Nón lá, hoa sen và Arsenal

Thể thaoThứ Ba, 16/07/2013 12:00:00 +07:00

Hơn một thập kỷ làm chuyên nghiệp, hàng ngàn tỷ đồng đổ vào bóng đá Việt, bao nhiêu lời hứa hẹn về những học viện như Pleiku đã đưa ra mà chẳng thực hiện được.

Đón Arsenal là một sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, điều đó thì ai cũng biết.


Thế nhưng ứng xử với sự kiện đó như thế nào, thì đến nay, bóng đá Việt Nam chỉ mới để lại sự hài lòng từ khâu tổ chức. Chúng ta có thể đưa thầy trò ông Arsene Wenger từ ngay cầu thang máy bay về thẳng khách sạn như kiểu tiếp đón một nguyên thủ. Chúng ta có lực lượng CĐV nồng nhiệt ngay từ sân bay. Chúng ta tặng họ nón lá và những cánh sen hồng…


Nhưng chúng ta chưa kịp hỏi HLV Arsene Wenger, người vẫn được biết đến với mỹ từ “Giáo sư”, một nhà cầm quân vẫn được xếp vào hàng “thông thái”, về những gì mà bóng đá Việt Nam có thể nhận được từ Arsenal. Trong buổi họp báo chiều hôm qua, câu hỏi duy nhất liên quan đến bóng đá Việt Nam lại từ một phóng viên nước ngoài: “Bao giờ bóng đá Việt Nam vươn khỏi tầm Đông Nam Á? Và bao giờ thì mới cạnh tranh nổi trên đấu trước quốc tế”.

HLV Wenger đội nón lá, cầm đóa sen
 HLV Wenger đội nón lá, cầm đóa sen (Ảnh: VSI)

Chúng tôi tin, đó là câu hỏi mà ông Wenger khó trả lời nhất nhưng làm cho ông hài lòng, thích thú nhất. Bởi nó phù hợp với một HLV như ông thay vì các câu hỏi liên quan đến chuyện cá nhân mà có lẽ, ông đã thuộc lòng cách trả lời.

Cho dù không biết nhiều về bóng đá Việt Nam nhưng chắc chắn, ông Wenger biết cách làm thế nào để một nền bóng đá nhỏ có thể vươn lên. Những kiến thức ấy, là tinh túy của một ông thầy bóng đá vốn được xếp vào hàng thượng thừa của làng cầu thế giới. Gặp được ông, nói chuyện được với ông, sao không hỏi những điều cần thiết ấy.


Lục tung trong bản kế hoạch làm việc hết sức chi tiết của Arsenal tại Việt Nam, ngoài trận đấu vào tối 17-7 là có liên quan đến một chút vấn đề chuyên môn, tuyệt nhiên không thấy có cuộc gặp gỡ, trao đổi nào giữa VFF và HLV Wenger.

Tất nhiên là trong một thời gian ngắn ngủi, ông Wenger cũng chẳng có “bí kíp” gì để thay đổi được bóng đá Việt Nam nhưng một buổi nói chuyện về chiến lược như vậy đủ để thấy chúng ta cầu thị, đủ cho thấy chúng ta trân trọng đến thế nào sự kiện mang tính lịch sử này ngoài nón lá, bông sen…


Wenger-bầu Đức
Bầu Đức nghe lời khuyên của Wenger và giờ ông đang thành công (Ảnh: Q.M)

HLV Wenger trả lời ngay câu hỏi từ phóng viên nước ngoài kia: Hãy học người Nhật Bản. Trong khuôn khổ một buổi họp báo và với thời gian ngắn như vậy, lời khuyên đó vừa chính xác, vừa có giá trị hơn vô vàn lần so với trận đấu mà chúng ta phải tập trung đội tuyển quốc gia để tham gia một sự kiện thương mại.

Hãy học người Nhật Bản! Điều này thì những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cũng đã biết và đang chuẩn bị… học. Nhưng khi ông Wenger nói ra, lại cho thấy giữa cách suy nghĩ và thực tế của bóng đá Việt Nam có nhiều khoảng cách.

Ý ông Wenger rất rõ: có tấm gương từ bóng đá Nhật Bản rồi, còn gì phải tìm kiếm mô hình ở đâu cho xa. Người Nhật vươn lên tầm cao thế giới từ những học viện đào tạo trẻ thì người Việt Nam muốn thoát khỏi tầm Đông Nam Á, cũng phải từ những trường đào tạo trẻ. Làm càng sớm điều đó thì cơ hội vươn mình lên càng nhanh.


Ở VN có một đội ngũ fan bóng đá đông đảo và cuồng nhiệt
 Ở VN có một đội ngũ fan bóng đá đông đảo và cuồng nhiệt

Những gì ông Wenger nói không mới mẻ nhưng ngay một điều cũ rích như vậy vẫn chưa được bóng đá Việt Nam thực hiện một cách đàng hoàng. Đến nay, chỉ mới có học viện ở Pleiku mà Arsenal là “bà đỡ” được xem có đẳng cấp thế giới.

Hơn một thập kỷ làm chuyên nghiệp, hàng ngàn tỷ đồng đổ vào bóng đá Việt, bao nhiêu lời hứa hẹn về những học viện như tại Pleiku đã đưa ra mà chẳng thực hiện được. Rốt cục, lại phải tốn hàng chục tỷ đồng để có được một lời khuyên như vậy.


Theo SGGP

Bình luận
vtcnews.vn