"Nói lương 7 triệu không sống được thì phải xem lại"

Thời sựThứ Tư, 23/11/2011 12:02:00 +07:00

(VTC News) – Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Nếu nói lương là 7,3 triệu mà không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay..."

(VTC News) – “Tôi cho rằng tiền lương tối thiểu và giờ làm việc cần phải có sự điều chỉnh hợp lý để bảo vệ người lao động và đây đúng là những vấn đề bức xúc hiện nay”.

Bên lề hành lang Quốc hội, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên), nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề mức lương tối thiểu quy định trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).


ĐB Cù Thị Hậu cho rằng vấn đề tiền lương vẫn là mấu chốt để giải quyết quan hệ lao động hài hòa. Phải có sự kết hợp lương tối thiểu của cả ngành, địa phương, vùng để trên cơ sở đó xây dựng tiền lương tối thiểu.

“Tiền lương tối thiểu đó phải kèm cả thang, bảng lương nữa chứ nếu cứ “thả” ra như này, giới chủ doanh nghiệp họ sẽ cố gắng Nhà nước quy định 1,5 triệu đồng/tháng thì họ cũng sẽ chỉ xây dựng lương 1,8 triệu đồng/tháng.


Chẳng hạn như 1 cái cốc làm ra được 20.000 đồng nhưng doanh nghiệp chỉ xây dựng 1.000 đồng thôi, như vậy, người lao động sẽ phải làm cật lực để có thể có lương tối thiểu. Đó cũng là thủ thuật của người sử dụng lao động. Do đó, tôi nghĩ không giải quyết được vấn đề tiền lương của ngành và vùng thì tình hình đình công sẽ không giải quyết được” – ĐB Hậu nói.


- Vậy theo bà, nếu xây dựng mức lương tối thiểu theo ngành liệu có giải quyết được các mâu thuẫn giữa giới chủ và người lao động?

Nếu xây dựng được thỏa ước lao động của từng ngành, chẳng hạn như dệt, người lao động trong lĩnh vực đó sẽ được hưởng một mức lương tối thiểu chung, giống nhau tại các vùng miền và Nhà nước quản lý thang, bảng lương xây dựng đó.

Tôi cho rằng, muốn xây dựng được tiền lương thỏa ước lao động ngành thì tổ chức công đoàn và các hiệp hội, lãnh đạo doanh nghiệp ngành đó phải ngồi lại với nhau xây dựng tiền lương tối thiểu chung và buộc các doanh nghiệp phải thực hiện.


Nếu không, người sử dụng lao động có thể lợi dụng trong việc xây dựng lương thấp và lách bằng cách kéo dài thời gian nâng lương cũng như trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hiện nay chúng ta mới làm thí điểm về thỏa ước lao động ngành dệt.

- Quyền lợi của người lao động không được đảm bảo trong đó cũng có trách nhiệm của tổ chức công đoàn, bà có nghĩ vậy không?

ĐBQH Cù Thị Hậu - Ảnh: A.D.  
Đúng là như vậy! Bởi vì cán bộ công đoàn cũng là người làm công ăn lương, cũng chỉ có hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp. Nếu công đoàn đứng ra bảo vệ người lao động thì cũng sẽ… bị thất nghiệp.

Với người lãnh đạo công đoàn, nhiều khi cũng vì miếng cơm manh áo của gia đình họ nên vì thế họ vẫn phải im lặng. Do đó, theo tôi, để công đoàn cơ sở bảo vệ được người lao động thì vai trò của công đoàn cấp trên là phải hướng dẫn cho công đoàn cơ sở trong việc thảo luận, thương lượng tập thể cũng như hướng dẫn người lao động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng quy định.

- Nếu bộ Luật lao động được thông qua thì quyền lợi của người lao động có được đảm bảo không, thưa bà?

Nếu được thông qua như dự thảo thì người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể, người lao động đã phải làm 48 giờ/tuần còn các viên chức, hành chính sự nghiệp chỉ 40 giờ.


Như vậy, người lao động đã phải tăng thêm 52 giờ. Nếu tăng giờ làm thêm từ 200 giờ/năm lên 360 giờ/năm, theo các tính toán của tôi thì cả một năm người công nhân chỉ được nghỉ có 7 ngày thì thời gian đâu họ có thể nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình?


Do đó, tôi cho rằng tiền lương tối thiểu và giờ làm việc cần phải có sự điều chỉnh hợp lý để bảo vệ người lao động và đây đúng là những vấn đề bức xúc hiện nay.

- Liên quan đến vấn đề lương thấp, vừa qua có việc lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết lương bình quân của cán bộ, nhân viên EVN chỉ 7,3 triệu đồng/tháng và cho rằng mức lương này quá thấp, vậy so với các ngành khác thì mức lương này là cao hay thấp, theo bà?

Mức lương 7,3 triệu nếu so với nhiều ngành khác thì cũng là mơ ước rất lớn vì tiền lương tối thiểu của người lao động ở khu vực 1 chỉ 2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể mức đó có bao gồm các khoản khác hay không? Còn tất nhiên, so với một số lĩnh vực khác thì trong bối cảnh hiện nay thì 7,3 triệu cũng không hẳn là cao lắm.

- Xin cảm ơn ý kiến của bà! 


Về mức lương 7,3 triệu đồng/tháng của cán bộ, nhân viên EVN bị kêu là thấp, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 22/11, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Nếu nói lương là 7,3 triệu mà không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay vì thực tế lương tối thiểu khối doanh nghiệp là 2 triệu, và mức đó thì tạm ổn nếu so với mức 830 nghìn/tháng của khối công chức. Nên nói 7 triệu mà không sống được thì phải xem lại!”.



 Trần Vũ (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn