Nơi người chết có năng lực siêu nhiên

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 14/12/2011 08:16:00 +07:00

Người chết có một năng lực siêu nhiên và có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này.

Trong tiềm thức của người Xê Đăng ở dưới chân núi Ngọk Linh, người chết có một năng lực siêu nhiên và có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này.

“Mình có chôn người chết xuống đất hay xây bốn bức tường kín mít thì cái hồn của nó vẫn đi được, chỉ có mình là không đi được thôi. Nó giống như con mối, con mọt trong nhà mình ấy, chỗ nào nó cũng đục để đi được cả, con ma cũng vậy!" - Một thanh niên ở thôn 7, xã Trà Cang le lưỡi, nói thật nhanh khi chúng tôi hỏi về rừng ma của người Xê Đăng ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nơi những thôn làng còn khốn khó vẫn còn giữ nhiều hủ tục dưới chân núi Ngọk Linh.

Một góc rừng ma bên chân núi Ngọk Linh

Nỗi ám ảnh bao đời

Nhiều lần lên huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam cũng là nhiều lần chúng tôi nghe về những câu chuyện liên quan đến "rừng ma" của người Xê Đăng nơi đây. Nỗi ám ảnh truyền thuyết rừng ma hằn lên trong đời sống của họ khi chỉ vừa nghe đến.

Người Xê Đăng ở dưới chân núi Ngọk Linh luôn tin rằng, người chết có một năng lực siêu nhiên và họ có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này, kể cả việc "bắt" linh hồn của người sống đi theo. Chính vì vậy, người dân nơi đây không chỉ rất sợ hồn ma người đã chết mà còn xem hồn ma đó đang còn "sống" với một khả năng siêu phàm.

Chính vì quan niệm trên nên người còn sống rất sợ người đã khuất. Sợ đến nỗi nếu trong gia đình không may có người chết, gia chủ lập tức vội vàng kiếm quan tài đặt người chết vào trong, khiêng luôn ra rừng ma, rồi mới về nhà làm lễ thờ cúng.

Việc mai táng người chết đều do những người thân trong gia đình tự lo liệu. Nếu có bà con hàng xóm tham gia thì cũng chỉ phụ giúp những việc lặt vặt ở nhà.

Nếu chồng chết thì vợ nhờ một số người ruột thịt, thân thiết nhất khiêng quan tài ra rừng ma, sau đó người vợ mang thi hài chồng ra bỏ vào quan tài. Ngược lại, vợ chết thì người chồng cũng làm như vậy, cha với con cũng thế.

Làm thịt heo để cúng ma rừng

Người ở các buôn làng Xê Đăng có quan niệm chết là sang một thế giới khác, nên vẫn cần con trâu, con bò để cày. Vì thế, họ gửi trâu, gửi bò cho người chết để họ có cái mà làm ăn sinh sống!

Người sống còn rất lo lắng cho người chết phải "sống" một cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu, không có dụng cụ sinh hoạt và mưu sinh nên họ đã chia rất nhiều của cải cho người người chết mang theo.

Để vừa chu toàn hơn cho người chết vừa giúp bản thân mình được an toàn, tránh bị "con ma" về trù ẻo và tìm cách làm hại, sau khi mai táng người đã khuất ra rừng ma xong, gia chủ phải lập tức làm thịt trâu, bò, lợn, gà để cúng người chết.

Làng Tắk Póc xã Trà Cang cách trung tâm thị trấn Tắc Pỏ chưa đầy 30km, có một khu... rừng ma. Dễ nhận ra đâu là rừng ma giữa chốn núi đồi trập trùng, bởi cái đặc trưng thâm u, rậm rạp.

Không có ai dám bén mảng đến đó chặt phá dù chỉ một ngọn cây. Dẫm đạp lên lá cây phủ đầy mặt đất ngay ngõ vào rừng thôi, cũng đã có cảm giác lạnh sống lưng. Người bản địa thì tuyệt nhiên không dám nhìn thẳng vào rừng. Họ sợ con ma rừng nhìn thấy theo về quấy phá bản làng.

Chúng tôi tìm đến nhà già làng Đinh Văn Sắt. Trong chái nhà tranh hiu hắt giữa sương núi ban chiều, bên bếp lửa, già Sắt nhả từng chữ ngập ngừng đầy sợ sệt: “Đừng tìm con ma rừng làm gì. Cứ để cho ma rừng được yên trong thế giới của họ, không thì mình sẽ phải gặp tai ương. Từ nhỏ, ta đã nghe những câu chuyện về rừng ma ghê rợn vì người dám phá rừng ma. Khi ấy làng cũng gặp đủ tai ương, phải đốt làng, đi nơi khác dựng lại nhà mới mong được yên”.

Trẻ con trong làng nghe chúng tôi nói chuyện về rừng ma cũng xúm xít xung quanh, trong nỗi ám ảnh nỗi khiếp sợ ma rừng đã hằn sâu trong tâm tưởng của người Xê Đăng từ những câu chuyện rùng rợn, lẫn lộn thực hư giả. Càng sợ, bọn trẻ càng háo hức muốn nghe những câu chuyện về những bí ẩn ở rừng ma, và những lời cảnh báo chớ động thế giới của ma rừng truyền qua biết bao thế hệ.

Già Sắt nói: “Mỗi khi có người chết, người Xê Đăng chia của cải trong nhà, từ hạt gạo, hạt muối ra chia đều cho số người trong nhà, kể cả người chết. Phần người chết chôn trong hốc cây rừng cùng với xác tùy tục lệ từng làng.

Sau lễ cúng bái kỹ lưỡng, người đưa tang tìm hướng khác về nhà, không dám đi lại con đường cũ, sợ ma rừng theo dấu tìm về.” Trong quan niệm của người dân nơi đây, rừng ma thường cách rất xa nơi người làng sinh sống.

Chôn cất người chết xong, họ coi như không liên quan gì đến người đã khuất. Thậm chí, không dám về ngay, mà phải tìm suối tắm gội, xóa hết mọi dấu vết để lại trên đường về. Có khi, vài ba ngày, họ mới dám về vì sợ con ma rừng theo họ về nhà.

Già làng Đinh Văn Sắt đang cúng ma rừng

Nỗi khiếp sợ ma rừng của người Xê Đăng không chỉ là nỗi ám ảnh mơ hồ, mà hiển hiện ngay trong đời sống. Họ đặc biệt sợ những cái chết xấu như chết do thiên tai, nhiều người cùng chết vì dịch bệnh, hay trúng độc, tự vẫn...

Vẫn còn đó những hủ tục

Câu chuyện về ma rừng vẫn còn ám ảnh những con người ở đây. Sau một trận mưa đêm kinh hoàng, một học trò người Xê Đăng đã bị đá núi sạt lở đè chết khi đang ngủ.

Thầy Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Trà Nam chia sẻ: “Phải vận động lắm gia đình em học trò xấu số mới chịu làm mai táng cho con.

Còn với người Xê Đăng, họ không bao giờ dám bén mảng đến dãy phòng học đó nữa, đừng nói chi là ở. Dù nhà trường đã làm đủ cách, cả mời thầy cúng về trừ ma, học trò vẫn kiên quyết thà dựng lều tạm, thà chịu ngủ lạnh vì sợ con ma rừng”.

20 năm công tác tại huyện Nam Trà My, bám các điểm trường trong các nóc của người Xê Đăng trên những đỉnh núi, nơi mà những tục lệ của người Xê Đăng còn vẹn nguyên như ngọn núi nghìn đời, thầy Sơn đủ hiểu khó mà lay chuyển được nhận thức của người Xê Đăng về những cái chết xấu.

Mới đây nhất, một lãnh đạo xã Trà Cang sau khi xuống các nóc, trên đường trở về xã bị nước cuốn trôi, chết tại con suối cách làng hai quả núi. Ngành chức năng đến tuyên truyền, vận động để mang xác về chôn cất.

Người nhà thì chịu nhưng dân bản nhất định không nghe vì theo luật tục, nếu không phải chết trong làng, trong nóc, mà chết ở đâu thì phải chôn ngay tại đó, dù là cán bộ xã cũng không ngoại lệ.

Các cán bộ huyện, xã về nơi còn hủ tục để vận động bà con

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Chủ tịch xã Trà Cang cho biết:“Mỗi lần có dịp vào các làng làm việc, sợ nhất là vào đúng ngày làng có người chết xấu. Ít nhất phải 3 ngày mới được dân làng thả cho về. Một lần ở lại đêm trong một nóc, nửa đêm trong làng có người dùng rựa tự vẫn.

Chúng tôi không phải dân làng nên phải thừa lúc người sắp chết đang trút hơi thở cuối cùng, chạy ra khỏi làng, nếu không muốn bị bắt ở lại làng mấy ngày ròng. Những ngày đó, coi như không ai vào hay ra khỏi làng được.

Có lần đi bộ cả ngày đường rừng, đến đêm, nhìn thấy có làng, chúng tôi mừng quýnh xin vào nghỉ nhưng trong làng đang có người chết, chúng tôi phải ở lại trong một lán trại ngoài bìa rừng.

Hai ngày tiếp theo mưa xối xả, làng ngay cạnh nhưng không cách nào xin được một hạt gạo cầm hơi, vì không ai dám ra khỏi làng mang gạo ra giúp người lỡ đường, đành nhịn đói, uống nước suối cầm hơi”.

Không chỉ chuyện chôn sống con theo mẹ, hay những chuyện về các khu “rừng ma” mà nhiều hủ tục khác vẫn tồn tại dai dẳng. Một thầy giáo kể lại rằng, anh đã chứng kiến việc người dân Xê Đăng đặt thai nhi bị chết sau khi sinh trong các hốc cây mà không hề chôn cất.

Vì cách chôn cất hời hợt này, thú rừng dễ vào đào bới, từ đó nảy sinh ra những chuyện ma quái rùng rợn, làm gia tăng nỗi ám ảnh của người dân về “ma rừng”.

Chính vì thế mà bao đời nay, bên những khu “rừng ma”, những đứa trẻ sơ sinh nếu không bị chôn sống cùng xác mẹ thì cũng bị thú rừng tha đi và chết yểu.

Ông Nguyễn Ngọc Kích, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My ngậm ngùi: “Những truyền thuyết đầy bí ẩn và rừng ma và nỗi khiếp sợ cái chết xấu đã ám ảnh truyền đời trong các bản làng người Xê Đăng.

Chỉ mong mai này, khi trẻ con trong làng được đi học nhiều, dân trí được nâng cao, sẽ xóa tan những áng mây mù hủ tục nơi núi rừng này”.

Chúng tôi rời vùng núi rừng này để về thành phố, nhưng những câu chuyện về ma rừng vẫn cứ ám ảnh mãi trên đường về. Chỉ biết cầu mong thôi, rằng những đứa trẻ ở nơi đại ngàn còn nhiều hủ tục này khi khôn lớn, có trình độ sẽ xóa dần đi những hủ tục lạc hậu này, để có được một cuộc sống đúng nghĩa hơn.

Bùi Hữu Cường - VOV


Bình luận
vtcnews.vn