NTD tẩy chay hay bằng lòng "sống chung" với ruốc bẩn?

Kinh tếThứ Sáu, 22/10/2010 06:54:00 +07:00

(VTC News) - Trước thực trạng "ruốc bã sắn dây", trộn bột mì... không ít NTD lo lắng, lên tiếng tẩy chay bằng cách tự mua nguyên liệu về làm.

(VTC News) - Trước thực trạng ruốc được làm từ bã sắn dây, trộn bột mì, không ít NTD tỏ ra lo lắng. Họ  lên tiếng tẩy chay, kêu gọi mọi người chuyển sang "tự cung, tự cấp".

"Tẩy chay" ruốc bẩn?

Khi những thông tin về ruốc làm từ bã sắn dây, trộn bột mì là có thật, không ít người tiêu dùng (NTD) tỏ ra ngỡ ngàng, lo lắng. Cũng nghe thông tin này từ những người bạn đồng nghiệp, chị Vũ Thùy Trang (Ba Đình, HN), ngay lập tức "tuyên truyền" cho các bà, các mẹ trong xóm nhà mình không nên mua ruốc ngoài chợ cho bé ăn, nhắc nhở các ông bố bỏ ngay món mướp đắng trộn ruốc trong thực đơn món nhậu ngoài quán bia. Chị Trang cũng tự dặn mình: Từ giờ trở đi phải tranh thủ thời gian tự mua thịt về giã ruốc, “tự cung ,tự cấp” để đảm bảo vệ sinh và chất lượng thực phẩm ăn uống cho cả gia đình.

Với số tiền hạn hẹp, nhiều sinh viên vẫn chấp nhận "sống chung với ruốc bẩn" .

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VTC News, bác Thúy Hoa (ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, HN) than thở: “Giờ ăn cái gì cũng bẩn hết... Nếu ruốc làm không bẩn thì thịt lợn mình mua ở chợ thế nào cũng bẩn. Nếu thịt không bẩn lại lo khoản mắm muối, liệu nó có chứa nhiều độc tố không. Nếu mắm muối không độc, tôi cũng phải băn khoăn: Nguồn nước sử dụng có ô nhiễm?”. Dứt câu chuyện, bác Hoa buông tiếng thở dài: “Có thành tiên “ăn sương nằm gió” thì sương gió cũng nhiễm khuẩn mất thôi!”.

Trên các forum, diễn đàn những ngày qua, nhiều thành viên đua nhau bày tỏ thái độ căm phẫn sự “vô lương tâm”, "vô trách nhiệm" của các cơ sở chế biến ruốc bẩn. Một bạn nickname tainbow viết: “Tối qua, tớ mới ăn cơm tấm sườn với ruốc... giờ nghĩ đến mà vẫn thấy gai người!”.

Một bạn khác có icon hình mặt người cũng hoảng hốt: “Nghe người ta kể mà phát khiếp. Từ nay tớ cạch ăn ruốc, chuyển sang ăn xôi vừng vài hôm, bao giờ cho đỡ sợ hơn.  Hoặc là làm ruốc tại nhà, sáng chỉ mua xôi ngoài hàng thôi”!

Dạo quanh ký túc xá trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, không khí mua bán các hàng xôi ruốc ở đây những ngày này có vẻ trầm lắng hơn. Theo bạn Nguyễn Trà My (năm nhất trường ĐH Kinh tế): Sinh viên bây giờ ít người ăn xôi ruốc hơn trước. Nếu như trước đây, chỉ cần một gói xôi thêm ít ruốc là xong bữa sáng nhưng bây giờ, họ chuyển sang xôi chả, xôi thịt ".

Trước hàng loạt các “công nghệ” chế biến thực phẩm bẩn, mất vệ sinh và vô vàn sự gian dối trong lĩnh vực ăn uống, một số bạn trẻ lại tỏ ra “bất cần đời”: Khuất mắt trông coi thôi, chứ lo lắng cũng chẳng làm được gì, ăn lại chẳng còn ngon miệng”.

Bên cạnh đó, một số nhân viên văn phòng của các công ty trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều sinh viên, học sinh đều tâm sự, lo thì vẫn lo vậy, nhưng “giải pháp” cũng không mấy sáng sủa và họ chấp nhận “sống chung với ruốc bẩn”.

Không cần biết ruốc làm từ đâu, bán vẫn bán!

“Thông thường chúng tôi thường lấy ruốc từ một đầu mối lâu năm, không muốn thay đổi mối hàng", đó là lời khẳng định của rất nhiều hàng bán xôi trên địa bàn Hà Nội.

Theo ghi nhận của pv VTC News, hầu hết cơ sở chế biến xôi ruốc, bán bánh mì trong nội thành Hà Nội đều sử dụng nguồn ruốc có giá từ 12.000 – 16.000 đồng/lạng.

Chị chủ bánh mì trên phố Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) lấy ruốc lợn từ một gia đình người quen ở Hạ Đình với giá 12.000 đồng/lạng đã hơn chục năm nay. Chị này cho biết: Mặc dù không biết chất lượng ruốc có bị pha trộn hay không, và chưa bao giờ nhìn thấy họ làm ruốc như thế nào nhưng vẫn cảm thấy yên tâm khi lấy hàng chỗ quen. Vả lại không thấy khách kêu ca gì nên chị càng tin tưởng đó là “ruốc ngon”.

Tuy nhiên, chỉ những người trực tiếp mua thịt về rồi xay, giã mới biết được rằng: Nếu ruốc lợn ngon, “nguyên chất” thì không bao giờ có giá dưới 20.000 đồng/lạng.

Nhiều người bán xôi đã "quay lưng" tẩy chay ruốc bẩn trước nỗi lo mất khách.

Chị Kim Chi – chủ tiệm chuyên bán ruốc gà tại chợ Đồng Xuân - lý giải bằng một phép tính đơn giản: 1kg thịt nạc mông, thịt thăn mua vào với giá thấp nhất, rẻ nhất là 50.000 - 55.000 đồng. Thông thường, 3kg thịt mới làm được 1kg ruốc. Như vậy, tổng cộng tiền nguyên liệu để làm ra 1kg ruốc là 150.000 - 165.000 đồng. Nếu bán với giá 120.000 đồng/kg, số tiền thu về lại nhỏ hơn số vốn bỏ ra, người sản xuất tự nhiên lỗ mất 30.000 - 45.000 đồng.  “Đó là chưa kể tiền công, tiền mua gia vị”, chị Chi nói thêm.

Do đó, để có được cái giá phải chăng, hợp lý, vừa túi tiền những người bán xôi, bán bánh mì (từ 12.000 – 16.000 đồng/lạng), người chế biến buộc phải lựa chọn 2 phương pháp: Một là trộn thêm bột, thêm muối, mắm để tăng trọng lượng. Hai là lấy thịt lợn cuối chợ, hàng ế, hàng dồn, hàng giá rẻ bất ngờ để giảm nguồn chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra.

Bà Mai, một người bán xôi trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, HN) kể: Ngày trước, bà cũng từng lấy ruốc ở chợ, nhưng thỉnh thoảng lại gặp cả cục muối to đùng, vón cục lẫn ở trong ruốc. “Chắc là họ rắc muối hạt vào trước khi đưa ra ngoài bán, nhằm mục đích tăng cân”.

Trao đổi với chúng tôi về những loại ruốc chất lượng thấp như ruốc pha bã sắn dây, ruốc trộn bột mì, ban đầu, bác N. bán xôi trên Phố Vọng xua tay: “Chưa nghe thấy”. Tuy nhiên, ngay sau đó, như chợt nhớ ra điều gì, bác bồi hồi cho biết: cách đấy một năm, khi ruốc khan hàng, giá lên cao mà vẫn không có ruốc bán, bác đã ra chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng) mua tạm vài lạng về dùng. Chưa kịp đổ vào lọ, bác để ngay túi ruốc trên mặt bàn. Đến tối, lũ chuột tung hoành cắn tung bao ruốc, ruốc vương vãi khắp nơi nhưng điều ngạc nhiên là chúng lại không ăn một sợi nào.

Nhặt túi ruốc lên, bác N. thấy lác đác một ít bột như phấn có màu trắng. “Khi ấy chẳng nghĩ ra có ruốc trộn bột mì hay bã sắn dây”. Sau đợt đó, bác không dám lấy hàng lạ của ai nữa mà tự mình làm lấy để sử dụng.

Theo nhiều cửa hàng ăn uống, người tiêu dùng (NTD) hiện nay rất nhạy bén và thông minh. “Chỉ cần thức ăn có mùi vị khác, hoặc ôi, thiu là họ nhận ra ngay”.

Chị Hoài, bán xôi đầu phố Tạ Quang Bửu (Bách Khoa, HN) cũng cho biết: “Nếu khách đã thường xuyên ăn hoặc yêu thích xôi ruốc thì chỉ cần ruốc có mùi, cứng là họ cũng biết liền”. Chị Hoài còn nói thêm: “Mặt khác, nếu ruốc đó làm từ bã sắn dây thì khi ăn, NTD sẽ thấy ruốc tan nhanh trong miệng, hoặc càng nhai, ruốc lại càng dai, cứ chẽo choẹt, mãi mà nuốt không trôi. Nếu ruốc pha trộn nhiều gia vị, nhất là cho nhiều đường thì ruốc ăn vào rất lợm giọng, chứ không có vị ngọt của thịt”.

Để giữ khách, không ít hộ gia đình, nhiều chủ hàng xôi đã phải chuyển từ lấy buôn ruốc sang tự làm, tự cung tự cấp, "tuy vất vả hơn và lãi ít nhưng đảm bảo chất lượng và an toàn cho khách, như thế mới làm ăn lâu dài được" - một người bán xôi ngoài cổng chợ Ngã Tư Sở chia sẻ.


Bài, ảnh
: Tiểu Phương - Ngọc Anh


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.




Bình luận
vtcnews.vn