NSƯT Bảo Quốc: Đêm 30 gặp cướp

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 26/01/2012 02:22:00 +07:00

Tết là những ngày bận bịu với các nghệ sĩ sân khấu khi lịch biểu diễn gần như kín cả tháng giêng. Mỗi cái Tết đến rồi đi, với họ luôn để lại nhiều vui buồn.

Tết là những ngày bận bịu với các nghệ sĩ sân khấu khi lịch biểu diễn gần như kín cả tháng giêng. Mỗi cái Tết đến rồi đi, với họ luôn để lại nhiều kỷ niệm vui buồn. Dịp đầu Xuân, NSƯT Bảo Quốc nhớ lại chuyện đêm 30 chạy show gặp cướp "tha" và nghệ sĩ Bo Bo Hoàng tâm tình việc diễn Tết.

NSƯT Bảo Quốc: “Gặp cướp đêm 30”

Nếu vai diễn Tư Liều của NSƯT Việt Anh trong vở Tốt xấu giả thật (Tên trộm đêm 30 của tác giả Nguyễn Thu Phương) năm qua giúp anh “ẵm” giải Cù nèo vàng của Báo Tuổi Trẻ Cười thì cách đây đúng 28 năm, NSƯT Bảo Quốc đã gặp “người thật việc thật” trong đêm chạy show 30 Tết.

NSƯT Bảo Quốc và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

NSƯT Bảo Quốc kể: “Lúc đó, phong trào Tiếng cười Sân khấu (tiền thân của tấu hài hôm nay) mới ra mắt khán giả từ sự chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ấy là Bí thư Thành ủy TPHCM, mang tiếng cười đến với mọi nhà, nhằm châm biếm, đả phá cái xấu, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đêm đó, tôi và nghệ sĩ (NS) Duy Phương chạy show ở Biên Hòa - Đồng Nai về TPHCM".
 
"Chỉ còn 30 phút nữa là đến giao thừa, chúng tôi đi xe gắn máy, qua khỏi cầu Bình Triệu, tự dưng một tốp thanh niên chạy ra chặn chúng tôi lại. Duy Phương nói: “Anh ôm eo tui cho chắc, tôi vọt ga phóng qua họ”. Tôi nói nhanh: “Thôi, tao còn muốn ăn Tết, mày cứ dừng xe lại đi. Mình là NS mà, chắc họ nhận ra mình rồi cho đi”. Duy Phương nghe có lý, giảm tốc độ" - NSƯT Bảo Quốc nhớ lại.
 
"Tôi nói với toán thanh niên: “Mấy cậu đừng làm như vậy, chúng tôi đi làm về, đây là anh Duy Phương, còn tôi là Bảo Quốc”. Mới nghe tôi nói thì một người đã lên tiếng: “A, Bảo Quốc tụi bây ơi!”. Một tốp thanh niên trong lề ùa ra. Tôi giới thiệu lại một lần nữa: “Đây là anh Duy Phương”. Một thanh niên lên tiếng: “Không biết Duy Phương là ai”. Duy Phương nói nhỏ với tôi: “Tay này nhà chắc không có tivi, nên không biết tui là ai”. Có thể nói chưa bao giờ tôi rơi vào trạng thái vừa lo sợ, vừa mắc cười mà phải nín khi nghe câu nói của Duy Phương.
 
Hai chúng tôi bước xuống xe. Một người lúc này reo lên: “Đúng rồi, Bảo Quốc và Duy Phương, hôm bữa tao coi hai ông này đóng kịch Ngày mai em lên đường vui lắm. Đi đâu đây hai cha?”.
 

NSƯT Bảo Quốc và NS Phượng Liên 

                                                                                                                        
Lúc này, Duy Phương mới tỉnh hồn: “Tụi tui đi diễn ở Biên Hòa mới về”. Một thanh niên tiếp tục kè dao vào eo Duy Phương: “Đi hát về chắc là lãnh được nhiều tiền, đưa vài trăm đồng mua rượu uống coi”. Tôi móc túi định lấy tiền thì một thanh niên khác tiến tới: “Dạ thôi, tụi em lỡ làm phiền 2 anh, không dám nhận tiền đâu. Đàn em của em lỡ làm 2 anh sợ, xin lỗi 2 anh”.
 
Tôi vẫn đưa 2 tờ 50.000 đồng: “Coi như 2 anh lì xì đầu năm cho mấy em. Cất con dao này đi, anh Duy Phương sợ nãy giờ”. Người thanh niên cất con dao nhưng không nhận tiền, bảo: “Tụi em chỉ chặn xe xin tiền mua rượu nhậu đêm giao thừa thôi, sáng tới giờ "hẻo" quá. Hai anh đi đi”.
 
Sau này, trong một lần đi diễn phục vụ tại Trung tâm Dạy nghề thanh thiếu niên ở Củ Chi - TPHCM, tôi và Duy Phương cũng diễn tiểu phẩm hài Ngày mai anh lên đường. Sau suất diễn, Tổng đội Thanh niên của đơn vị này đãi cơm, một thanh niên ngồi đối diện tiếp thức ăn cho tôi rồi hỏi: “Hai anh quên em rồi phải không?”. Duy Phương và tôi trố mắt, cố lục trong trí nhớ. “Em là đại ca của băng cướp dưới dốc cầu Bình Triệu nè, giao thừa năm đó tụi em chặn xe 2 anh lại định cướp đó. Nhớ chưa?” - anh ta nói.
 

NSƯT Bảo Quốc và NS Công Lý 

                                                                                    
Thì ra, anh thanh niên này và băng cướp bị công an truy quét sau cái Tết năm đó, tất cả đều được đưa vào trung tâm dạy nghề. Giờ thì "đại ca" năm nào đã là tổng đội trưởng rất uy tín và luôn đạt thành tích tốt trong công tác. Anh khoe: “Đàn em của em đều đã ra trại, về với địa phương, tất cả đều đã có công ăn, việc làm. Giờ nhớ lại cái thời đi ăn cướp, em xấu hổ quá”.
 
Tôi cười ứa nước mắt, bẻ đôi con cá bạc má chiên trong chén gắp cho người thanh niên. “Em tên Tấn, tên của vai diễn mà anh đã từng đóng trong tuồng Tấm lòng của biển. Em xem vở này thì nhớ má em lắm. Hồi đó em bỏ nhà đi bụi đời rồi trở thành đại ca của băng cướp, má em nhiều lần vào tù ra khám để thăm nuôi em, đến khi má em mất đã trăng trối dặn dò em phải hoàn lương, đừng đi ăn cướp nữa" - Tấn nghẹn giọng.
 
Tấn hướng ánh mắt về phía dãy bàn các hội viên nữ, chỉ cho tôi và Duy Phương một cô gái trẻ, cho biết “Vợ sắp cưới của em đó. Sang năm tổng đội sẽ tổ chức đám cưới, nếu thuận tiện mời 2 anh tới giúp vui văn nghệ”. Duy Phương hồ hởi: “Sẵn sàng, nhưng đừng có dí dao vô eo anh nữa nhé!”. Tấn cười.
 
Mùa Xuân đã mang lại cho nhiều người có một quá khứ lầm lỡ phút giây tĩnh lặng thật đẹp. Tết năm nay, chắc mái ấm gia đình Tấn rất hạnh phúc. Riêng mình, nhắc lại kỷ niệm đêm giao thừa năm đó, lòng tôi lại lâng lâng nhớ về câu chuyện của Tấn" - NSƯT Bảo Quốc xúc động.
 
NS Bo Bo Hoàng: “Diễn Tết - niềm vui không mua được bằng tiền”
 
Đời NS gạo chợ nước sông, lênh đênh khắp nơi nên ít khi có dịp về ăn Tết đầm ấm bên gia đình. Với NS Bo Bo Hoàng – người được trao giải HCV Thanh Tâm năm 1965 cùng đợt với NSƯT Thanh Nguyệt, thì “không có gì vui bằng ăn Tết với đoàn hát”.

NS Bo Bo Hoàng 

                                                                                                                                    
Chị kể: “Hồi nhỏ, tôi đã mơ ước lớn lên đi theo gánh hát sống rày đây mai đó. Cha tôi – cựu tuyển thủ đua xe Lê Thành Cát - không thể ngờ trong 6 người con, tự dưng có tôi là rẽ sang nghề hát. Năm 14 tuổi, tôi đã sống lênh đênh trên sông nước đi khắp nơi từ Cà Mau cho đến miền Trung, rồi ra tận Hà Nội những năm đất nước thống nhất.
 
Tôi nhớ nhất lần lưu diễn mùa Xuân năm 1980, khi ấy tôi đi đoàn Sông Hương, cứ 6 tháng diễn miền Bắc, 6 tháng miền Trung. Tết miền Trung và miền Bắc với tôi có nhiều ấn tượng khác nhau. Năm đó tôi diễn những vở: Đừng quên dòng nước mắt, Tình ca biên giới, Mùa tôm…

Diễn một đợt trước Tết sau đó dọn về Huế để đón Xuân với bà con khán giả đất cố đô. Không ngờ đêm diễn cuối, xe đoàn bị hư, mà ngày mai đã là giao thừa. Ai cũng nôn nóng về Huế, vì với bà con xứ này thì đoàn cải lương miền Nam là “số 1”. Có những cái Tết chúng tôi không tốn một đồng xu nào, vì từ gạo, thịt, bánh, mứt đều được khán giả Huế mang đến tặng.
 
Tôi bàn với ông bầu, phải vận chuyển anh em bằng đường thủy, đi từ Nghệ An về Huế. Chúng tôi đến nhà cầu cứu một khán giả ở Nghệ An có người chú ruột chạy tàu thủy. Người thợ máy trưa 29 Tết đã say "quắc cần câu".

Nghe chúng tôi nhờ, ông cười giòn mời uống vài chai rượu rồi mới tính đến chuyện có giúp hay không.  "Qua sông thì phải lụy đò”, tôi và ông bầu uống hết chai rượu với ông chủ tàu. Trước khi gục ngã, ông đã kịp "chỉ đạo" con trai: “Mi khỏi ăn Tết ở ni mà vào Huế ăn Tết với mệ”. Người con mừng rỡ, lôi chúng tôi ra khỏi bàn nhậu: “Đi nhanh lên, cha tôi đồng ý rồi”.

NS Hiếu Cảnh, Bo Bo Hoàng và Chấn Cường trong vở Cây búa thần (diễn tối mùng 1 Tết Nhâm Thìn tại Trường Tiểu học Lại Hùng Cường, huyện Bình Chánh - TPHCM) 

             
Sau này mới biết, người thanh niên yêu một cô gái ở Huế, nhiều ngày qua xin phép gia đình vào Huế thăm “ghệ” mà cha không cho, nay được cớ đưa đoàn hát vào cố đô, chàng trai hết lòng giúp đỡ để chúng tôi kịp ngày mở màn hát Tết tại Huế.
 
Nghề hát của chúng tôi đã có nhiều ân nhân cứu giúp, có khi chỉ là một chuyện tình cờ, có khi phải vất vả mới đạt hiệu quả. Tôi còn nhớ năm đó ăn Tết ở Hà Nội, trời rét đậm đến đỗi trâu bò còn chết. Vậy mà tôi ra sân khấu hát vai một nô tỳ bị hành hạ, người co ro với mỗi chiếc áo rách.
 
Một bác lớn tuổi ngồi xem thấy tôi vừa diễn vừa run đã leo lên sân khấu khóc, rồi khoác cho tôi chiếc áo ấm mà bác đang mặc. Khán giả vỗ tay trước tình cảm đó, còn NS Tài Bửu Bửu đang diễn đến lớp này cũng ứng biến: “Ông già này ở đâu mà vào đây giúp con tiện tì này?”. Bác lớn tuổi cúi xuống cởi giày: “Ta đánh chết mẹ mi, mi ác quá!”.

Lúc này tôi phải can bác: “Bác ơi, tụi con đang diễn trong tuồng mà”. Khán giả cười một phen, tôi nhìn lại thấy Tài Bửu Bửu đã chạy vào trong cánh gà run lập cập… Nghề hát của chúng tôi là vậy. Những niềm vui đó không thể mua bằng tiền”.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

Bình luận
vtcnews.vn