NSND Lê Khanh nhớ thời được làm công chúa

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 04/11/2013 07:32:00 +07:00

(VTC News) - NSND Lê Khanh nhớ lần đầu tiên bước ra sân khấu làm công chúa năm 7 tuổi, được cô chú diễn viên công kênh trên vai...

(VTC News) - NSND Lê Khanh nhớ lần đầu tiên bước ra sân khấu làm công chúa năm 7 tuổi, được cô chú diễn viên công kênh trên vai...

Là trường hợp hiếm hoi được phong danh hiệu NSƯT, NSND trước tuổi, gặp NSND Lê Khanh khi đã đạt ngưỡng đỉnh cao của danh vọng và sự nghiệp, vẫn thấy chị miệt mài dựng vở, tận tụy với từng diễn viên trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ.

Có lẽ với Lê Khanh, Nhà hát Tuổi Trẻ đã trở thành ngôi nhà thứ hai, bởi nơi ấy, chị đã gửi gắm cả tuổi thanh xuân nhiều ước vọng và hoài bão, cả những năm tháng đắm say với nghề, vật lộn với cơm áo gạo tiền để mỗi buổi tối sáng đèn, lòng lại thôi lo toan vướng bận, chỉ còn khoảnh khắc sống hết mình với số phận nhân vật.
nsnd lê khanh
NSND Lê Khanh 
35 năm, quãng thời gian quá nửa đời người được Lê Khanh dành trọn vẹn cho ánh đèn sân khấu, cho việc đi tìm và chinh phục những điều mới mẻ.

Những tưởng Lê Khanh đã gặt hái thành công hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác trong nghệ thuật, mà hóa ra với chị, nghệ thuật làm gì có đỉnh cao, ngày nào còn mang hơi thở, là còn thấy mình mới đi những bước khởi đầu, và vẫn nguyên cái khát vọng sáng tạo…

Người phụ nữ nào cũng sợ tuổi tác, nhất là khi những năm tháng tuổi xuân đã trôi về phía ký ức. Nhưng dường như dấu vết thời gian lại bất lực trước Lê Khanh.

Chị đẹp, vẻ đẹp biểu trưng cho người phụ nữ Hà Thành xưa, kiêu sa mà dịu dàng quá đỗi. Ngắm nhìn gương mặt chị, người ta chỉ còn thấy sự bình yên đến lạ lùng, như đứng trước mặt hồ mùa thu, phẳng lặng, nhưng vẫn đầy thơ mộng…


Làm công chúa năm 7 tuổi

Lê Khanh vẫn nhớ cái cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú khi lần đầu tiên bước chân ra sân khấu, năm chị 7 tuổi.  Được làm công chúa, cô chú diễn viên công kênh ra sân khấu, hãnh diện lắm chứ. Như một cái duyên bén vào tâm hồn thơ trẻ của chị, để rồi cái duyên nghệ thuật ấy theo chị suốt cả cuộc đời.

Năm lên 8 cũng đánh dấu một mốc thú vị trong cuộc đời Lê Khanh, đó là khi chị tham gia vào một vở diện có sự kết hợp với truyền hình, vừa diễn sân khấu, vừa quay ngoại cảnh. Khi đó bố chị đóng vai ông ngoại, còn chị thì vào vai người cháu.

Những cảnh bên ngoài thì đi quay như phim truyện, nhưng khi câu chuyện kịch bắt đầu được kể thì diễn ra tại trường quay đơn sơ, giản dị.

Và chương trình ấy chỉ diễ ra duy nhất một lần rồi mất vì chưa có phim nhựa để ghi lại. Chị cười: diễn xong rồi vẫn ngẩn ngơ nuối tiếc vì không được xem lại.


15 tuổi rưỡi là thời điểm Lê Khanh được đóng vai người lớn đầu tiên trong mảng phim truyện nhựa. Chị hóa thân vào vai một cô gái thanh niên xung phong trưởng thành, đầy lý tưởng, hoài bão, và cả mối tình tay ba éo le trắc trở trong Từ một cánh rừng của cố đạo diễn, NSƯT Đức Hoàn.
lê khanh
Thiếu nữ Lê Khanh bên mẹ và gia đình. 
Chị nhớ khi ấy vừa thử vai xong thì Nhà hát Tuổi Trẻ mở lớp tuyển sinh. Chị háo hức đến thi tuyển, chỉ kịp xong vòng sơ tuyển thì phải lên đường vào Khe Sanh quay phim. Mãi ba tháng sau, chị mới quay về Hà Nội nhận kết quả đến khai giảng lớp, đó là ngày 11/9/1978.

Từ đó, chị đầu quân cho lớp kịch khóa I Nhà hát Tuổi trẻ. Khi ấy, thiếu nữ Lê Khanh mới vừa học hết cấp 2.

Sau khi học được một học kỳ, Lê Khanh đã được NSND Phạm Thị Thành dàn dựng vở đầu tiên mang tên Hòn đá cháy hoàng tử học nghề.

Đó là năm chị tròn 16 tuổi, đều đặn vừa học vừa làm, vừa ngồi trên ghế nhà trường, vừa làm diễn viên dưới trên sân khấu mỗi tối sáng đèn.


Năm 1982,  sau 3 năm học Lê Khanh tốt nghiệp, chị bồi hồi: ‘Đó là lần đầu tiên tôi được đóng kịch cổ điển. Ở cái tuổi 17, 18 trong vở Romeo và Juliet, là các diễn viên trẻ măng đóng cổ điển, sự trưởng thành cũng bắt đầu từ ấy’.

Trăn trở với nghề

Sau này, khi đã đi qua những thăng trầm của cuộc sống, của nghề diễn, chứng kiến những sự đổi thay trong suy nghĩ của những nghệ sỹ trẻ bây giờ, đôi khi Lê Khanh không khỏi chạnh lòng so sánh, xót xa, bởi tìm đâu ra những thế hệ diễn viên sống chết với nghề như thuở nào.

Rồi Lê Khanh tự an ủi, cuộc sống bây giờ đã khác xưa. Cái ngày xưa của chị khát vọng lớn, sự tưởng tượng nhiều.

Chị vẫn nhớ mãi khi xem phim thần thoại, thấy đĩa nho táo đầy ra, thế là đêm nằm mơ được ăn nho, mà muốn ăn nho thì phải được làm công chúa. Nhưng chớ trêu thay, tay cứ chạm gần quả nho thì tỉnh giấc mơ.


‘Rồi có hình ảnh thế này, ta đứng ở đây mà nhìn ra xa xa một dãy núi, mờ thấy có một cái gì đó, vầng hào quang le lói của ánh đèn, ta hướng về nơi ấy là một sự tò mò xem đó là cái gì. Đó là kết quả của sự háo hức trước những vùng đất lạ, trước những điều luôn mơ ước, tưởng tượng.

Còn giờ thì không phải mơ nữa, bỏ một số tiền ít ỏi, ra ngoài kia, có tất cả các loại phim hay trên đời, để biết được thế giới đang chuyển động như thế nào.

nsnd lê khanh
Đạt đỉnh cao sự nghiệp, NSND Lê Khanh vẫn trăn trở với nghề. 
Nói thế để thấy cái cam go của ngày hôm nay khác cam go của ngày hôm qua. Ngày hôm qua không có gì so sánh, diễn cái gì cũng thấy hay, chuyên gia đến dậy học và cho ra sản phẩm và những lứa diễn viên chuẩn mực vì người ta còn nguyên khát vọng ấy.

Ngày hôm nay tưởng là năng động hơn, được nhiều hơn, nhưng chính cái động của ngày hôm nay lại làm bớt đi cái tĩnh khiến chiều sâu trong nhận thức vơi đi, vì bị động.

Nghệ thuật ngày hôm nay không còn ở vị trí long lanh, không còn thiêng liêng như ngày hôm qua.

Ngày xưa thì nghề này có sự chọn lựa rất khắt khe, vì người ta tôn trọng tiêu chí năng khiếu, vì năng khiếu không phải ai cũng có.

Ngày hôm nay làm gì có sự lựa chọn, các em vừa đẹp về hình thức, vừa thông minh về trí tuệ và có năng khiếu, thì các em không chọn ngành nghệ thuật bởi các em nhìn thấy nó truân chuyên, bỏ ra mấy năm học hùng hục mà đói, không tự nuôi sống được bản thân.

Mà chắc gì đã nổi tiếng. Muốn nổi tiếng thì vất vả lắm, dần dần các em rất thực tế, và thực dụng, các em muốn chớp cơ hội của mình, tuổi trẻ của mình.


Đau lòng lắm, có nhiều em học xong ra mở cửa hàng, đi làm kinh tế, rồi sau đó khi ổn định cuộc sống mới nghĩ  đến nghệ thuật.


Nhưng nghề mòn nhanh, dần mất nghề. Cuộc sống chông gai lắm, đâu phải một phát giàu ngay. Nguồn diễn viên đã khó, giữ các em được làm nghề còn khó hơn gấp bội phần..

Để ngày hôm nay tìm ra được diễn viên có danh có tiếng, để lại hình tượng bền bỉ trong lòng khán giả hiếm vô cùng…’


Còn nữa…

An Yên

Bình luận
vtcnews.vn