"Nói không với phong bì": bác sỹ có quá sức?

Sức khỏeThứ Năm, 13/10/2011 06:41:00 +07:00

(VTC News)- Câu chuyện "phong bì" luôn được quán triệt, cán bộ nào vi phạm sẽ bị kỷ luật... Đó là quan điểm của 5 bệnh viện lớn cam kết thực hiện nâng cao y đức

(VTC News) -  Câu chuyện "phong bì" luôn được quán triệt, cán bộ nào vi phạm sẽ bị kỷ luật... Đó là quan điểm của 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội cam kết “thí điểm” triển khai “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện”.

Khi 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội là: Việt Đức, Bạch Mai, Viện K, Viện E và Bệnh viện Phụ sản Trung ương cam kết thí điểm triển khai “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện”, câu chuyện “cán bộ, nhân viên y tế nói không với phong bì” đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Bởi câu chuyện bác sỹ và chiếc phong bì tiền lót tay của bệnh nhân không biết từ bao giờ đi vào ý thức của người bệnh như một “luật bất thành văn” khi khám và điều trị bệnh trong các bệnh viện. Bệnh nhân muốn được bác sỹ, y tá tận tâm, nhiệt tình thăm khám, kê đơn cho những loại thuốc tốt… thì ít nhiều phải có “phong bì mở đầu câu chuyện”.

Đúng là không ít bệnh nhân và người nhà dùng tiền để lót tay cho việc của mình được nhanh chóng và thuận lợi. Nhưng cũng có không ít bệnh nhân và người nhà của họ "tay không bắt giặc".

Dưới đây là ghi nhận của PV VTC News mấy ngày qua tại 5 bệnh viện này.

Chiếc phong bì nhàu nhĩ trước cửa phòng cấp cứu

Trước phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức, bác Trần Văn Đan, ở Hoài Đức – Hà Nội với khuôn mặt rầu rĩ chưa hết phần hốt hoảng khi đứa con trai 35 tuổi đột nhiên lên cơn co giật và dần rơi vào hôn mê bất tỉnh. Lo lắng, hoảng hốt như người “ngồi trên đống lửa” nhưng bác vẫn nhớ giục cô con dâu đi mua cho mình 1 chiếc phong bì bán ở của hàng tạp hóa ngoài cổng bệnh viện.

Chặn 1 bác sỹ cấp cứu trước phòng cấp cứu, bác Đan vội dúi chiếc phong bì nhàu nhĩ ướt lem vì nước mưa của cơn bão số 6 vào túi áo bác sỹ và nói như khẩn cầu: “Tất cả trông cậy vào bác sỹ. Bác nhận cho, của ít nhưng lòng nhiều…” Vị bác sỹ nhìn bác nông dân đang khổ sở nói: “Cảm ơn bác nhưng tôi không nhận đâu. Số tiền này có mua nổi những năm công tác còn lại của tôi không? Bác yên tâm, chúng tôi sẽ cứu chữa bệnh nhân hết sức của mình…" và BS đi vào phòng cấp cứu.

Với tâm lí "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", nhiều bệnh nhân và người nhà đã tự tạo ra tiền lệ "phong bì" ở bệnh viện. (Ảnh Thu Hòe) 

Sau ca mổ, phóng viên đã chờ để gặp được bác sỹ đó. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, nhưng vị bác sỹ này kiên quyết xin được giấu tên tuổi trên mặt báo. Anh tâm sự: “Chuyện bác sỹ, y tá nhận phong bì của bệnh nhân là chuyện có xảy ra và nó vẫn đang xảy ra ở nhiều bệnh viện, cơ sở y tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái thói quen xấu muốn trục lợi từ người bệnh như vậy.

Với nhiều bệnh nhân và người nhà của họ, việc chúng tôi không nhận phong bì cũng lại trở thành điều không bình thường. Họ sẽ nghĩ ngay bác sỹ không nhiệt tình, muốn vòi vĩnh… và chê tiền ít. Khi mà phong bì trở thành “đầu câu chuyện” ở nhiều bệnh viện thì lỗi không thuộc về bệnh nhân và người nhà của họ...”

Ở khoa cấp cứu, trước mỗi ca mổ, các bác sỹ thường được người nhà bệnh nhân chặn trước của phòng mổ vội vàng dúi vào tay 1 chiếc phong bì hoặc tìm đến phòng làm việc riêng với 1 chút hoa quả và 1 chiếc phong bì gọi là bồi dưỡng cho bác sỹ. Đó như một tiền lệ và một quy tắc ứng xử thường thấy trong các bệnh viện.

Tuy nhiên, các bác sỹ khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức khẳng định: Chúng tôi không sống bằng tiền phong bì của bệnh nhân. Và từ khi bệnh viện thí điểm triển khai nâng cao y đức, tập thể cán bộ, nhân viên trong bệnh viện lại càng được quán triệt tinh thần sâu sắc.

Nội trú nửa năm trong viện vẫn không mất 1 lần phong bì

Đó là câu chuyện của bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng, sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đang điều trị căn bệnh máu khó đông tại Bệnh viện Bạch Mai.

Do tính chất căn bệnh nên nửa năm nay Hồng phải xin bảo lưu kết quả học tập ở trường để nhập viện điều trị. Nằm viện có thâm niên nhưng chưa một lần các bác sỹ, y tá ở đây có thái độ quá đáng, vòi vĩnh tiền bạc của bệnh nhân này.

“Nhiều lần mình phải cấp cứu vì tiểu cầu tụt xuống quá ngưỡng cho phép, ngưỡng nguy hiểm rồi đi làm các xét nghiệm, truyền máu, tái khám định kỳ… nhưng chưa một lần mất tiền phong bì cho bác sỹ. Gia đình mình cũng một vài lần có ý muốn cảm ơn bác sỹ trực tiếp điều trị cho mình nhưng khi đưa phong bì các bác ấy đều không nhận và còn mắng cho 1 trận nữa…”, Hồng cho biết.

Các bác sỹ vẫn làm việc hết mình, tròn phận sự, không trục lợi ở người bệnh. (Ảnh Thu Hòe) 
Các bệnh nhân điều trị các bệnh về máu ở Bệnh viện Bạch Mai thường có thời gian nằm viện dài ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết bệnh nhân không phải canh cánh nỗi lo không có tiền phong bì cho bác sỹ.

“Chăm con 2 tháng trong bệnh viện nhưng cũng chưa một lần mất tiền phong bì cho bác sỹ, y tá. Các bác ấy vẫn chu đáo, nhiệt tình, tận tâm làm tròn phận sự của mình…”, chị Hà Thị Giang, 45 tuổi, ở Văn Giang – Hưng Yên có người nhà nằm điều trị ở phòng 405, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho hay.

Lương tâm nghề nghiệp không tỷ lệ thuận với thu nhập

Trả lời báo chí, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, ông Nguyến Tiến Quyết cho rằng: “Có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch”.

Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi của các bác sỹ, ya tá sau mỗi ca phẫu thuật. (Ảnh Thu Hòe) 

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: "BV Việt Đức đã triển khai triệt để tới các cán bộ y tế về "Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện" trước khi chương trình kí kết thí điểm cho 5 bệnh viện diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua. Nếu bác sỹ, y tá nào bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh, bị bắt quả tang nhận phong bì, hay có những hành động trục lợi từ bệnh nhân sẽ bị bệnh viện đuổi việc".

PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cũng khẳng định: Từ lâu BV Bạch Mai cũng đã thực hiện nâng cao y đức, phổ biến, quán triệt đến tận các nhân viên y tế. Bệnh viện treo các quy tắc ứng xử ở những nơi dễ nhìn thấy để bác sĩ và bệnh nhân đọc, ghi nhớ.

Ông chia sẻ thêm: Trong ngành y, một số hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra nhưng rất ít. Đó chỉ là một vài "hạt sạn" trong đội ngũ cán bộ y tế chứ không phải là hiện tượng phổ biến.

Dự thảo nội quy thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức

A - Đối với cán bộ y tế:

1. Phải có lời chào thân thiện khi tiếp xúc với người bệnh, người nhà người bệnh.

2. Phải chỉ dẫn tận tình, cụ thể cho người bệnh và người nhà người bệnh.

3. Phải thăm khám, tư vấn ân cần, chia sẻ chu đáo cho người bệnh.

4. Nói không với phong bì bồi dưỡng của người bệnh và người nhà người bệnh.

5. Tuyệt đối không được trục lợi từ người bệnh và người nhà người bệnh.

Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của bệnh viện.

B - Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân:

1. Phải tôn trọng cán bộ nhân viên y tế.

2. Phải thực hiện nếp sống vệ sinh trong bệnh viện.

3. Phải đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.

4. Tuyệt đối không hút thuốc lá trong bệnh viện.

5. Tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên y tế.

Nếu vi phạm bảo vệ lập biên bản mời ra khỏi bệnh viện.
 
Thu Hòe

Bạn có tin các bác sĩ sẽ thực hiện được Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức? Bạn đã từng gặp tấm gương sáng nào của bác sĩ khiến bạn khâm phục? Còn những điều gì bạn cần các bác sĩ cũng như chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải thay đổi? Hãy chia sẻ điều đó với VTC News.

Bình luận
vtcnews.vn