Nơi 'nằm mơ không thấy lụt' ngập sâu vì đường tránh

Thời sựThứ Ba, 15/11/2011 02:10:00 +07:00

(VTC News) – Dự án đường tránh vừa hoàn thành, người dân chưa kịp mừng thì đã méo mặt vì “tác dụng phụ” của nó, nơi nằm mơ cũng không thấy lụt bỗng ngập sâu.

(VTC News) – Dự án đường tránh thị trấn Đức Phổ (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), vừa hoàn thành, người dân chưa kịp mừng thì đã méo mặt vì “tác dụng phụ” của nó.

Báo điện tử VTC News vừa nhận được đơn của 72 hộ dân ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) phản ánh về nỗi khốn cùng của họ khi trải qua trận “đại hồng thủy”.

Điều đáng nói là, sau trận “đại nạn” ấy, cứ mỗi lần mưa lũ về, người dân ở vùng đất chưa bao giờ chạy lụt này lại nơm nớp lo âu.

Đơn của người dân thôn An Trường gửi các cơ quan chức năng và báo chí 

Tự dưng thành dân lòng chảo

Qua tìm hiểu của PV VTC News, ở khu vực này trước đây, khi có lũ, nước tràn cả hai bên bờ sông nên lượng nước dâng lên trong khu dân cư là không đáng kể.

Thế nhưng, năm 2007 ở phía bờ Bắc con sông, Nhà nước đã hoàn thành tuyến đường Trà Câu – Thủy Triều, tôn mặt đường cao hơn 2m.

Đến năm 2008, phía Nam khu dân cư, tuyến đường tránh QL1A đi qua thị trấn Đức Phổ, lại được dựng lên cao gần 10m so với bình độ, khiến người dân khu dân cư này hết sức lo lắng vì bỗng dưng họ bị “kẹp” giữa hai gọng kìm, thành dân vùng lòng chảo.

 Bờ Bắc sông Trà Câu là tuyến đê cao 2m

Điều đáng nói là, đường tránh này được thiết kế rất ngược đời, thay vì cong vào hướng Đông – Nam, ôm lấy thị trấn như bao đường tránh khác thì nó lại ngoặc một góc gần 90 độ ra hướng Đông – Bắc rồi mới "đánh chỏ" đi về hướng Đông – Nam.

Điều này khiến khoảng cách giữa đường tránh và sông Trà Câu đoạn rộng nhất khoảng 1.000m nhưng đoạn hẹp nhất lại thắt vào chưa tới 10m, như một “
cái phễu”, nhốt gần 100 hộ dân thuộc hai thôn Tân Bình và An Trường (xã Phổ Ninh) trong một chảo nước khi mưa tới lũ về.

Lạ hơn, khi thiết kế cống tiêu thoát nước từ phía Tây QL1A chảy về phía Đông, đơn vị thiết kế lại “bẻ” về phía Bắc đường tránh, góp phần đưa một lượng nước khổng lồ dồn vào khu dân cư, trong khi, phía Nam đường tránh luôn trong tình trạng “đói” nước.

 Cống thoát nước này đáng lý phải xẻ sang phía Nam đường tránh nhưng lại bị bẻ về phía Bắc trút thêm nước vào khu dân cư 

Thiết kế chống lụt?

Do không được tham gia góp ý kiến khi thiết kế đường tránh này lúc ban đầu nên đến khi thấy tuyến tránh thành hình, người dân nơi đây mới hốt hoảng nhận ra rằng mình sắp bị “ngập nước”. Hàng loạt đơn thư gửi đi khắp nơi kêu cứu, mong ngành chức năng kịp thời có giải pháp khắc phục.

Sau nhiều lần kiến nghị, ngày 08/4/2009, UBND huyện Đức Phổ có công văn số 315/UBND-VP, trả lời người dân rằng: “Theo bản vẽ thi công được duyệt, khi nước sông Trà Câu tràn bờ Nam, gặp tuyến tránh QL1A thì sẽ chảy theo dòng chủ về phía hạ lưu, không cho nước tràn qua bãi thành dòng chảy vào vùng dân cư khu quy hoạch, khi đó mực nước ứng với tần suất P=4% sẽ ngập thêm khoảng 40cm so với khi chưa làm tuyến tránh”.

“Để giảm thiểu ảnh hưởng của mực nước do lũ trên sông Trà Câu gây ra vào mùa mưa lũ, Sở Giao thông vận tải đã thống nhất giải pháp bổ sung công trình tiêu thoát lũ như đề xuất của đơn vị thiết kế gồm 2 cống  tại Km 0+173,66 và Km 0+576,24 để tiêu thoát lũ cho vùng dân cư ở bờ Nam sông Trà Câu và giải quyết toàn bộ lưu lượng nước thoát qua đường tràn cũ, đảm bảo hạn chế mực nước dâng ở khu vực này không cao hơn so với trước khi xây dựng tuyến tránh”.

 Bị sông Trà Câu tràn vào khu dân cư

Thế nhưng, thực tế vào mùa mưa lũ năm nay, mà đỉnh điểm là trận lũ ngày 17/10 vừa qua, sau khi tuyến tránh hoàn thành và chính thức “bóp dòng”, diễn biến lũ lụt đã trái ngược hoàn toàn với giải thích của UBND huyện Đức Phổ.

Nước lũ tràn từ sông Trà Câu đổ vào, nước mưa từ phía Tây QL1A chảy xuống đã đẩy mực nước ở phía đáy “phễu”lên hơn 8m, vùng miệng “chảo” dâng lên hơn 1m, nhấn chìm 100% các hộ dân trong vùng lòng chảo này.

Đã thế, do bị “thắt đáy” lượng nước lũ tiêu thoát không kịp nên đã bất ngờ gây hiệu ứng đô-mi-nô, nước quay ngược lại tràn qua QL1A, gây ngập toàn bộ khu vực phía Tây QL1A và lan tỏa vào đến tận thôn Vĩnh Bình (xã Phổ Ninh), nơi mà có nằm mơ cũng không ai thấy ngập lụt.

Nước lũ tràn vào nhà, người dân phải ăn cơm đứng 

Cho đến hôm nay, khi trận “đại hồng thủy” đã đi qua được hơn nửa tháng nhưng sự tàn phá ghê gớm của nó vẫn in hằn trên từng vách đất, bờ mương ở khu dân cư nơi đây.

Bấm đốt ngón tay, ông Nguyễn Mè, Trưởng thôn An Trường, cho biết, trong đợt lũ hôm ấy, tại khu vực 72 hộ dân này là thì toàn bộ 72 ngôi nhà ngập chìm trong nước, lúa khô bị ngập hơn 21 tấn, gà, vịt trôi và chết trên 200 con, tuyến giao thông nông thôn bị xói lở hơn 2.000m, bông đót sản xuất chổi hơn 300 kg, sa bồi thủy phá hơn 60% diện tích ruộng...

“Đó là chưa kể còn hơn 700 nóc nhà khác tại 5 khu dân cư trong toàn thôn cũng bị ngập nước, mà có những vùng chưa báo giờ bị ngập, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Mè nói.

Đường tránh thị trấn Đức Phổ vừa hoàn thành, người dân chưa kịp mừng thì đã phải nơm nớp lo âu mỗi khi mưa tới lũ về 

Bao giờ hết lụt lội?

Để trị thủy, theo ông Cao Viết Hạnh, một cán bộ hưu trí ở đây cho rằng, một cách hiệu quả và ít tốn kém nhất đó là xây dựng tuyến đê phía Nam sông Trà Câu (như phía bờ Bắc), qua xã Phổ Ninh, mới có thể ngăn được ngập lụt cho dân.

“Nếu tiếp tục cho mở cầu cống ở đường tránh để thoát nước thì không những không giải quyết ngập lụt mà còn góp phần tàn phá đồng ruộng của người dân và nguy hiểm hơn là làm đổi dòng sông Trà Câu, nguy hiểm vô cùng”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Đem những thắc mắc và mong mỏi của người dân thôn An Trường, xã Phổ Ninh trao đổi với ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, thì được ông này cho biết đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân.

“Chúng tôi đang tập trung các cơ quan ban ngành liên quan xem xét, đưa ra hướng giải quyết khắc phục, báo cáo với cấp trên xin ý kiến chỉ đạo để trả lời một cách thỏa đáng cho người dân”, ông Mùi khẳng định.

Tháng 12/2008, tuyến tránh QL1A qua thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, được khởi công. Tuyến đường dài gần 10km, lòng đường rộng 25m, đường cấp 4 đồng bằng, bắc giáp quốc lộ 1A tại Trà Câu, nam giáp xã Phổ Cường.

Tổng kinh phí giai đoạn 1 là 412 tỉ đồng. Tuyến tránh này do Cty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Tân (Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nhà đầu tư sẽ khai thác 25 năm bằng trạm thu phí. 

 

Nghĩa Bình

Bình luận
vtcnews.vn