Nóng trưa 11/6: Vạch trần luận điệu theo đuôi Trung Quốc

Thời sựThứ Tư, 11/06/2014 12:22:00 +07:00

(VTC News) - Hai nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra những lập luận chặt chẽ, thuyết phục vạch trần luận điệu theo đuôi Trung Quốc của một chuyên gia nước ngoài.

(VTC News) - Hai nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra những lập luận chặt chẽ, thuyết phục nhằm vạch trần luận điệu theo đuôi Trung Quốc của một chuyên gia nước ngoài.

Theo Thanh niên Online, TS Sam Bateman, một chuyên gia kinh nghiệm về biển Đông (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) đã chủ quan viện dẫn Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc, đồng thời bỏ qua sự thật rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

 Các tàu hải cảnh của Trung Quốc gần khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 - Ảnh: Reuters
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc gần khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 - Ảnh: Reuters 

Ngay lập tức, TS Dương Danh Huy (một nhà nghiên cứu về biển Đông sống tại Anh) và TS Phạm Quang Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) đã có bài phản biện phủ nhận những luận điểm vô lý trong phân tích của ông Bateman.

Trong phản biện, TS Huy và TS Tuấn đã chỉ ra những sai sót của vị chuyên gia quốc tế, từ những lỗi sơ đẳng nhất cho tới những cái sai cố tình thiên vị cho Bắc Kinh.

Thứ nhất, khoảng cách từ giàn khoan tới đảo Tri Tôn là 17 hải lý chứ không phải 14 hải lý như ông Bateman viết; đồng thời, khoảng cách từ Hải Dương-981 đến đảo Phú Lâm là 103 hải lý chứ không phải 80 hải lý. Ở bài viết phản biện, chính ông Bateman cũng thừa nhận cái sai này.


Ông Bateman cũng đề cập đến công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để nói Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa). Và luận điểm này cũng đã bị các nhà nghiên cứu Việt Nam dễ dàng bác bỏ do nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa.

Video Trung Quốc trơ trẽn tố cáo Việt Nam lên Liên Hợp Quốc:

Những lập luận thuyết phục từ hai nhà nghiên cứu Việt Nam đã giúp dư luận thế giới có được một góc nhìn khách quan, chính xác về những gì đang diễn ra trên biển Đông. Thế nhưng, còn cần rất nhiều những tiếng nói như thế từ phía Việt Nam để tiếp tục bảo vệ lẽ phải.

“Việt Nam không vay mượn nhiều của Trung Quốc”


Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi về mức độ lệ thuộc của Việt Nam với Trung Quốc về nợ công từ đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Dũng khẳng định mức độ vay từ Trung Quốc không nhiều.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Tuổi trẻ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Tuổi trẻ. 

Riêng về đầu tư chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 0,33% quy mô của thị trường. Trung Quốc có hai nhà đầu tư lớn là đầu tư vào Vincom và Cà phê Đồng Nai đều là đầu tư dài hạn, Bộ trưởng cho biết thêm.

Ngư dân đóng tàu lớn, quyết tâm bám biển dài ngày


Theo Chinhphu.vn, thời gian gần đây, ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định… đang hối hả đóng mới, sửa tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt, giữ ngư trường truyền thống và chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Tuổi trẻ.

Tại xưởng sửa chữa tàu cá của HTX trục vớt và đóng sửa tàu Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), hàng trăm công nhân vẫn miệt mài làm việc, ông Nguyễn Văn Sự, quản lý bộ phận sửa chữa tàu thuyền cho biết, gần 1 tháng qua, nhiều ngư dân yêu cầu sửa chữa tàu khẩn trương để họ nhanh chóng trở lại ngư trường Hoàng Sa, nên 300 công nhân trong xưởng phải làm việc cật lực. Hầu hết các công nhân đều làm thêm 1-2 giờ, thậm chí cả ban đêm để đóng mới và sửa chữa tàu.

Tại HTX đóng mới sửa chữa tàu biển Cổ Lũy ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có 30 tàu đang được khẩn trương hoàn thành, trong đó có hơn một nửa số tàu chuẩn bị hạ thủy. Mỗi con tàu đóng mới tại cơ sở này có giá từ 3-3,5 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi làm ăn khấm khá, nhiều người đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày.

Tại TP. Đà Nẵng, từ giữa tháng 5, có 4 tàu công suất lớn vừa đóng mới hạ thuỷ vươn ra vùng biển Hoàng Sa. Trong đó, 2 tàu công suất 1.150 CV của ông Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã được hạ thủy. Đây là 2 chiếc tàu thuộc nhóm những tàu công suất lớn nhất miền Trung hiện nay.

Tổng Công đoàn Nhật Bản quan ngại khi ngư dân Việt Nam bị đe doạ


Ông Nobuaki Koga - Chủ tịch Tổng Công đoàn Nhật Bản (JTUC-RENGO) vừa có thư gửi Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, bày tỏ sự quan ngại về thực trạng an toàn của ngư dân Việt Nam và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đang bị đe dọa ở Biển Đông Việt Nam.  

Nội dung bức thư có đoạn: “JTUC-RENGO hết sức quan ngại về thực trạng an toàn của ngư dân Việt Nam và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đang bị đe dọa ở Biển Đông Việt Nam.

Bảo vệ an toàn và an ninh của người lao động và gia đình của họ là sứ mệnh của tổ chức công đoàn. Vì mục đích đó, hòa bình là không thể thiếu được. Trên nền tảng mối quan hệ thân thiết giữa TLĐLĐVN và JTUC-RENGO, chúng ta hãy cùng nhau tiến tới hết sức mình vì lợi ích của tất cả mọi người lao động”.

Thế giới đứng bên Việt Nam


Đó là nhận đinh của Tiến sỹ Edward Miller, giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại Đại học Dartmouth (bang New Hamshire, Hoa Kỳ).

Ảnh: Đại Đoàn Kết
Ảnh: Đại Đoàn Kết 

Tiến sĩ Miller cho rằng, rất nhiều người nhìn nhận Trung Quốc là một cường quốc hiếu chiến can thiệp và nỗ lực lợi dụng các quốc gia khác. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan không vì mục đích kinh tế mà ẩn sau nó là động cơ chính trị.

Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả là danh tiếng trên vũ đài công luận quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào sự ủng hộ của công luận quốc tế, đồng thời việc sử dụng các thể chế pháp lý quốc tế cũng là bước đi mà Việt Nam có thể thực hiện.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ ủng hộ Việt Nam về Biển Đông


Theo báo Tuổi trẻ, Chủ tịch Đại hội đồng John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng.

Ngày 10/6, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp Ngài John Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 68 để tiếp tục trao đổi ý kiến về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Chủ tịch ĐHĐ John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Ông cũng cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng. Chủ tịch ĐHĐ cho biết văn phòng của ông theo dõi sát sao tình hình và khẳng định ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các bên giải quyết tình hình hiện nay.

Trung Quốc điều thêm tàu chiến và máy bay ra khu vực hạ đặt trái phép


Theo Cục Kiểm ngư, 10/6, tại khu vực giàn khoan, Trung Quốc sử dụng 112 tàu để bảo vệ, cụ thể: 06 tàu chiến; 30 Hải cảnh; 4 Hải giám; 3 Hải tuần; 2 Ngư chính; 20 tàu kéo; 13 tàu vận tải; 34 tàu cá (tăng 2 tàu chiến, 1 tàu Hải cảnh, 2 Hải tuần, 2 tàu kéo; giảm: 01 tàu Hải giám, 4 tàu cá).

Lực lượng tàu Trung Quốc vẫn chia thành 3 vòng bảo vệ trên các hướng tiếp cận của lực lượng tàu ta. 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, một tàu mang số hiệu 756 và một tàu không rõ số hiệu được thả trôi ở phía Nam đảo Tri Tôn 10-13 hải lý; 2 tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534 và 1 tàu không rõ số hiệu ở Đông - Đông bắc giàn khoan 18-20 hải lý; 2 tàu quét mìn 839, 842 ở Nam giàn khoan 20-22 hải lý.


Các tàu CSB của ta đã cơ động vòng tránh, đảm bảo an toàn trước sự tấn công của các tàu Trung Quốc - Ảnh: Cục Kiểm ngư
Các tàu CSB của ta đã cơ động vòng tránh, đảm bảo an toàn trước sự tấn công của các tàu Trung Quốc - Ảnh: Cục Kiểm ngư 

Trên mỗi hướng tiếp cận của ta, Trung Quốc duy trì 6-8 tàu sẵn sàng ngăn cản, đâm va, hú còi, phun nước vào các tàu của ta khi tiếp cận giàn khoan từ khoảng cách 8-10 hải lý. Lực lượng tàu đánh cá Trung Quốc kết hợp với 2 tàu Hải cảnh luôn vây ép, chặn các nhóm tàu cá của ngư dân ta ở phía Tây nam giàn khoan 38-40 hải lý.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Đặc biệt, trong ngày, Trung Quốc điều tới 03 máy bay trinh sát: 02 chiếc loại J-8 và 01 chiếc Y8X (không rõ số hiệu), bay từ hướng Tây nam giàn khoan, lượn 03 vòng trên các tàu của ta ở độ cao khoảng 1.500m.

Video Tàu Trung Quốc bày mưu lùi vào tàu cá Việt Nam tạo hiện trường giả:

Theo tin trinh sát kỹ thuật, giàn khoan đã tác nghiệp xong ở vị trí hiện tại, có dấu hiệu di chuyển để tác nghiệp ở vị trí mới. Hiện các lực lượng chức năng của ta đang theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của giàn khoan.

» Tàu về từ Hoàng Sa đầy ắp cá lớn
» Nóng sáng 10/6: Trung Quốc đang cố khiêu khích Việt Nam dùng vũ trang
» Nóng tối 9/6: Trung Quốc bố trí 6 tàu chiến quanh giàn khoan

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn