“Nông thôn mới” với những điểm nóng

Tổng hợpThứ Hai, 22/11/2010 03:56:00 +07:00

Dưới bánh xe Công nghiệp hóa, nông thôn Việt Nam đang dần khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang hơn, hiện đại hơn.

“Nông thôn mới” với những điểm nóng

 

 
Dưới bánh xe Công nghiệp hóa, nông thôn Việt Nam đang dần khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang hơn, hiện đại hơn. Song, bên cạnh đó, nhiều mâu thuẫn, nghịch lý cũng nảy sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân lao động. Vấn đề, giải pháp và hành động ra sao tất cả đều đã-đang-và sẽ được phản ánh trong chương trình “Nông thôn mới, một chương trình chính luận trên VTC16 với những phóng sự nóng bỏng, thực tế đang là tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả cả nước…

 Dưới bánh xe công nghiệp hóa

Đô thị hóa đang từng ngày, từng giờ diễn ra trong từng ngõ xóm, làng quê, trong phút chốc đã biến nông thôn thành những đô thị thu nhỏ. Làn sóng đô thị hóa nhanh đến mức mọi người ngỡ ngàng. Kéo theo đó là những mâu thuẫn xã hội nảy sinh như sự biến đổi của môi trường sinh thái, mối quan hệ xã hội, hay việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển công nghiệp... đã tác động làm thay đổi đời sống của người nông dân vốn dĩ lâu nay quen với sự bình lặng cố hữu.

BTV Giang Hải là người trực tiếp sản xuất chương trình đã bám sát những diễn biến của quá trình thay da đổi thịt của những vùng nông thôn phía Bắc. Anh chia sẻ, “bạn chỉ cần đi xe máy ra phía địa phận Hoài Đức sẽ không khó để nhìn thấy trên những cánh đồng rộng bát ngát mọc lên sừng sững 3, 4 tấm biển quy hoạch. Vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp có thời gian đã trở nên rất nóng. Rất nhiều thửa ruộng bị thu hồi, nông dân không còn ruộng gia nhập đội ngũ thất nghiệp kéo ra thành phố kéo theo biết bao hệ lụy khó có thể khắc phục…”

Mới đây, bộ NN và PTNT đã có đề án 1956 về vấn đề việc làm cho nông dân sau thu hồi đất. Có thể hình dung thế này, khi chính quyền thu hồi 1 ha đất nông nghiệp đồng nghĩa với 15 lao động mất việc làm. Hệ lụy là, những người nông dân mất ruộng được đào tạo nghề lại không thể sống được bằng nghề đó. Ví dụ như việc thu hồi đất ruộng để xây dựng sân golf ở Hòa Bình. Những người dân ở đây được chuyển lên vùng tái định cư với nghề nghiệp mới là đan lát, thêu thùa. Nhưng sản phẩm lại không có đầu ra, dân không có nguồn thu nhập nào khác, lại tìm cách lên nương làm rẫy nhưng đường lên nương lại đã bị sân golf mới án ngữ.

Ở Thanh Hóa, đề án 1956 sau khi được triển khai ở đây, nông dân được đào tạo nghề may, chế tác đá mỹ nghệ. Các thiết bị cho nghề mới được đầu tư hàng trăm triệu đồng mua về nhưng phải “đắp chiếu” trong kho hàng năm nay do chưa có nhà xưởng để sử dụng, gây lãng phí tiền của.

BTV Giang Hải cho biết thêm, ở Thanh Hóa và Bắc Ninh hơn 100 lá đơn của các lao động xuất khẩu tại Libi bị trả về trước thời hạn do lỗi của công ty Xuất khẩu lao động không đào tạo, trang bị kiến thức đầy đủ cho người lao động cũng như không quán triệt những quy định chặt chẽ với họ khiến cho chất lượng lao động không đảm bảo theo đúng yêu cầu của đối tác. Việc di cư lao động từ nông thôn ra thành thị cũng ngày càng gia tăng. Thanh Hóa là tỉnh có người di cư lớn nhất cả nước. Thống kê chưa chính thức năm 2009, có tới 600 ngàn người di cư. Hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, cứ 10 người có một người di cư. “Vừa rồi, chúng tôi đã đi khảo sát cuộc sống của các lao động di cư ở Hà Nội mới thấy một bức tranh thật ảm đạm. Hàng chục con người sống chen chúc trong những khu nhà trọ có giá 3000đ/ ngày, được ngăn cách bởi những mảnh gỗ, mỗi khoang khoảng 4, 5m2 hoặc nhỏ hơn. Công việc và cuộc sống của họ ở đây đều không đảm bảo”.

“Điều mà các phóng sự của Nông thôn mới đã phản ánh chính là chỉ ra những bất cập nhằm góp ý hoàn thiện chính sách của Nhà nước trong đó có đề án 1956. Ví dụ như trước khi đào tạo nghề cho người nông dân, cần phải có sự đầu tư tìm hiểu trước đào tạo và phải hỗ trợ lao động tìm đầu ra cho sản phẩm sau đào tạo chứ không phải mang con bỏ chợ như thế”, BTV Giang Hải cho biết.

 

 

Muôn nẻo tác nghiệp

Thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TƯ về phát triển Tam nông (Nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và quyết định số 800 của chính phủ về vấn đề xây dựng nông thôn mới, chương trình Nông thôn mới phát sóng vào lúc 6h55’ sáng thứ 3 hàng tuần trên kênh VTC16 góp tiếng nói quan trọng nhằm phản biện, đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách. Đây là chương trình chính luận phản ánh thực tiễn hai chiều từ tác động của chính sách đến nhân dân, và từ nhân dân đến việc điều chỉnh chính sách.

Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình này, BTV Giang Hải chia sẻ, “mục đích của chương trình là góp ý , tuyên truyền, có khen, có chê, có đấu tranh, có xây dựng. Cuộc đấu tranh nào chẳng có khó khăn, nhất là khi nó động chạm trực tiếp đến quyền lợi của một số người. Đương nhiên khi đó, chúng tôi luôn gặp phải sự bất hợp tác. Đó cũng là cản trở lớn nhất của những người làm chương trình này”.

Ví dụ thì có rất nhiều, chẳng hạn lần phóng viên về phản ánh vụ việc trường mầm non bị sập ở Gia Lộc, Hải Dương bị cán bộ ở đây nạt nộ, mắng mỏ. Hay vụ cầu Cẩm Hà ở Bắc Giang, xây dựng năm 2008, vừa khánh thành sau vài hôm thì bị sập. Qua giám sát phát hiện ra có sự rút ruột công trình. Sau khi cầu sập lại không có cảnh báo cho người dân dẫn đến một người không biết đã đi qua và rơi xuống suối, thiệt mạng. Phóng viên đã gặp rất nhiều khó khăn để có được thông tin và nhận định từ cơ quan chức năng. Rồi còn, chuyên đề của Nông thôn mới cảnh báo về việc sử dụng thuốc thực vật bừa bãi, thói quen sử dụng thuốc gây nguy hiểm, lạm dụng thuốc... làm ảnh hưởng đến môi trường cũng không nhận được sự hợp tác từ phía nhân vật.

Tái định cư
Để lấy được thông tin, phóng viên, quay phim đã phải kiên trì, vận dụng nhiều kỹ năng thậm chí là thủ thuật để tiếp cận đối tượng. Không ít lần, phóng viên phải trở thành “diễn viên” bất đắc dĩ, và cũng không ít lần bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Chẳng hạn như lần chương trình nhận được đơn thư của người lao động gửi nhưng khi phóng viên đến để điều tra thì họ sợ không dám gặp. BTV Giang Hải là người trực tiếp xử lý vụ việc này đợi cả ngày ở Sơn Tây không thấy nhân vật đâu đành phải lặn lội xuống tận  Bắc Ninh để tìm một nhân vật khác cũng trong chuyến xuất khẩu lao động đó. Địa chỉ trong đơn thư gửi về cũng không rõ ràng nên phóng viên phải tìm khá vất vả. Rồi để tiếp cận công ty xuất khẩu lao động, Giang Hải cũng phải đóng giả là bạn của người lao động đến đòi quyền lợi mới có được thông tin. Vừa rồi, nhóm phóng viên Nông thôn mới về Đông Anh làm về vụ việc chính quyền thu hồi 5 ha đất lúa để làm nhà hỏa táng, bị người dân lầm tưởng là đến để cổ vũ cho chính sách nên bị dân bao vây chửi mắng, xúc phạm...

BTV Giang Hải chi sẻ, “thực ra, đó là những khó khăn mà bất kì một chương trình có tính chiến đấu nào không riêng gì Nông thôn mới cũng có thể gặp phải. Qua đó để thấy rằng, cần thiết phải có chương trình này để chỉ ra những vấn đề có tính phản biện nhằm góp phần xây dựng chính sách phù hợp hơn”.

Được biết, Nông thôn mới ra đời cùng với sự ra đời của kênh VTC16, được cố vấn bởi nhiều nhà báo uy tín. Cho đến nay, sau 27 số phát sóng, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả. Nhiều người đã tìm đến hoặc gửi đơn thư nhờ chương trình phản ánh, đưa tin. Đó là những tín hiệu vui cho thấy chương trình đã có được sự đón nhận, tin tưởng của người xem và đang dần khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần hoàn thiện chính sách, đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Bình luận
vtcnews.vn