Nông dân khốn đốn vì dưa hấu ùn ứ: Bản trường ca hát đi hát lại nhiều năm

Thời sựThứ Tư, 15/04/2015 07:20:00 +07:00

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, từ vụ việc dưa hấu ở Quảng Nam cho thấy 4 bài toán mà ngành nông nghiệp cần phải giải.

(VTC News) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên để việc người nông dân sản xuất ra hàng hoá rồi không tiêu thụ được trở thành một bản trường ca hát đi hát lại trong nhiều năm.

Việc dưa hấu của nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi xuất khẩu sang Trung Quốc nhỏ giọt, bị ùn ứ ở cửa khẩu đã đẩy họ vào tình cảnh điêu đứng.

Dưa chín đầy đồng ruộng nhưng bà con không thể thu hoạch vì không biết bán cho ai. Một số tiểu thương lợi dụng tình hình này để ép giá dưa giá vài trăm đồng một kg. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng từ vụ việc này cho thấy 4 bài toán mà ngành nông nghiệp cần phải giải.

Bài toán đầu tiên là làm sao để cho người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Thực tế hiện nay, người nông dân là người trực tiếp ra sản phẩm, nhưng họ lại không có sự liên kết, không có thông tin về việc thu mua sản phẩm. Chính vì vậy, sản xuất ra rồi không biết tiêu thụ như thế nào?


Sinh viên hào hứng mua dưa ủng hộ người dân vùng lũ Quảng Nam
Sinh viên hào hứng mua dưa ủng hộ người dân vùng lũ Quảng Nam  

Thứ hai, sự việc cũng cho thấy sự yếu kém của các cơ quan trung ương và địa phương. Các cơ quan này đều rất thiếu tính chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc sản xuất cái gì và sản xuất bao nhiêu đều phải được lên kế hoạch cụ thể. Đối với sản phẩm nông nghiệp cần phải tìm được đầu ra cho sản phẩm ở cả trong nước và ngoài nước.

Nguồn đầu ra này cũng cần có những đảm bảo mang tính pháp lý như hợp đồng về thời hạn thu mua, số lượng thu mua, chất lượng sản phẩm. Phải tìm được đầu ra rồi thì mới có kế hoạch sản xuất phù hợp, không để bà con nông dân sản xuất ra không có người mua hoặc bị ép giá, buộc phải bán tháo.


 

Không nên để việc người nông dân sản xuất ra hàng hoá rồi không tiêu thụ được trở thành một bản trường ca hát đi hát lại trong nhiều năm.
Ông Lê Đăng Doanh
 
Thứ ba, thực trạng hiện nay của nền nông nghiệp nước ta là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến bị động. Trong khi thị trường này không có sự đảm bảo, thậm chí thiếu sự hợp tác, gây khó khăn nhiều cho sản xuất trong nước.

Phía đối tác Trung Quốc thường rất "khôn", họ chủ yếu mua bán qua đường tiểu ngạch, buôn bán qua đường biên giới, và không chấp nhận việc ký hợp đồng. Vì vậy, đây là rủi ro rất lớn cho những người sản xuất và dễ bị ép giá.


Thứ tư, từ câu chuyện của thị trường Trung Quốc, cũng đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý của Việt Nam là tại sao lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường trong nước, trong khi có rất nhiều những thị trường khác mà hàng nông sản của Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu?

Video chiến dịch hỗ trợ nông dân Quảng Ngãi tiêu thụ dưa hấu 


"Tôi cho rằng, thời gian tới đây các cơ quan quản lý nhà nước nên nghiêm túc nhìn lại vấn đề này. Chúng ta có thể mở rộng thị trường ra nhiều nước khác như Lào, Campuchia,....Không nên để việc người nông dân sản xuất ra hàng hoá rồi không tiêu thụ được trở thành một bản trường ca hát đi hát lại trong nhiều năm", ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, việc kêu gọi lòng tốt của mỗi người dân Việt Nam trong chiến dịch mua dưa hấu ủng hộ bà con Quảng Nam là việc rất nên làm, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nhìn lại việc quản lý điều hành của mình, cần phải có sự chuyên nghiệp, tìm kiếm những nguồn đầu ra ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Video: Xe dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh


Trong khi đó, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương lại cho rằng, năm nay, mặc dù vụ dưa hấu đến sớm hơn những năm trước khoảng 2 tuần nhưng theo thông tin Vụ Thị trường trong nước nắm bắt được thông qua báo cáo cũng như làm việc trực tiếp với phòng Kinh tế - Sở Công Thương các địa phương này, nhìn chung, việc tiêu thụ vẫn diễn ra tương đối tốt.

Nhiều địa phương đã tiêu thụ được khoảng gần 80%, trong đó cá biệt có Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết. Riêng Quảng Nam có khoảng 700 – 800 ha dưa thu hoạch đúng vào mùa lũ nhưng đến nay, tình hình tiêu thụ cũng rất khả quan.


Về đầu ra cho sản phẩm, ông Quyền cho biết, hiện Bộ Công Thương đang đàm phán nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh các kênh phân phối.

Các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với phía Trung Quốc. Theo đó, hiện phía Trung Quốc đã quyết định dành riêng một kho bãi trong hệ thống kho bãi tại cửa khẩu cho mặt hàng dưa hấu Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã thông tin đến doanh nghiệp về sức chứa của cửa khẩu Tân Thanh cũng như khuyến cáo thương lái không ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn