Nông sản 'tắc biên', quay về nội địa chờ tiêu thụ: Chuyên gia hiến kế 'giải cứu'

Thị trườngThứ Tư, 05/02/2020 13:00:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia phân tích, thời điểm này, siêu thị ưu tiên và giảm mức chiết khấu về 0% cho nông sản, chợ truyền thống dành vị trí tốt để đẩy hàng tồn là những việc cần làm ngay nếu muốn giải cứu nông sản.

Ảnh hưởng của bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra khiến nhiều lô hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc bằng cả đường bộ lẫn đường biển đều gặp khó khăn vì không thông quan được. Trong đó, mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là thanh long, loại quả này đã rớt giá từ 30.000 đồng/kg xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng tỉnh Long An - nơi có diện tích trồng thanh long lớn nhất miền Tây - sản lượng thanh long tồn kho khoảng 1.900 tấn. Sản lượng thanh long thu hoạch toàn tỉnh (từ 28/1 đến 13/2) ước tính khoảng 63.000 tấn.

Hay như những ngày gần đây, một lượng lớn dưa hấu có nguồn gốc từ các vựa dưa lớn được bán với giá siêu rẻ tại Hà Nội vì không có thị trường tiêu thụ tiếp tục khiến nhiều người lo ngại hàng triệu tấn nông sản tới mùa thu hoạch nếu không xuất khẩu được sang Trung Quốc sẽ giải quyết thế nào?.

Thông tin với VTC News, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết: "Thanh long, khoai lang, dưa hấu hay các mặt hàng nông sản khác trước nay vẫn đi sang Trung Quốc nhiều nhưng hiện nay bắt đầu bị ứ đọng. Giải pháp lúc này chỉ có thể là đưa quay trở lại tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, không phải loại quả nào mang về cũng tiêu thụ hết được trong nội địa. Ví dụ như thanh long với số lượng hàng ngàn tấn, dưa hấu cũng như vậy. Trong thời gian này chúng ta đang tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ trong nước bằng các hệ thống phân phối, vận chuyển…Vì số lượng hàng này là rất lớn, nếu cố gắng chúng ta có thể tiêu thụ được 30% lượng hàng xuất khẩu, còn 70% chưa biết làm thế nào".

Nông sản 'tắc biên', quay về nội địa chờ tiêu thụ: Chuyên gia hiến kế 'giải cứu'  - 1

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Tuy nhiên, theo ông Phú, để giải có thể giải quyết được 30% số nông sản đó không phải là chuyện đơn giản."Điều cần làm bây giờ là các siêu thị cần ưu tiên cho hàng nông sản mặt bằng, có thể hạ mức chiết khấu xuống 0%, thậm chí kêu gọi người dân mang hàng vào để siêu thị phân phối hộ. Còn chuyện an toàn thực phẩm người sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm khi họ đã niêm yết, công bố. Các chợ truyền thống cũng cần dành diện tích, vị trí tốt cho hàng nông sản để nhiều người tiếp cận được với các mặt hàng hơn".

Ông Phú cũng đề nghị các nhà máy chế biến cần vào cuộc chung tay với người nông dân. Ví dụ như những nhà máy chế biến nước giải khát có thể ép quả thanh long, dưa hấu để làm nước, sấy khô để làm mứt…

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng kiến nghị hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần kết hợp thật tốt. Bộ NN&PTNT phải biết là vùng nào có vấn đề để thông báo, Bộ Công Thương sẽ giải quyết khâu bán hàng, ai sẽ bán hàng. Những lúc cấp bách như thế này cần phải có lệnh, phải có chế tài yêu cầu các doanh nghiệp chung tay.

"Giờ chúng ta phải vào cuộc ngay, vào cuộc một cách nhanh chóng và hiệu quả nếu không muốn vỡ trận", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam - Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng trong tình hình hiện tại ngoài việc đưa nông sản về tiêu thụ trong nước là giải pháp cấp bách và không có giải pháp nào thích hợp hơn.

"Việc tìm thị trường thay thế trong ngày một ngày hai là không thể. Cách tốt nhất bây giờ là quảng bá thật rộng rãi, không còn cách nào khả thi hơn. Trái cây đến thời điểm thi bắt buộc phải thu hoạch, nếu như không bán được chỉ có thể bỏ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc", ông Nguyễn Đình Bích cho biết.

Nông sản 'tắc biên', quay về nội địa chờ tiêu thụ: Chuyên gia hiến kế 'giải cứu'  - 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho rằng không có cách nào khác là đưa nông sản đang mắc kẹt quay trở lại thị trường trong nước.

 

Trao đổi về vấn đề tại sao các mặt hàng như dưa hấu, thanh long khó xuất khẩu đi các thị trường mới, ông Bích phân tích: Việt Nam đã có những loại quả được nhập khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới, mở ra tương lai cho nông sản Việt. Nhưng đó là những quả có giá trị cao, như xoài, vải… những loại quả mang tính chất đặc sản. Dưa hấu, thanh long thì rất khó vì những loại quả này có trọng lượng lớn, giá lại rẻ, mỗi lô hàng có thể lên tới vài triệu tấn vì thế không thể vận chuyển bằng đường hàng không được. Nếu đi bằng các phương tiện vận tải khác như máy bay sẽ làm giá thành bị đẩy lên cao, mỗi chuyến đi cũng không được nhiều.

Bên cạnh đó, những nước gần thị trường lớn cũng hoàn toàn có thể sản xuất được những mặt hàng này, từ đó chi phí cũng như thời gian vận chuyển sẽ ít và ngắn hơn.

"Nông sản của nước ta đầu ra đại đa số vẫn là thị trường Trung Quốc, không thể là thị trường khác. Ở thời điểm này chưa ai có thể khẳng định được bệnh dịch sẽ kéo dài đến bao giờ nên chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn ở rất nhiều mặt hàng khác chứ không chỉ thanh long và dưa hấu", vị chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản khẳng định.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta ra thế giới.

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2019 đạt 6,31 tỷ USD, trong đó mặt hàng rau củ chiếm tới 2,24 tỷ USD.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn