NSƯT Việt Hoàn: Ca sĩ đâu phải là con vẹt

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 16/11/2010 06:58:00 +07:00

(VTC News) - Rất nhiều bạn trẻ có giọng, nhưng do muốn mau chóng được nổi tiếng mà bỏ qua việc trau dồi kiến thức...

(VTC News) - Rất nhiều bạn trẻ có giọng, nhưng do muốn mau chóng được nổi tiếng mà bỏ qua việc trau dồi kiến thức. Ho hát chủ yếu là khoe giọng chứ không mấy khi họ hiểu về tinh thần của các ca khúc và phần học thức trong đó rất ít.

Các ca sĩ trẻ lười quá

- Các ca sĩ theo dòng nhạc chính thống như anh thường ít ra đĩa. Vì không đủ điều kiện hay vì "lười"?

- Đối với các ca sĩ thị trường, mặc dù bị lỗ do đầu tư lớn lại bị nạn đĩa lậu hoành hành nhưng họ vẫn rất chăm chỉ ra đĩa bởi vì họ cần quảng bá tên tuổi cũng như khẳng định độ "hot" của mình.

Riêng đối với dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi thì khán giả có xu hướng mua về để thưởng thức nên những yêu cầu khắt khe hơn. Khán giả đã khắt khe thì ca sĩ không được phép làm ẩu. Mặt khác, lớp khán gải này thường mua đĩa “xịn” nên tiền bán đĩa cũng đủ để chúng tôi sống bằng nghề.
NSƯT Việt Hoàn 

- Xem ra thu nhập của các ca sĩ đi theo dòng nhạc chính thống cũng không hề thua kém các ca sĩ theo dòng nhạc thị trường?

- Tôi không biết là hơn hay kém. Tuy nhiên, đối với những ca sĩ thực sự có khả năng thì cuộc sống vẫn rất tốt. Bản thân tôi cũng như như Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Tân Nhàn...thì cuộc sống rất ổn định.

- Trong số những ca sĩ mà anh vừa kể có Tân Nhàn là trẻ một chút, còn lại đều là những ca sĩ đã đi hát được hàng chục năm rồi?

- Có nhiều người thắc mắc, tại sao chúng tôi nổi tiếng muộn thế. Rất đơn giản, khi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chúng tôi đang ở trong trường, không có thời gian chạy sô, đi diễn. Sau hàng chục năm rèn luyện trong môi trường học tập chuyên nghiệp, đến độ chín rồi mới đi hát và bắt đầu được khán giả biết tới.

Còn hiện nay, dù có rất nhiều ca sĩ hát theo dòng nhạc này, nhưng để trở thành một nghệ sĩ thực thụ thì rất hiếm. Rất nhiều bạn trẻ có giọng, nhưng do muốn mau chóng được nổi tiếng mà bỏ qua việc trau dồi kiến thức. Ho hát chủ yếu là khoe giọng chứ không mấy khi họ hiểu về tinh thần của các ca khúc và phần học thức trong đó rất ít.

- Ca sĩ theo dòng nhạc của anh thì thường gặp một khó khăn là số lượng các bài hát không nhiều?

- Số lượng các bài hát nhiều đấy, không ít đâu. Chỉ có điều là các ca sĩ trẻ họ lười quá. Ho không chịu lật lại, tìm tòi để chọn các ca khúc hợp với mình thôi. Các bạn chỉ nghe đĩa của các thế hệ đi trước rồi hát theo. Điều này rất dễ nhận thấy trong các cuộc thi. Trong một buổi mà có tới 5, 6 ca sĩ chọn trùng bài.

- Anh chê các ca sĩ trẻ lười, thế nhưng tôi thấy trong anh cũng thường xuyên hát lại các bài hát cũ đó thôi?

- Tôi không thể làm khác được khi mà Ban tổ chức chương trình yêu cầu mình hát bài đó. Mình có muốn hát bài khác cũng không được.Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ cần phải có sự điều chỉnh từ phía các nhà tổ chức lẫn các ca sĩ, chứ riêng bản thân chúng tôi thì không làm được.

- Bao nhiêu năm qua, hát đi hát lại chừng ấy bài hát, có khi nào anh cảm thấy chán không?

- Khái niệm nhàm chán không có trong lớp ca sĩ chúng tôi đâu. Bởi vì giai điệu của nó quá đẹp, ca từ của nó quá hay, mỗi lần hát là cảm xúc lại xuất hiện y như lần đầu.

Muốn tạo dấu ấn riêng, không nhất thiết phải phá cách

- Tính tới thời điểm hiện tại, các ca khúc nhạc đỏ đều được rất nhiều thế hệ, nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Vậy làm cách nào để ca sĩ có thể ghi nhận được dấu ấn riêng?

- Tôi nghĩ muốn tạo được một dấu ấn riêng không nhất thiết là phải phá cách.  Cũng là nốt nhạc ấy, ca từ ấy, những cách chuyển tải của mỗi ca sĩ là khác nhau. Mỗi ca sĩ chuyển tải bằng tâm hồn của họ, thổi vào đó một hơi hướng của thời đại mà họ đang sống. Thế hệ ca sĩ chúng tôi, hát những bài ca cách mạng với tâm thế của người hôm nay hát về ngày hôm qua.

Làm ca sĩ đâu thể là con vẹt được. Anh phải có tư duy để thể hiện được điều mà nhạc sĩ gửi gắm trong các bài hát bằng nét riêng của mình chứ.

NSƯT Việt Hoàn và bà xã xinh đẹp 

- Anh có thấy tự hào khi nhiều người ví bộ ba Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn với Trần Hiếu - Quý Dương - Trung Kiên?

- Được so sánh với những người mà ngày xưa mình coi là thần tượng thì vui chứ. Tuy nhiên, thực tế thì chúng tôi hát khác với các thày. Ngày xưa, các thày hát mộc mạc, giản dị lắm còn chúng tôi được đào tạo một cách bài bản hơn, có cơ hội tiếp cận với nền âm nhạc thính phòng của thế giới lắm nên giọng hát có tính học thuật nhiều hơn..

- Khi hợp tác với Trọng Tấn, Thanh Lam có nói rằng, nếu chỉ gắn bó với dòng nhạc cách mạng, Tấn có hát hay như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể vượt qua được những cây đa, cây đề trước đó?

- Chúng tôi không đặt mục tiêu phải vượt qua ai cả. Chúng tôi chỉ mong muốn rằng khi khán giả nghĩ tới dòng nhạc cách mạng thì sẽ nhắc tới tên mình trong đó.

- Không so đo ai hơn ai, nhưng anh nghĩ sao nếu có nhận xét rằng, trong bộ ba thì anh có vẻ “yếu thế” hơn?


- Chúng tôi không phải là một band, một nhóm nhạc. Với những ca khúc mà chúng tôi nghĩ rằng ba người chúng tôi hát thì sẽ hay hơn thì chúng tôi hợp tác. Dương chịu trách nhiệm về bè cao. Trọng Tấn chịu trách nhiệm về phần trung, còn tôi chịu trách nhiệm về phần bè trầm. Hát tập thể thì phải biết nhường nhịn để phát huy hết sở trường của từng người, chứ tôi cũng nhảy lên đòi hát bè cao thì làm hỏng tác phẩm mất.

- Vậy anh đánh giá thế nào về nỗ lực thay đổi của Trọng Tấn khi hợp tác với Thanh Lam và Lê Minh Sơn?


- Tôi là người ngoài cuộc, không thể đánh giá được. Nhưng tôi nghĩ Tấn cũng biết rằng đó là sự bắt tay tạm thời, một cơ hội trải nghiệm thôi chứ không phải là sự chuyển hướng trong dòng nhạc của Tấn.

- Giả sử, cơ hội hợp tác đó đến với anh, anh có nắm lấy?

- Chắc là không, tôi chỉ có duyên với dòng nhạc cách mạng thôi.
                                   
Thu Giang (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn