NSND Lê Khanh: Không thể giải cứu phim như giải cứu rau Hải Dương

Sao ViệtThứ Hai, 15/03/2021 06:45:00 +07:00

Theo NSND Lê Khanh, khi khán giả chưa đến rạp, cần đặt câu hỏi tại sao phim chưa thu hút, không thể giải cứu phim như giải cứu rau Hải Dương.

NSND Lê Khanh chia sẻ về vai diễn chị mới tham gia trong Gái già lắm chiêu V và về các bạn diễn, nghề diễn.
- Chị từng rời xa màn ảnh suốt 20 năm trước khi trở lại với “Gái già lắm chiêu”. Sự tái xuất này có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

Như các bạn đã biết, gia đình tôi có truyền thống nghệ thuật. Tôi hoạt động ở lĩnh vực sân khấu kịch giống bố mẹ mình. Nhưng tôi cũng đóng phim truyền hình, phim truyện nhựa từ bé, và cứ "tung tăng" đến tận bây giờ.

Năm 15 tuổi, trước khi vào Nhà hát Tuổi trẻ làm việc, tôi đóng phim ở Khe Sanh, đảm nhận vai một nữ thanh niên xung phong. Đó cũng là vai diễn thiếu nữ đầu tiên của tôi và đã biết yêu trên màn ảnh.

Sau bộ phim ấy, theo quy ước với nhà hát, tôi phải tạm chia tay điện ảnh trong 10 năm để định hình phong cách sân khấu chuyên nghiệp.

Và đúng một thập kỷ sau, vào năm 1998, tôi mới quay lại. Lúc ấy, mình có cảm giác như quay lại miền đất thánh. Có thời điểm tôi bám trụ ở miền Nam trong 5 năm. Đó là giai đoạn phim truyện nhựa rất ăn khách. Những diễn viên thời ấy như Lý Hùng, Thương Tín một ngày “chạy” đến 3 phim.

Nhưng rồi cũng đến lúc dòng phim “mì ăn liền” thoái trào dần. Đúng giai đoạn đó, tôi có thai, nên quyết định trở về Hà Nội.

Nghĩ lại, tôi thấy may mắn khi có cơ hội được chọn lựa cái gì hay, độc đáo để làm. Khi nào thấy vai của mình đi vào quỹ đạo cũ, quen thuộc, tôi lại "trốn" để bước sang một sân chơi khác.

Ví dụ như bây giờ, tôi đang được "khai quật" một tính cách, mà khán giả có thể không nghĩ đến ở Lê Khanh.

Tôi đơn giản hơn Lý Lệ Hà nhiều

- Nhắc đến tên Lê Khanh, khán giả nghĩ ngay đến một “nữ hoàng sân khấu” với những vở kịch kinh điển. Nhiều người bất ngờ khi chị tham gia bộ phim đậm tính giải trí. Điều gì đã hấp dẫn chị?

Có lẽ khán giả vốn yêu tôi ở dòng phim được gắn mác là tác phẩm nghệ thuật chân chính, nghệ thuật vị nghệ thuật. Điều đó không sai, vì tôi chọn con đường làm nghệ thuật ấy nhiều năm. Ở sân khấu, sở trường của tôi cũng là kịch cổ điển, những vở kịch chính luận, truyền tải nhiều thông điệp.

Nhưng khán giả có lẽ quên mất xuất phát của nghệ thuật cũng là giải trí. Tôi từng đóng hài kịch vào khoảng năm 1999. Lúc ấy, cảm giác sung sướng và thú vị lắm. Tôi cứ tủm tỉm cười “à hóa ra mình đóng hài cũng được đấy chứ”.

NSND Lê Khanh: Không thể giải cứu phim như giải cứu rau Hải Dương - 1

NSND Lê Khanh và Kaity Nguyễn trong Gái già lắm chiêu. (Ảnh: NVCC)

Năm 2019, Nam Cito và Bảo Nhân đến gặp tôi để giới thiệu về câu chuyện phim Gái già lắm chiêu 3. Thực tế mà nói, với một đời sống nhân vật sân khấu sinh động và phong phú mà tôi từng trải nghiệm, vai Thái Tuyết Mai không phải quá đặc biệt hay thử thách đâu. Có chăng chỉ khác nhau ở cách diễn điện ảnh và sân khấu. Trở lại sau 20 năm, điều tôi lưu ý là cố gắng để không sân khấu hóa điện ảnh. Thế thôi!

Tôi yêu nhân vật Thái Tuyết Mai. Vai diễn có yếu tố drama nhưng vẫn rất nghệ thuật, mang thông điệp đương đại. Và đó là điều thú vị.

- Giữa Lý Lệ Hà và Thái Tuyết Mai, vai diễn nào khó hoặc thử thách chị hơn?

Phải nói là tôi đã khám phá Lý Lệ Hà trong sự hồi hộp. "Bài toán" của Lý Lệ Hà là làm sao để không ai đọc được bên trong bà ấy nghĩ gì. Rất ít khi Lý Lệ Hà mất bình tĩnh, mà luôn giữ phong thái cân bằng, toát lên vẻ quyền lực. Con người tôi ở bên ngoài đơn giản hơn nhiều lần so với Lý Lệ Hà. Chính vì thế, mọi người trong ê-kíp bảo tôi không được cười nhiều. Vì khi tôi cười là bao nhiêu uy quyền “bay” đi hết.

Ở Lý Lệ Hà, cái gì cũng phải mạnh hơn một cấp - từ sự dữ dội cho đến chiều sâu tâm lý. Thái Tuyết Mai vẫn là mẫu phụ nữ hướng nội, có sự nền nã, nhẹ nhàng. Còn Lý Lệ Hà hướng ngoại, nam tính hơn, đam mê sự nghiệp. Chỉ khi màn đêm buông xuống, bà ấy mới cho phép bản thân được thả lỏng, không phải gồng lên.

Trên con đường chờ đợi một ngày được chính danh, 25 năm ấy, bà không bỏ cuộc, luôn nỗ lực hết mình. Vì sự chờ đợi trong vô vọng, bà tạo ra một thế giới ảo, hy vọng ảo rằng ngày nào đó vườn bạch trà nở hoa màu đỏ.

 
Tôi không chịu áp lực từ bên ngoài, chỉ áp lực với chính mình. Với sân khấu, vai diễn sẽ ngày càng tốt hơn ở ngày mai. Nhưng với phim, bạn không có cơ hội làm lại.

NSND Lê Khanh

- Hóa thân thành Lý Lệ Hà, chị thể hiện nhiều trường đoạn ấn tượng, chạm đến cảm xúc người xem, như cảnh diễn đối kháng với Kaity Nguyễn hay cảnh ngồi cắt tóc… Với cá nhân chị, trường đoạn nào ám ảnh hơn cả?

Mỗi trường đoạn có một thông điệp khác nhau. Ví dụ, ở cảnh hai chị em, khán giả thấy một cô em gái giả ngây giả ngô nhưng thật lòng rất yêu thương, xót xa cho người chị.

Phân cảnh này còn đặc biệt ở chỗ nó không nằm trong lịch trình quay. Hôm ấy, vì trời quá nắng, đạo diễn quyết định đẩy cảnh này lên quay trước. Chúng tôi hoang mang vì không biết lấy cảm xúc ở đâu. Bạn biết đấy, diễn viên cần có thời gian để ngấm nhân vật, nhất là với cảnh khó. Vậy mà rất lạ, tôi và Hồng Vân chỉ tập vài lần là thông suốt. Mọi người đứng ở ngoài còn khóc nhiều hơn cả diễn viên.

Cảnh Lệ Hà đối diện với con gái Lý Linh cũng hay. Kaity diễn xuất sắc. Chắc chắn, bạn ấy đã phải tập rất nhiều. Tôi nể cô bé. Kaity thoại một mạch không vấp váp. Trong nghề, người ta gọi đó là một đúp ăn liền. Những đúp sau chỉ là thay đổi góc máy. Thú thực, bao nhiêu năm trong nghề, chưa chắc mình đã làm được như vậy.

Tôi cũng nhớ phân cảnh hai người phụ nữ (tình địch) đứng nói chuyện trong vườn bạch trà. Khi thực hiện cảnh này, ê-kíp cũng băn khoăn lắm. Hai người phụ nữ ấy sẽ nói chuyện theo cách nào, buông những lời cay đắng cuộc đời cho nhau hay để phân định ai thắng ai thua? Lúc ấy, tôi gợi ý mọi người hãy để ý bức thư của Nam Phương hoàng hậu. Tôi cho rằng đó cũng là một cách thể hiện hay.

Có một câu tôi đã xin đạo diễn thêm vào: "Chúc mừng em, cầu mong em giữ được anh ấy, để anh ấy khỏi phải đạp xe băng rừng đi tìm một khu vườn khác".

Hai người phụ nữ khi ấy có lẽ không còn ghen tuông nữa, mà thương xót cho nhau. Giây phút ấy, Lý Lệ Hà sụp đổ hoàn toàn, không còn sức để đứng vững nữa. Trước đây, bà ấy có bao giờ cho phép mình cúi xuống đâu. Ở tình huống đó, tôi nghĩ khán giả không cần nhìn thấy giọt nước mắt của Lý Lệ Hà thì mới biết bà đau khổ nhường nào.

- “Nuôi” cảm xúc cho một nhân vật tâm lý nặng như vậy, chị có bị cảm xúc ấy đeo bám từ trong phim ra đời thường?

Ở hậu trường phim, tôi không dám vui đùa, tếu táo như mọi người. Cái khó nhất là nuôi tâm lý logic từ đầu đến cuối. Điện ảnh khác sân khấu, có khi đoạn đầu thì quay ở cuối, phần cuối lại quay đảo lên đầu. Diễn viên phải tập trung cao độ. Thực sự đó cũng là một sự ám ảnh.

NSND Lê Khanh: Không thể giải cứu phim như giải cứu rau Hải Dương - 2

NSND Lê Khanh dành lời khen ngợi cho diễn xuất của Kaity Nguyễn. (Ảnh: Phương Lâm)

Căng thẳng khi xem phim mình đóng

- “Gái già lắm chiêu V” nhận được những lời khen về diễn xuất. Song kịch bản vẫn có đôi chỗ gây khó hiểu. Chẳng hạn chi tiết chiếc áo phượng bào đã được đấu giá ngay từ đầu, nhưng sau đó Lý Lệ Hà tiếp tục sở hữu nó và hiển nhiên mang ra đấu giá tiếp. Chị nghĩ sao về chi tiết này?

Với chi tiết ấy, tôi nghĩ chúng ta cũng có thể hiểu là bà Lý Lệ Hà đã mua lại chiếc áo bằng một cách nào đó. Tình huống này có thể xảy ra trong thương trường mà, mua đi bán lại. Nên chăng kịch bản cần có thêm một câu thoại để khán giả hiểu rõ hơn.

- Một chi tiết nữa nhiều khán giả cũng thắc mắc là ngoài áo phượng bào, các cổ vật khác trong Lý gia được cho là giả. Chẳng lẽ những người sành sỏi trong giới lại dễ dàng bị Lý Lệ Hà “dắt mũi” đến thế?

Câu thoại trong phim chỉ muốn ám chỉ rằng các cổ vật trong Lý gia có đồ “fake”, chứ không phải tất cả. Người ta sẽ xen lẫn thật thật, giả giả. Lý Lệ Hà là nhà kinh doanh và kiếm tiền giỏi mà. Và cuối cùng bà ấy vẫn chốt một câu "phượng bào là thật". Họ vẫn có đồ cổ thật và quý giá để giữ chân người mua chứ.

- Từ Thái Tuyết Mai đến Lý Lệ Hà, Lê Khanh đã cho thấy một màn biến hóa bất ngờ trên màn ảnh. Hiệu ứng của nhân vật Lý Lệ Hà liệu sẽ gây áp lực cho chị ở những vai diễn sau?

Tôi không chịu áp lực từ bên ngoài, chỉ áp lực với chính mình. Điện ảnh khác sân khấu. Với sân khấu, vai diễn sẽ ngày càng tốt hơn ở ngày mai. 100 đêm diễn thì sẽ có 100 Lý Lệ Hà khác nhau. Có khi phải đêm thứ 101 mới tìm ra hình ảnh Lý Lệ Hà đúng nhất. Nhưng với phim, bạn không có cơ hội làm lại.

Có thể các bạn không biết rằng tôi rất căng thẳng, hồi hộp mỗi khi xem phim mình đóng. Năm ngoái, tôi không xem công chiếu Gái già lắm chiêu 3, mà đặt vé về Hà Nội luôn.

Lần này, tôi không trốn nữa. Nhưng khi xem, tâm trạng lại đan xen nhiều cảm xúc, khó để thưởng thức trọn vẹn như một khán giả. Tôi cũng nhớ về người bạn diễn của mình đã ra đi mãi mãi.

NSND Lê Khanh: Không thể giải cứu phim như giải cứu rau Hải Dương - 3

Nghệ sĩ Hồng Vân vào vai em gái của Lê Khanh trong phim. (Ảnh: Phương Lâm)

Bố già “cài cắm” giỏi

- Ngoài “Gái già lắm chiêu”, “Bố già” hiện rất thành công ở phòng vé với doanh thu chạm mốc 200 tỷ đồng. Trước đó không lâu, một số tác phẩm thua lỗ nặng. Ở góc nhìn của chị, đâu là yếu tố quyết định một bộ phim ăn khách?

Thị trường luôn rất sinh động, rất khó để trả lời câu hỏi vì sao khán giả không đến rạp.

Tôi cho rằng mỗi tác phẩm ra rạp phải xác định rõ đối tượng khán giả. Mình làm phim cho ai và họ thích nghệ sĩ nào. Yếu tố thời điểm cũng quan trọng. Bên cạnh đó là cách ta trình bày, sắp xếp “món ăn” ra sao. Và đương nhiên cũng cần yếu tố may mắn nữa.

Với Gái già lắm chiêuBố già, tôi tin các bạn đã nắm chắc những điều trên. Phim giải trí, có tình tiết bất ngờ, thú vị và vẫn mang thông điệp. Đẹp cũng là một yếu tố. Ví dụ, ở Gái già lắm chiêu, đạo diễn rất quan tâm đến cái đẹp, phong cách thời trang, make-up...

Vừa rồi, tôi cũng xem Bố già. Tôi nể sự chỉn chu và đòi hỏi cao của các bạn trẻ làm phim hiện nay.

- Có ý kiến nhận định thành công của “Bố già” nhờ phần lớn vào thương hiệu Trấn Thành. Chị có đồng tình?

Bố già, người ta sẽ tò mò với cuộc sống bình dân ở trong con ngõ nhỏ của những người lao động. Những câu thoại trong phim rất đời thường, đối đáp thú vị, cứ hài rồi lại bi đan xen, dễ tiếp cận người xem. Các bạn cài cắm rất giỏi.

Sống ở một nơi đông đúc, luôn bất an, nghẹt thở, bề bộn đến như vậy, nếu không hài hước trong chính tâm hồn, làm sao họ tồn tại được? Đó là mảng đời sống rất sinh động ngoài kia.

Tôi phải nhắc lại, tôi nể những nhà làm phim thế hệ trẻ. Và tôi có niềm tin vào tương lai của phim Việt. Chúng ta cũng đang có những gương mặt diễn viên trẻ đầy thực lực.

- Trong mắt chị, dàn diễn viên trẻ thực lực hiện nay là những ai?

Tôi xin phép nói về những bạn trẻ tôi đã làm việc chung. Cách đây nhiều năm, tôi từng có duyên trao giải cho Ninh Dương Lan Ngọc khi bạn ấy đóng phim Cánh đồng bất tận.

Rõ ràng cô bé Lan Ngọc khi ấy và Lan Ngọc hiện tại có một bước tiến lớn. Lan Ngọc là người làm việc chuyên nghiệp, kỹ lưỡng, chăm chỉ lắm. Bạn ấy không làm lố, cũng không biểu hiện ngôi sao.

Với Kaity, tôi tin đây là bước chuyển ngoạn mục của bạn ấy. Tôi không nói quá đâu. Kaity thể hiện vai Lý Linh rất vững chắc.

Cũng giống Lan Ngọc, Kaity rất thận trọng. Vì lo lắng, bạn tập trung cao độ. Có thể nói Kaity giống Lý Linh ở chỗ ý chí, nghị lực. Đích đến của Kaity không chỉ ở đây, mà còn đi xa nữa.

Có người cũng từng hỏi tôi cảm nhận thế nào khi làm việc với các bạn trẻ. Tôi thấy hạnh phúc khi được những người trẻ tin tưởng. Đi làm phim, tôi thấy mình trẻ lại, được thảnh thơi sáng tạo.

NSND Lê Khanh: Không thể giải cứu phim như giải cứu rau Hải Dương - 4

"Nếu cứ kêu gọi giải cứu phim Việt, nghệ sĩ tổn thương, còn khán giả thì áy náy" - NSND Lê Khanh. (Ảnh: NVCC)

- Chị có niềm tin với đà này, phim Việt không cần những cuộc kêu gọi giải cứu như đã xảy ra?

Đúng vậy. Với những người làm nghệ thuật, nếu dùng từ giải cứu, mình cảm thấy thấy tổn thương, chạnh lòng.

Khi khán giả chưa đến rạp, chúng ta cần đặt câu hỏi. Tại sao cách kể chuyện ấy lại chưa thu hút? Không thể kêu gọi giải cứu phim như xu hào, bắp cải Hải Dương bây giờ được. Tác phẩm nghệ thuật phải mang đến giá trị thực sự.

Nếu cứ kêu gọi giải cứu, nghệ sĩ tổn thương, còn khán giả thì áy náy.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp