Nỗi lòng người mẹ bị tình nhân của em trai đòi lại con

Pháp luậtThứ Hai, 19/05/2014 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Hy sinh 9 năm ròng nuôi nấng cháu bé khôn lớn, người phụ nữ miền sông nước không ngờ sau này lại bị người tình em trai kiện ra tòa đòi lại con.

(VTC News) – Hy sinh 9 năm ròng nuôi nấng cháu bé khôn lớn, người phụ nữ miền sông nước không ngờ rằng, sau này lại bị người tình em trai kiện ra tòa đòi lại con.

Nỗi lòng người mẹ nuôi
Vợ chồng ông Quách Văn Tàu – bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu) không giấu được cảm giác đau đớn, hụt hẫng khi chị T.M.Tr (36 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) gửi đơn lên tòa án đòi lại cháu bé mà vợ chồng ông bà đã nuôi nấng 9 năm trời nay. 
Bà Huệ kể, 9 năm trước, anh N.V.T (42 tuổi, em trai bà Huệ) chung sống và có con với chị Tr nhưng không đăng ký kết hôn. Do mâu thuẫn tình cảm không thể hòa giải, anh T và chị Tr đã quyết định “đường ai nấy đi”.

 Bà Nguyễn Thị Huệ khóc ngất tại khuôn viên TAND TP.HCM

Không có điều kiện nuôi con, chị Tr giao cháu T (lúc đó mới hơn 1 tháng tuổi) cho anh T chăm sóc. Do phải ra nước ngoài định cư, anh T có làm giấy thỏa thuận giao cháu T cho vợ chồng bà Huệ “làm con vĩnh viễn”. 
Đến tuổi già vẫn chưa có con, vợ chồng bà Huệ vui mừng khôn xiết khi được nhận cháu bé kháu khỉnh của chính em trai mình làm con ruột. Dù vất vả ngược xuôi làm ăn, nhưng vợ chồng bà Huệ vẫn dành hết tình yêu thương để cháu bé có cuộc sống đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn.
Cháu T lớn lên bụ bẫm, ngoan ngoãn và học giỏi trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng bà Huệ. Dù từng gặp lại mẹ ruột nhưng vì quá quen cuộc sống ấm cúng nơi vợ chồng bà Huệ nên cháu T từ chối về bên mẹ ruột.
Theo bà Huệ, thời điểm nhận nuôi cháu T, chị Tr ít khi về thăm hỏi, cũng như không có một lời động viên nào đối với vợ chồng bà. Năm 2007, thời điểm cháu T đi học lớp mẫu giáo, thấy chị Tr không có liên lạc hay thăm hỏi gì nên bà Huệ làm lại giấy khai sinh cháu T là con ruột của ông bà.
Cũng theo bà Huệ, một thời gian bặt vô âm tín chị Tr bất ngờ trở về đòi lại cháu T nhưng bà không chấp nhận thì làm đơn kiện lên TAND tỉnh Bạc Liêu. Trong phiên toà xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu vợ chồng bà Huệ giao cháu T cho chị Tr trực tiếp nuôi dưỡng.
Vì quá uất ức trước hành vi đòi lại con không chút tình cảm của chị Tr, bà Huệ đã làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, mới đây Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm như đã tuyên. 
Bà Huệ đau đớn nói, cháu T là con đẻ của chị Tr nên bà không có quyền ngăn cản mẹ con họ được ở bên nhau. Nhưng điều khiến bà Huệ rất buồn là tại sao chị Tr lại “ăn thua” đòi con một cách quyết liệt như thế, khi mà cháu T vẫn chưa muốn “tái hợp” với mẹ.
“Lẽ ra chị Tr phải từ từ chiếm được tình cảm của cháu bé, khi cháu chấp nhận rồi thì đưa cháu về nuôi vẫn chưa muộn mà. Một đứa bé đang có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc như thế mà chị ta lại kiện tụng ra tòa chỉ vì mục đích đòi lại con. Nếu thương con mà người mẹ ấy lại làm cho cháu bị sốc, ảnh hưởng đến chuyện học hành thì tôi thật đau lòng”, bà Huệ rơm rớm nước mắt.
Xin hãy vì cháu bé!
Trao đổi với PV VTC News, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, xét về một góc độ nào đó thì tranh chấp giữa các đương sự trong vụ án này đều là tranh chấp xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của một người mẹ, đó là tình mẫu tử, bởi đối tượng tranh chấp trong vụ án là 1 cháu bé chưa thành niên. 
Về mặt pháp lý trong vụ án: Việc tòa án giao cháu bé cho mẹ ruột được quyền nuôi dưỡng là đúng qui định của pháp luật .
Xét về góc độ tình cảm, nếu như vào thời điểm đó không có sự cưu mang cứu giúp, sự thương yêu chân thành hay sự hy sinh thầm lặng của vợ chồng chị Huệ thì ngày nay, người mẹ ruột ấy sẽ tìm con mình ở đâu? Đứa bé có được yêu thương chăm sóc, bao bọc trong vòng tay thân ái và được nuôi nấng, học hành như ngày hôm nay?

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo mong mỏi hai bà mẹ sẽ có cách giải quyết để không bị ảnh hưởng đến cháu bé 
Với những vụ án như thế này thì khi giải quyết theo đúng qui định của pháp luật, HĐXX cũng đã rất cân nhắc về lý nhưng cũng rất khó xử về tình. Bởi lẽ, việc giải quyết quyền lợi cho người mẹ ruột là đúng pháp luật nhưng khi giải quyết như thế thì quyền lợi chính đáng của người mẹ nuôi sẽ ở đâu? Sự tổn thất về tinh thần sẽ như thế nào? Lấy gì có thể bù đắp cho sự mất mát to lớn đó?... 
Chúng ta đều biết rằng trong xã hội ngày nay đã xảy ra rất nhiều trường hợp về sự vô cảm của những người mẹ trẻ, họ có có thể bất chấp tất cả để từ bỏ núm ruột của mình bằng nhiều hình thức và như thế tương lai của những đứa trẻ bị bỏ rơi này sẽ ra sao nếu như không được cưu mang trong những gia đình có tình thương thật sự.
Xét về khả năng thi hành án, liệu rằng sau bản án này thì việc thi hành bản án có thực hiện được hay không? Ông bà ta đã từng nói rằng "Công sinh không bằng công dưỡng". 
Hơn nữa, đây là vụ án mà đối tượng tranh chấp là một con người, một đứa trẻ đáng thương, cuộc sống của bé từ nhỏ đến giờ đã thiếu thốn rất nhiều tình cảm của cha và mẹ ruột và nay khi cháu đã cảm thấy yên tâm trong vòng tay của cha mẹ nuôi thì lại chứng kiến và phải đối diện với một sự thật phũ phàng khác nữa ập đến là buộc phải rời xa người mẹ đã cưu mang bé bằng tất cả sự yêu thương, sự bù đắp về tinh thần, vật chất và cả sự hy sinh của một người mẹ đối với đứa con bé nhỏ . 
Thiết nghĩ, trong trường hợp này người lớn cần có sự cảm thông, chia sẻ và vun vén tình cảm cho bé từ từ, đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì rất cần có thời gian để chăm sóc, thể hiện tình cảm bé mới có thể cảm nhận được và dần dần dễ chấp nhận sự thật hơn. 
Khi đó người lớn sẽ thấy là việc cưỡng ép tình cảm, ý chí hay suy nghĩ của bé có thể giải quyết được hay không và có cần thiết để làm như thế, cốt lõi của vấn đề ở đây là gì, có phải là xuất phát từ tình thương của bé và mong muốn được quyền nuôi bé.

Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn