Nóng sáng 9/6: Tàu Trung Quốc càng ngày càng manh động

Thời sựThứ Hai, 09/06/2014 07:31:00 +07:00

(VTC News) - Vòng ngoài khu vực giàn khoan trái phép luôn có khoảng 35-40 tàu cá Trung Quốc, dưới sự yểm trợ của hai tàu hải cảnh đã có biểu hiện manh động hơn.

(VTC News) - Cục Kiểm ngư cho hay vòng ngoài khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép luôn có khoảng 35-40 tàu cá Trung Quốc, dưới sự yểm trợ của hai tàu hải cảnh đã có biểu hiện manh động hơn.

Đội tàu này đã đẩy ép tàu cá Việt Nam khi ngư dân đang khai thác ở ngư trường truyền thống ra xa giàn khoan khoảng 38-40 hải lý. 
Trước sự hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc, các tàu kiểm ngư đã thường xuyên có mặt ở khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt để hỗ trợ, bảo vệ, ngăn cản sự manh động của các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc áp sát tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981
Tàu Trung Quốc áp sát tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981  

Tại khu vực các tàu thực thi pháp luật Việt Nam đang làm nhiệm vụ, phía Trung Quốc vẫn sử dụng các tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt, sẵn sàng đâm và phun vòi rồng vào các tàu kiểm ngư Việt Nam nhằm đẩy phạm vi hoạt động các tàu kiểm ngư ra xa khu vực giàn khoan trái phép.

Video tàu kéo Trung Quốc đâm trực diện tàu Kiểm ngư Việt Nam:

Cụ thể, trong ngày Trung Quốc tiếp tục sử dụng khoảng 120 tàu, trong đó có khoảng 40 tàu hải cảnh, hơn 30 tàu vận tải và tàu kéo, 35-40 tàu cá, bốn tàu chiến để cản trở ngư dân và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. 
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn sử dụng một máy bay trinh sát Y8 thường xuyên bay trinh sát trong khu vực giàn khoan trái phép ở độ cao 300-500 m.
    
Tàu tiếp tế quân sự lớn nhất Trung Quốc sẽ xuống biển Đông

Quân đội Trung Quốc sẽ điều động ít nhất một trong số các tàu tiếp tế quân sự tổng hợp loại lớn xuống biển Đông, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin.

 Tàu tiếp tế loại 903A Thiên Đảo Hồ của hải quân Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Want China Times
Tàu tiếp tế loại 903A Thiên Đảo Hồ của hải quân Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Want China Times 

Với khả năng chở theo 11.000 tấn hàng hóa và độ choán nước 23.000 tấn, tàu tiếp tế Fuchi thuộc loại 903A có khả năng tiếp nhiên liệu và hàng hóa cho chiến hạm Trung Quốc đang hoạt động giữa biển.

Fuchi có khả năng cung cấp nhiên liệu cùng lúc cho 2 tàu chiến và có thể chở theo 2 trực thăng Z-8, loại dùng để thả hàng tiếp tế cho các tàu khác từ trên không.

Video tàu Trung Quốc dàn trận đâm trực diện tàu Cảnh sát biển Việt Nam:

Dân mong người đứng đầu trực tiếp nói về Biển Đông


Vietnamnet dẫn lời Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho hay, ông Dương Trung Quốc cảm nhận rõ ràng là từ khi xảy ra những vụ việc trên Biển Đông, tiếng nói của Thủ tướng là xuyên suốt, do cương vị và việc có mặt ở những diễn đàn quan trọng. 
“Trong vấn đề này, hoạt động ngoại giao là một mũi nhọn bên cạnh lực lượng chấp pháp tại chỗ. Do đó những gì Thủ tướng nói với thế giới thì cũng là nói với đồng bào cả nước thôi”, ông Dương Trung Quốc nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tiếng nói chung phải trở thành ý chí của quốc gia. Ảnh: Minh Thăng/VNN
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tiếng nói chung phải trở thành ý chí của quốc gia. Ảnh: Minh Thăng/VNN 

“Còn để trả lời chất vấn, theo đúng quyền hạn giám sát của Quốc hội, theo tôi Thủ tướng trực tiếp trả lời thì ít nhất hiệu ứng xã hội sẽ tốt hơn. 
Không chỉ Thủ tướng, cơ chế của chúng ta có nhiều người đứng đầu, người dân cũng chờ đợi Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội phát biểu ý kiến. Nhưng cá nhân tôi quan niệm chỉ nên có một tiếng nói chung. Phải làm sao cho tiếng nói chung ấy trở thành ý chí của quốc gia”, ông Dương Trung Quốc cho biết.

“Chơi bài ngửa” - Trung Quốc muốn cái gì?

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, Trung Quốc đang sẵn sàng “chơi bài ngửa” với Việt Nam, không phải giấu giếm nữa. Mọi chuyện đến nước này thì đã quá rõ ràng. Trung Quốc đang muốn khẳng định cho cái gọi là thực thi chủ quyền trên biển Đông theo đường lưỡi bò của họ công bố và lấp liếm cho cái gọi là chủ quyền của họ ở Hoàng Sa mà họ đã cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép của Việt Nam hơn 40 năm qua.

Video tàu Trung Quốc vây ép tàu Việt Nam:

Đây không phải là tham vọng mới gì cả, đây là nguyên tắc bất di bất dịch đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là “chủ quyền thuộc ngã”, “gác tranh chấp cùng khai thác” và “biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp”.

Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện


Đó là yêu cầu đanh thép của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra tại Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Ảnh: Nông nghiệp
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Ảnh: Nông nghiệp 

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Việt Nam luôn khao khát hòa bình, luôn thực tâm, chân thành, kiềm chế và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với các quốc gia, nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền” – Phó Thủ tướng nói.

Gặp người Trung Quốc ủng hộ Việt Nam


Báo Vietnamnet dẫn lời ông Hoàng Quần - nguyên giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Á 2, Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: "Trên chuyến bay rời Trung Quốc, tôi đọc báo thấy Thủ tướng Việt Nam đang họp Hội nghị cấp cao ASEAN. Khi Thủ tướng Việt Nam phát biểu như thế ở một hội nghị cấp cao khu vực, tôi hiểu tình hình đã rất nghiêm trọng".

Một ngày sau khi đến Việt Nam, tin tức về vụ gây rối của công nhân ở Bình Dương rồi sau đó là Hà Tĩnh đập vào mắt ông trên tất cả các tờ báo Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng nhận được những tin nhắn hoang mang, lo lắng của bạn bè.

Ông Hoàng Quần - Ảnh: Lan Hương/VNN
Ông Hoàng Quần - Ảnh: Lan Hương/VNN 

"Nhưng tôi đã trấn an tất cả những người bạn của mình" - ông Hoàng Quần nói: "Khi tôi cầm hộ chiếu đi làm việc ở Việt Nam mấy ngày qua, có người Việt Nam biết tôi là người Trung Quốc đã nắm tay tôi giãi bày. Họ nói "chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi yêu nước và chúng tôi yêu hoà bình". 
Là người rất hiểu Việt Nam, tôi cũng nghĩ đúng như thế: dân tộc Việt Nam yêu nước và yêu chuộng hoà bình. Những hành động đáng tiếc những ngày vừa qua chỉ là thiểu số".

Video học giả châu Âu ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc:

Là một Hoa kiều từng sống ở Việt Nam nhiều năm, nhiệm vụ lớn nhất và cũng là có ý nghĩa nhất với ông Hoàng Quần là xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Ông nói, đó là mối nhân duyên cả đời mình.

» Nóng tối 7/6: Tàu Trung Quốc dàn thế trận kiểu 'Xích Bích' ở Hoàng Sa
» Nhà báo nước ngoài lặng người xem clip tàu TQ đâm chìm tàu cá VN
» Ủy ban Đối ngoại QH gửi thư thông báo Nghị viện Quốc tế về tình hình Biển Đông

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn