Nơi thầy cô giáo lặn lội 'rước' học sinh rồi vừa dạy vừa canh học sinh bỏ trốn

Giáo dụcThứ Năm, 24/08/2017 07:06:00 +07:00

Để chuẩn bị cho năm học mới, gần một tháng nay, các thầy cô giáo ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) chia nhau vượt hàng chục cây số mỗi ngày để đến những thôn bản vận động học sinh tới trường và thuyết phục người dân cho con đi học.

Đợi đến đêm để vận động học trò đến lớp

Với mô hình bán trú như hiện nay, ngoài mầm non, 100% học sinh tiểu học, trung học ở huyện Mù Cang Chải đều được chuyển về trường chính ở trung tâm học tập. 

Cũng vì vậy, các giáo viên nơi đây không phải vượt qua những cung đường khó đến các điểm trường lẻ nằm sâu trong các thôn bản để dạy học như trước đây, tuy vậy hàng ngày họ vẫn phải đi hàng chục cây số để thuyết phục học trò đến lớp.

giáo viên vùng cao, học sinh vùng cao, giáo viên, năm học mới

Thầy Nguyễn Hữu Việt cùng cho các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Cao Phạ. (Ảnh: Thanh Hùng)

Mù Cang Chải là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận lũ quét vừa qua của tỉnh Yên Bái. 

Mưa lũ khiến nhiều đoạn đường sạt lở, lầy lội nên nên việc vận động học sinh tới lớp càng gặp nhiều khó khăn. 

Từ những ngày đầu tháng 8, thầy giáo Nguyễn Hữu Việt đã quay trở lại Trường Phổ thông dân tộc bán trú- THCS Cao Phạ để bắt đầu với việc đi từng nhà vận động học sinh trở lại lớp.

“Ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã tập trung lực lượng, huy động tất cả giáo viên và nhờ sự giúp đỡ của cán bộ xã để vận động học sinh đến lớp đảm bảo sẵn sàng cho năm học mới”.

Thầy Việt cho biết, khó khăn nhất có lẽ là việc vận động những học sinh ở những bản xa như bản Ngài Thầu cách trường khoảng hơn 15 km. 

Các thầy cô chủ yếu phải đi bộ vì địa hình đèo núi hiểm trở. 

“Cuộc sống khó khăn nên dù mới đầu cấp 2 nhưng nhiều em đã là một lao động chính trong gia đình. Vận động đi học đồng nghĩa lấy đi một nhân lực đi làm nương, lo việc nhà nên thuyết phục được gia đình cho các em đi học là rất khó”, thầy Việt kể.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Cao Phạ học sinh chủ yếu là con em người dân tộc Mông và Thái. 

Theo thầy Việt, đặc biệt dân tộc Mông nhận thức việc đi học còn kém và đặc biệt còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, việc truyền đạt kiến thức đòi hỏi cả một quá trình dài.

“Bản thân mỗi giáo viên thật sự phải tận tụy, trách nhiệm lớn lao còn nếu chỉ giảng dạy theo cái gọi là công việc được giao thì rất khó”, thầy Việt nói.

Thầy Việt đặc biệt để tâm đến trường hợp học trò Lý A Giông, người dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên mới lớp 7 em đã là lao động chính trong nhà thường xuyên phải đi làm ruộng. 

giáo viên vùng cao, học sinh vùng cao, giáo viên, năm học mới

Niềm vui tới lớp với bạn bè.

“Nhà ở bản Ngài Thầu cách trường hơn chục cây, em thường xuyên nghỉ học nên hầu như tuần nào tôi cũng phải lên tận nhà để vận động. Do nghỉ học nhiều nên Lý A Giông cũng rất xấu hổ và ngại, không muốn tiếp xúc với các thầy cô, thậm chí chỉ nhìn thấy là chạy trốn. Sau nhiều lần vận động, khuyên bảo thì em có đến lớp tuy nhiên do thường xuyên nghỉ học nên việc tiếp thu kiến thức chậm, vài ba hôm lại nghỉ và không muốn đi học. Đầu năm nay chưa thấy em ra và chúng tôi sẽ lại tiếp tục vận động đến lớp”, thầy Việt nói.

Cũng giống như thầy Việt, thầy giáo Phan Tiến Dũng kể cũng nhiều hôm mưa lũ xong đường đi khó khăn, xe không đi được, thầy phải đi bộ đến tận nhà vận động vì không thấy học sinh đến lớp. 

Bản thân thầy từng rất gian nan để đưa một học sinh ở xã Ngài Thầu, cách trường hơn 20 cây số đến lớp

“Từ trường, tôi chỉ đi xe máy được khoảng 4 cây số sau đó phải đi bộ hơn 16 cây số mới đến được nhà học sinh đó. Tới nơi cũng chỉ có thể gặp ông bà của học sinh ngay còn phải đợi bố mẹ của em đó đi làm về”, thầy Dũng kể.

giáo viên vùng cao, học sinh vùng cao, giáo viên, năm học mới

Thầy Phan Tiến Dũng. 

Nơi đây, đồng bào người Mông thường đi làm nương xa.

Vì thế, các thầy cô phải chờ đến 8-9 giờ tối mới gặp được bố mẹ của học sinh. Và cũng không phải gặp để nhắc nhở rồi có thể đi về trong dễ dàng.

Mỗi lần đến nhà học sinh là một diễn biến khác nhau. Khi thì phải hứng chịu những lời gắt gỏng, lời nói khó nghe, thậm chí bị đuổi hoặc có khi họ mặc kệ sự hiện hữu của các thầy cô.

Kinh nghiệm của các giáo viên nơi đây là để vận động học sinh thì phải hiểu những tập tục, thói quen của người dân địa phương và tối kị việc làm trái với những tập tục, thói quen của họ. Đặc biệt thời gian tạo niềm tin, thậm chí các thầy cô phải tập làm quen với việc uống rượu.

“Đến nhà học sinh, chúng tôi phải tự kiếm việc gì đó làm rồi từ từ lân la nói chuyện. Khi họ quý hơn, sẽ mời rượu, nhưng những lúc đó càng không thể bỏ về mà phải uống rượu để họ thấy mình thật bụng và tin tưởng. Xong xuôi thì đã khuya nhưng vì phải về trường để dạy vào sáng hôm sau. Nhiều hôm tôi lại phải đi bộ từng ấy cây số trở về trường”, thầy Dũng kể.

Với em học sinh ở Ngài Thầu đó, thầy Dũng nhớ mình phải mất 4 tháng để vận động như vậy. 

Khó khăn với các thầy giáo một phần thì với các cô giáo là gấp bội. 

Cô Đào Mai Hiên cảm nhận rõ điều này khi công tác tại trường Cao Phạ đến nay đã 9 năm. 

Có những đợt cao điểm, trong một tháng, cô cùng đồng nghiệp phải đến nhà học sinh liên tục đến 20 ngày. 

“Có những nhà thấy tôi đến cửa đã gay gắt bảo: Tao đã nói rồi, tao không cho con đi học, mày về đi. Cũng có người mời nhà vào nhà nhưng vặn hỏi: Tao cho con đi học nhưng mày có đến làm thay nó được không? Mày có cho tao cơm, gạo hàng ngày được không?”

Mỗi nhà là một câu chuyện, trường hợp khác nhau nên bản thân cô phải tự lựa cách ứng phó và thuyết phục. 

Thường thì cô tìm cách giải thích cho các gia đình những cái lợi khi biết con chữ, có kiến thức rằng khi từ trường trở về con có thể biết làm nhiều thứ hơn là đi làm nương và cuộc sống sẽ tốt hơn.

Còn thầy Dũng rút ra kinh nghiệm điều quan trọng nhất là phải biết tiếng địa phương để có thể tâm sự, chia sẻ với bà con. 

Bản thân thầy có thể nói được nhiều thứ tiếng như Mông, Thái, Khơ Mú… 

“Lớp có học sinh dân tộc nào, thì giáo viên phải chủ động học tiếng dân tộc đó bởi khi đi vận động, không chỉ giao tiếp thông thường mà cần biết để lắng nghe, hiểu được những suy nghĩ, tâm tư của họ để lựa cách thuyết phục”.

Theo thầy Dũng, để thuyết phục được các gia đình cần nhất là tạo được tin cậy, điều mà có thể đến nhà 1-2 lần chưa có được mà thậm chí phải qua lại nhiều lần.

Chia nhau canh học sinh bỏ trốn

Thuyết phục đến trường đã khó, để các em chịu hòa đồng, giao tiếp với lớp học cũng chẳng phải việc dễ dàng. 

Nhiều em học sinh đến lớp chỉ im lặng và không chỉ với thầy cô mà với bạn bè cũng vậy. Và nếu không đủ kiên nhẫn các giáo viên sẽ rất nản.

giáo viên vùng cao, học sinh vùng cao, giáo viên, năm học mới

 Bông chia sẻ niềm vui tới trường với những vị khách ở xuôi lên.

Thầy Nguyễn Hữu Việt chia sẻ: “Vốn trước đây quen với việc học ở trong ngay trong các thôn bản, nên ra đến trường bán trú các em còn rất nhút nhát, ngại giao tiếp, thậm chí nhiều khi nhớ nhà không chịu học”.

Trường bán trú xa nhà không thể sáng đi tối về được nên các em phải ở lại ăn ở ngủ, sinh hoạt tại trường từ đầu đến cuối tuần, cũng vì thế ngoài việc giúp đỡ học tập, các giáo viên còn phải làm công tác tư tưởng để học sinh ổn định tâm lý.

“Nhiều trường hợp đi học nhưng không muốn học hay nhớ nhà đòi về. Vì thế, nhà trường lúc nào cũng phân ra 3 giáo viên để trực bán trú hằng ngày gồm trông nom, quản lý việc đi lại, ăn ở, ngủ nghỉ của các em từ sáng đến tối. Buối tối, có một giáo viên ngủ lại ở phòng trực bán trú cũng để trông khỏi học sinh đi về hoặc đảm bảo trật tự. Mỗi tuần ngoài việc dạy học, chúng tôi chia nhau trực bán trú và coi đó là trách nhiệm của mình”.

giáo viên vùng cao, học sinh vùng cao, giáo viên, năm học mới

 Vui mừng với sách vở vừa được tặng trước năm học mới. (Ảnh: Thanh Hùng)

Thầy giáo Dũng cũng cho hay nhiều trường hợp học sinh không chịu tương tác, nói chuyện, giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Một số em phải mất 1-2 tuần các em mới hòa đồng.

Tuy nhiên, là giáo viên dạy Giáo dục công dân nên thầy Dũng cho rằng mình có lợi thế hơn so với các thầy cô khác.

“Những bài học Giáo dục công dân cũng là những bài học về ứng xử trong cuộc sống. Vì thế, tôi lấy luôn bài học để gần gũi hơn với học sinh. Những lần đi vận động học sinh, chúng tôi đều nắm được hoàn cảnh gia đình và đặc điểm riêng của từng em, nên trong các sinh hoạt ngoài giờ hay trong giờ học tôi đều chú ý đưa những câu chuyện gần với học sinh. Cố gắng để các em thấy việc học mang lại những điều có ích, gần gũi với mình, qua đó tin tưởng với thầy cô giáo. Để những học sinh ban đầu còn e dè, bất hợp tác thay đổi dần thì chính giáo viên phải hòa đồng trước”.

Video: Xót xa những cô bé cậu bé ở Sơn La làm cha mẹ khi đang tuổi đến trường

Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi tiếp xúc với các em học sinh nơi đây trong những ngày tựu trường chuẩn bị cho năm học mới là niềm vui khi đến lớp và đầy ước mơ.

Khi được hỏi về những chuẩn bị cho năm học mới, em Hà Thị Bông, lớp 8A, nhà ở bản Lìm Thái nói: 

“Vài hôm trước, mưa lũ to quá, nhà em bị trôi hết ruộng nương, chẳng còn lại gì nữa. Giờ đây, em chỉ ước ruộng nương trở lại như trước”.

Nhưng khi nhắc đến việc học, ánh mắt em vui ngay trở lại: “Em thích nhất môn Âm nhạc vì được hát nhiều bài hát hay. Em cũng thích học văn để được tả cảnh quê hương mình”.

Bông đã chuẩn bị cho mình một bộ phần áo mới và muốn năm học mới sẽ học giỏi và làm được nhiều việc tốt hơn. Cô học trò vùng cao cũng vô tư bày tỏ mơ ước trở thành ca sĩ trong tương lai.

Cạnh đó, em Xùng Thị Phú, học sinh lớp 8 nhoẻn miệng cười tươi thích thú trả lời rằng em thích học môn Văn và mong học thật tốt và sau này lớn lên sẽ làm nghề may.

Chia tay huyện Mù Căng Chải, hình ảnh mà tôi nhớ nhất trên chuyến xe là các em học sinh vừa chạy về những phòng ký túc của trường vừa nở những nụ cười thật tươi với những chồng sách trên tay...

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn