nước, tình trạng bệnh nhân có khá hơn, chưa thấy có dấu hiệu gì bất thường.

Tuy nhiên, theo ông Kết, sau khi truyền nước, bệnh nhân có yêu cầu ông truyền thêm 1 chai đạm để tăng cường sức khỏe. Qua thăm khám, xem xét tình hình, ông có truyền thêm 1 chai Alvesin 40 (250 ml) sản xuất tại Đức.

Truyền được khoảng 5 – 10 phút, khi hết khoảng 1/5 chai đạm, bệnh nhân bắt đầu thấy ngứa. Thấy vậy, ông Kết cho dừng ngay truyền đạm để chuyển sang truyền chai dung dịch Natri Clorid 0,9% (500 ml) để duy trì đường truyền. Đồng thời cấp cứu bệnh nhân bằng cách tiêm bắp 1 mũi Dimedrol 10 mg/ml, thở oxy 4-5 lít/phút.

Tuy nhiên, bệnh nhân lâm tình trạng khó thở, tức ngực, nôn 3 lần. Ông Kết tiếp tục tiêm bắp một ống Adrenalin 1mg/1ml, rồi tiêm 1/2 ống Adrenalin, pha 10 ml tráng ống Adrenalin tiêm tĩnh mạch, tiêm Solu-Medrol 40 mg qua đường truyền, đồng thời gọi cấp cứu 115.

Cũng theo ông Kết, trong thời gian này, bệnh nhân liên tục được ép tim kết hợp với bóp bóng Ambu với tỷ lệ 4:1, nhưng tình trạng không được cải thiện. Bệnh nhân tím tái, ngừng thở, ngừng tim vào khoảng 20h30, sau 2 giờ đồng hồ tới điều trị tại phòng khám.

Được biết, ông Dương Văn Kết, hiện đang là bác sĩ phụ trách chuyên môn của Phòng khám Kết Châu. Ông từng là bác sĩ chuyên khoa Nội cấp I, phụ trách chuyên môn (nguyên Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Việt Xô, đã nghỉ hưu 5 năm).

Trợ giúp ông tại phòng khám là vợ ông, bà Đoàn Thị Minh Châu, sinh năm 1960, nguyên bác sĩ trưởng phòng Y tế của Xí nghiệp đường Sắt. Bà Châu cũng là người tham gia trợ giúp ông Kết cấp cứu cho nữ bệnh nhân xấu số trên sau khi sự cố xảy ra.

Theo thông tin từ Phòng Y tế Quận Thanh Xuân, Phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu hiện có đầy đủ các giấy tờ thủ tục pháp lý gồm: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Video: Chữa bệnh ở phòng khám Trung Quốc, một phụ nữ phải cấp cứu.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn