Nói "không" với đồ rẻ nếu muốn "tẩy chay" hàng giả

Kinh tếChủ Nhật, 08/08/2010 01:24:00 +07:00

(VTC News) - Ông Đỗ Gia Phan - TTK Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam - cảnh báo cho người mua hàng Việt: “Chớ nên ham rẻ mà tin vào những người chào bán..."

(VTC News) - Ông Đỗ Gia Phan - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam (Vinatas) - cảnh báo cho người mua hàng Việt: “Chớ nên ham rẻ mà tin vào những người chào bán không biết ở đâu, hàng không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là hãy mua ở những địa chỉ, nơi bán hàng có uy tín và hãy thận trọng khi mua bán trên mạng”.


Những hàng hóa ngoại nhập giá rẻ bất ngờ, thậm chí còn thấp hơn cả giá mua nguyên vật liệu, đang thực sự làm khó khăn, cản trở việc kinh doanh hàng hóa trong nước – Đó là trăn trở không chỉ của Đại biểu QH Phạm Thị Loan (Ủy viên ủy ban tài chính và ngân sách QH) mà còn là lo lắng của không ít các chuyên gia kinh tế - xã hội khác.

Trong buổi tọa đàm “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Báo Đại đoàn kết phối hợp với VTV tổ chức vào ngày 6/8, bên cạnh việc đưa ra các giải pháp hữu hiệu để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt, các chuyên gia, diễn giả có mặt cũng không khỏi băn khoăn về vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn đang tràn ngập trên thị trường nội địa.

“Made in Viet Nam” sản xuất tại VN?

Theo bà Vũ Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN: Hàng giả và hàng nhái ở nông thôn đã tạo cho NTD một tâm lý hoang mang, đề phòng.

Bà Hạnh đã chia sẻ những câu chuyện sống động, chân thực trong quá trình tham gia chiến dịch “Hàng Việt về nông thôn”. Bà kể: Một người dân ở Tiền Hải (Thái Bình) đã thật thà trò chuyện với bà: “Tôi ở nông thôn, tôi hay mua hàng giả, hàng nhái. Tôi chấp nhận mua hàng giả và hàng nhái, thứ nhất tôi biết chắc đó là hàng giả và hàng nhái, thứ nhì tôi biết nó giá rẻ và thứ 3, tôi xài một thời gian rồi sau đó vứt bỏ”.

Trước câu hỏi thẳng thắn của người dân này, bà Hạnh không khỏi băn khoăn, lúng túng: “Nếu bây giờ, tôi bỏ tiền cao hơn, tôi mua hàng về, có ai bảo đảm cho tôi rằng tôi không bị giả và nhái hay không? Vì hàng Việt Nam vẫn bị giả và nhái như thường”.

Hiện nay, tại nhiều siêu thị trong cả nước, hầu hết hàng may mặc, giày dép đều có gắn nhãn tiếng Việt, nhưng kiểm tra kỹ thì giày dép Hồng Phát, Phương Quân, thời trang Dung, sản phẩm dệt may Tô Kim Hải… lại đều có xuất xứ Trung Quốc.

“Made in Việt Nam” nhưng có phải sản xuất tại VN? (Ảnh: Vov)

Gần đây, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam đã phát triển việc đặt gia công ở nước ngoài qua các đầu mối ở Bắc Ninh, Móng Cái, Lạng Sơn để được giá rẻ, mẫu mã đa dạng và tiết kiệm chi phí đầu tư. Bà Hạnh cho biết, bà có một người bạn, cứ mỗi ngày, họ nhập hàng Trung Quốc về, dán mác “Made in Viet Nam”, với mỗi sản phẩm, họ lãi 1.000 đồng. Họ làm việc theo quy trình, rất “chuyên nghiệp”.

“Thành ra, chúng ta cũng bị giả và nhái hàng “Made in Viet Nam”. NTD nông thôn để cho chắc ăn dùng hẳn hàng giả và hàng nhái Trung Quốc. Với họ, nó vẫn tốt hơn”, bà Hạnh thừa nhận. Theo khảo sát của bà, một số chợ ở tỉnh Bình Tháp vẫn xuất hiện những chiếc áo gió, ghi mác “made in Việt Nam” giá chỉ có 30.000 đồng.

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành tại thị trường Việt Nam, TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - không khỏi bức xúc: “Quan trọng hơn, chúng ta không quản lý được việc hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường, trong đó không ít hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Tôi không thể hiểu nổi một đất nước nhiệt đới thuận lợi trồng hoa quả tươi như thế này mà lại đi nhập hoa quả tươi nước khác, ngay cả bột cá cho lợn ăn, muối, tăm tre… cũng nhập khẩu trong khi đó lại là tiềm năng, thế mạnh về nguyên liệu sẵn có của ta”.

Từ đó, đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc quản lý thị trường của các cơ quan chức năng nhà nước. Đây cũng là quan điểm của Đại biểu QH Phạm Thị Loan, Ủy viên ủy ban tài chính và ngân sách của QH, phát biểu lần đầu tiên trong buổi tọa đàm: “Chúng ta sẽ rất khó khăn khi chống đỡ với sự ồ ạt xuất hàng của Trung Quốc sang Việt Nam nếu không có những chính sách hợp lý và quyết liệt của Nhà nước”.

Chiêu lừa quảng cáo đánh cắp niềm tinNTD

Không những hàng giả, hàng nhái ngang nhiên bày bán ở các siêu thị, khu chợ thương mại,… nó còn thâm nhập vào cả thị trường online Việt. Nhan nhản các thông tin liên quan tới hàng giả, hàng nhái được rao bán rộng rãi trên các website điện tử, việc giao dịch, mua bán diễn ra đơn giản và dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ bằng một số thao tác tìm kiếm đơn giản, NTD sẽ có đầy đủ thông tin như giá cả, đặc điểm sản phẩm, địa chỉ số điện thoại liên hệ để mua đủ loại hàng nhái khác nhau.

Trong thời gian vừa qua, văn phòng tư vấn và khiếu nại của NTD thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam luôn nhận được đơn khiếu nại của nhiều “nạn nhân” bị lừa trong việc mua hàng trên internet. Những lời giới thiệu hấp dẫn, cùng với hình ảnh và giá cả ưu đãi luôn là “mồi câu” đối với nhiều NTD vốn ham đồ rẻ. Không ít người đã bị lừa, trả tiền “oan” cho hàng kém chất lượng.

Hàng nhái rao bán công khai trên chợ online Việt (Ảnh: Khánh Hòa) 

Trước thực trạng này, ông Đỗ Gia Phan - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam (Vinatas) - đã đưa ra lời cảnh báo cho người mua hàng Việt: “Chớ nên ham rẻ mà tin vào những người chào bán không biết ở đâu, hàng không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là hãy mua ở những địa chỉ tin cậy, những nơi bán hàng có uy tín và hãy thận trọng khi mua bán trên mạng”

Qua đây, ông Phan cũng nêu lên vấn đề mà lâu nay các cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm đó là việc bảo vệ NTD trong thương mại điện tử. “Mong rằng các cơ quan chức năng hãy lưu ý đến hiện tượng mới để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của NTD”, ông Phan nói.

Ngoài ra, để giữ vững thương hiệu của DN và hạn chế hàng giả, hàng nhái, theo nhiều chuyên gia, các DN cần thông tin trung thực về hàng hóa dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm từ nhãn mác bao bì, chất liệu cho tới  các kết quả kiểm nghiệm, thẩm tra…

Hiện nay, do việc quản lý không chặt chẽ, nhiều “chiêu” quảng cáo phóng đại, mập mờ, khoa trương của các nhà sản xuất đã đánh lừa NTD, làm mất lòng tin nơi người dân. Trong đó, đáng lưu ý là việc quảng cáo khuyến mại, giảm giá rầm rộ, ban đầu gây hứng thú cho người mua nhưng cuối cùng, họ nhận ra rằng mình đã bị “sập bẫy”.


Ông Đỗ Gia Phan (Hội TC và BVNTD VN) khuyên NTD không nên tham rẻ, tin vào những người chào bán không rõ nguồn gốc. 

Theo ghi nhận, đánh giá của ông Đỗ Gia Phan, một số ít doanh nghiệp đã  mở ra khuyến mãi thực chất chỉ để tuyên truyền, tiêu thụ những hàng hóa thừa ế, hàng kém phẩm chất hoặc hàng sắp quá hạn sử dụng. Có cửa hàng trương biển giảm giá rất lớn, mức giảm rất cao, nhưng khi khách hàng vào mua thì chỉ có một vài loại hàng xấu, tồn kho mới được giảm giá, còn lại chỉ được giảm chút ít hoặc không giảm. Có nơi trương biển giảm giá nhưng lại nâng giá lên thật cao, rút cuộc dù có giảm giá nhưng người mua cũng chẳng được lợi, có khi còn phải mua đắt hơn ở một cửa hàng khác (không giảm giá).

Có những khách hàng vất vả, kiên nhẫn chờ chực ngày vàng, giờ vàng để mong mua được giá rẻ, nhưng đến khi vào được cửa hàng thì hàng đã hết.

“Chúng ta cần nhớ là một khi người tiêu dùng mất lòng tin là doanh nghiệp mất tất cả” -  ông Đỗ Gia Phan một lần nữa nhắc nhở các DN trên con đường phát triển bền vững, để hàng hóa Việt Nam thực sự thâm nhập vào đời sống của người Việt Nam. Việc lấy lại niềm tin nơi NTD là cách duy nhất để hàng Việt neo đậu, bám trụ và ăn sâu bén rễ vào nhận thức của người Việt Nam.










Tiểu Phương

Hiện nay, những chiêu lừa của nhà sản xuất, phân phối sản phẩm "đội lốt" rất tinh vi nhằm "đặt bẫy" NTD, theo bạn, có cách nào để hạn chế hiệu quả những hành vi này? Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!
 

Bình luận
vtcnews.vn