Nỗi đau tận cùng của người đàn bà mang hình hài ‘quỷ dữ’

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 12/07/2014 04:10:00 +07:00

Khuôn mặt bà đã biến dạng hoàn toàn, từng thớ thịt nhăn nhúm, đỏ oạch ươn ướt lòi ra nát bét vùng mắt và miệng.

Khuôn mặt bà đã biến dạng hoàn toàn, từng thớ thịt nhăn nhúm, đỏ oạch ươn ướt lòi ra nát bét vùng mắt và miệng.


Khuôn mặt bà đã biến dạng hoàn toàn, từng thớ thịt nhăn nhúm, đỏ oạch ươn ướt lòi ra nát bét vùng mắt và miệng. Tôi không thể nhận dạng ra đó là khuôn mặt của một con người. Thật xót xa khi phải ví như hình thù của một con quỷ. Bà mặc cảm, tủi thân vì gia đình không ai quan tâm đến hình hài xấu xí tột cùng của mình.

Chồng bỏ vì tội không biết đẻ

Chỉ còn giọng nói tròn vành rõ tiếng, nghe qua điện thoại thấy trong veo chất giọng xứ Nghệ. Bà một dạ, hai vâng với tôi, nhưng khi gặp, lại xưng bằng bà ngọt xớt. Khuôn mặt của bà giờ không còn nhận ra sự già hay trẻ so với cái tuổi 48 nữa. Nhìn cứ như một miếng thịt luộc có cái miệng mấp máy và con mắt hấp hí. Bà gằn lên, rưng rức khi kể về mình.

Bà bảo, cái số trời đày, từ tấm bé cho đến chết thôi. Ở vùng quê Nghĩa Đàn (Nghệ An), người ta biết đến bà là cô bé Võ Thị Hường nhỏ loắt choắt nhưng được cái hay lam hay làm. Cha mất sớm, bản thân không được học hành nên từ nhỏ Hường đã là trụ cột không thể thiếu trong gia đình.

Bà Hường than thở rằng, bà cô đơn lắm, chỉ muốn chết thôi.  
Năm 18 tuổi, trong một lần gánh phân đi bón ruộng, bà vấp phải hòn đá lộn nhào mấy vòng rồi đập mặt xuống rãnh mương. Hôm ấy đang là chu kỳ kinh nguyệt khi gặp sự cố, thế là có "bao nhiêu" trong người nó ùa ra hết. Mặt bà xanh đét, tím đi rồi ngất lịm.


Người đi làm đồng đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Bà mất máu nhiều quá, nên bác sĩ phải truyền máu cho bà. Sau lần đó, bà về nhà trong trạng thái tưng tửng. Không hiểu vì sao nữa. Cơ thể bà yếu như lá lúa lại mắc bệnh rong kinh nên trông càng èo uột. Bà hứa với lòng mình là không bao giờ lấy chồng, vì thấy mình không có sức lực để sinh con đẻ cái.

Năm 24 tuổi, có anh chàng cùng xã để ý, tán tỉnh rồi yêu đương. Bà chối đây đẩy, cương quyết không lấy chồng. Ông chồng thì tha thiết, ăn nỉ ỉ ôi, thề thốt với bà rằng sau này có mệnh hệ gì cũng không hối hận, sẽ yêu thương vợ và vượt qua tất cả. Thêm những lời động viên, vun vén của mẹ nên bà chấp nhận đi lấy chồng trong sự âu lo thấp thỏm. Làm dâu hơn ba năm, bà vẫn trơ trơ như đá.

Gia đình chồng hết kiên nhẫn để chờ đợi, họ bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Lời đường mật ngày nào giờ như gáo nước lạnh. Chồng, mẹ chồng, anh chị em nhà chồng hắt hủi bà, cạnh khóe bà đủ điều. Bà muốn bỏ đi, nhưng định kiến xóm làng bủa vây, bà cắn răng chịu đựng. "Lấy vợ về để đẻ con chứ không phải lấy khúc cây, hòn đá. Phải thay ngay mái". Những đay nghiến ấy, ngày càng nặng nề dồn ép bà đến đường cùng.

Rồi một hôm, bà mẹ chồng dẫn một cô gái về, nói thẳng với con dâu: "Con không đẻ được thì mẹ phải lấy vợ hai cho chồng con, mẹ không thể để thế này mãi được". Đã đoán trước được nghịch cảnh, bà Hường không sốc nhưng bà đau khổ tột cùng. Bà lặng lẽ ôm quần áo về nhà mẹ đẻ, bỏ lại sau lưng nỗi oan khiên không thể rửa sạch.

Bà không đi khám xét gì, mà quả quyết nguyên nhân không đẻ được chính là ngày xưa vào bệnh viện bác sĩ truyền máu của đàn ông vào người bà. Do vậy cơ thể có tiết tố máu đàn ông nên bà không có con. Với ai hỏi, bà cũng khăng khăng nói đó là nguyên nhân chính. Muốn có con phải chờ khi nào máu đàn ông tiêu hết trong người. Tôi phân tích cho bà hiểu, máu đàn ông hay đàn bà chỉ là một mà thôi.

Gần 20 năm mang khuôn mặt dị hợm, bà Hường bị người thân xa lánh. 

Nó không hề ảnh hưởng đến cơ địa hay khả năng sinh lý cho người truyền máu. Rằng, đó không phải nguyên nhân làm bà không thể đẻ con, bà hãy tìm nguyên nhân khác. Bà thì cố kiết lắc đầu, bảo hộ cho lý lẽ của mình. Mọi người trong phòng bệnh nhìn tôi lắc đầu, ra ý cảm thông, thôi đừng cãi lại bà nữa. Người ta nói với tôi, bà bất hạnh quá đến mụ mị rồi.

Người đàn bà mang gương mặt quỷ

Năm 1996, bà vào Lâm Đồng với người anh trai làm thuê làm mướn. Chấp nhận kiếp sống đơn độc. Hôm bà đang nấu cám lợn, đứng lên ngồi xuống thế nào mà bà lao đầu xuống nồi cám đang sôi ùng ục. Toàn bộ mặt và vùng cổ của bà lột da trắng hếu. Bà được người chị dâu phát hiện kêu gọi mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lâm Đồng.

Sau đó, Bệnh viện tỉnh chuyển bà xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh). Hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà giữ được mạng sống nhưng toàn bộ khuôn mặt biến dạng. Một con mắt bị da trùm kín, một con mở ti hí. Anh trai mang bà về Lâm Đồng rồi do kinh tế khó khăn, không thể kham nổi đứa em tật nguyền, ông anh đưa bà về quê phó thác cho mẹ già "gần đất xa trời".

Mang hình hài dị hợm, chẳng còn ai nhận ra bà là ai nữa. Bà như sinh vật lạ, xuất hiện tại làng quê yên bình bao năm qua. Bà không dám ra đường vì trẻ con sợ chết ngất. Bà gặp ai người ta cũng bịt mũi từ xa, bỏ chạy, mặc dầu bà không hôi thối. Chồng cũ và vợ có đến thăm bà một lần, rồi biệt tăm. Bà biết, sau khi lấy vợ, chồng cũ bà có ba đứa con nhưng tất cả đều bị thiểu năng, hiện phải sống trong trung tâm bảo trợ. Nghĩ đến đây, chợt bà buông tiêng thở dài: "Thấy hoàn cảnh ông ấy cũng thương, không còn thù hận nữa. Con người mỗi người phải chịu một số phận thôi".

Suốt 4 năm sống ở quê, bà như con yêu tinh đội lốt người. Bà mặc cảm, tủi hổ nhiều khi muốn chết, nhưng không đủ dũng khí để chết. Năm 2010, bà quyết định vào Sài Gòn. Bà đi một mình, mang tấm thân dị dạng lê lết khắp nơi ở đất Sài Gòn. Bà gặp được nhóm tình nguyện khuyết tật, họ dang tay cứu vớt bà. Họ hướng dẫn bà đi bán tăm kiếm tiền mà sống.

Thế là bà có một cái nghề, chủ yếu bằng bố thí và sự thương hại của người đời. Một ngày giữa tháng 6 năm 2012, bà gặp một sư cô ở chùa Diệu Pháp (Đồng Nai). Sư cô ngỏ ý muốn đưa bà về chùa nương nhờ cửa Phật. Mừng quá, bà theo luôn.

Chỉ vài tháng sau, bà thấy cảnh chùa buồn tênh, lại không có tiền gửi về quê nuôi mẹ già. Bà xin sư cô cho ra ngoài đi làm kiếm tiền, rồi khi nào rảnh sẽ quay về chùa tu tiếp. 4 năm bán tăm, bà gom được một số tiền, đâu gần 30 triệu gửi về quê cho mẹ sửa lại cái nhà rách và một ít cho người ta vay.

Những vết bỏng ngày trước có chỗ lở loét, rỉ nước. Đầu năm, bà phát hiện cánh tay nổi một cục thịt bằng ngón tay, thế mà giữa năm nó đã to bằng nắm đấm. Đau quá, bà chỉ biết rên rỉ. Lang bạt ở Bến xe Miền đông bán tăm, tình cờ bà gặp được chị Nguyễn Thị Nhâm, là người quen ở quê đã nhận ra bà ở giọng nói. Hỏi có phải bà Hường không? Bà gật đầu rồi loạng choạng suýt té.

Chị Nhâm đưa bà vào Bệnh viện Thủ Đức khám. Các bác sĩ chẩn đoán, cục thịt trên tay bà là khối ung thư da, phải mổ gấp. Bà bảo, “may bà có cháu Nhâm không chắc bà kệ thây cho chết quách đi, chứ đời sao khổ ải quá”. Chị Nhâm là ai mà tốt với bà thế? Bà lặng đi một hồi mới nói: "Chẳng là ai cả, là người làng xóm ở quê thôi.

Ngày cháu Nhâm còn nhỏ, tôi có qua chăm sóc và hay giúp đỡ gia đình, những việc nhỏ thôi. Không ngờ bây giờ cháu nó đền đáp lại". Chút tình người duy nhất bà Hương bấu víu và le lói hy vọng chính là chị Nhâm. Những ngày bà nằm viện, vợ chồng chị Nhâm vẫn tranh thủ vào thăm bà, mua quà cáp cho bà.

Còn người thân ở quê thì lặng thinh trước nỗi đau của bà, bà gọi hỏi tiền cũng im ỉm. Nghĩ con người với nhau bạc bẽo quá, bà chán muốn chết cho xong. Cũng may có các bác sĩ ở Khoa Ung bướu Bệnh viện Thủ Đức đã tận tình cứu chữa, bà lại nhen nhóm muốn sống.

Hiện tại, vết phẫu thuật khối u đã khô và diễn biến ổn định. Dự kiến trong tuần này bác sĩ sẽ cho bà Hường xuất viện. Nhưng, bà Hường không muốn bởi ra viện rồi chẳng biết về đâu. Bà có quê hương, có anh em họ mạc nhưng họ không quan tâm đến bà.

Họ bỏ mặc bà tự vùng vẫy trong "siêu thị" bệnh tật. Bà nói nhiều lắm, cứ nghẹn ở cuống họng nhưng không thấy bà khóc. Hóa ra, hai con mắt bị lớp da dày cộm, nhăn nheo tràn lấp, giờ chỉ như cái chấm đen li ti lọt sâu trong hốc.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Thủ Đức:

"Hoàn cảnh bà Hường rất khó khăn, không có người thân chăm sóc. Chúng tôi đã làm hết mình để chữa trị cho bà. Các khoản như đường sữa, băng, bông chúng tôi miễn phí hết. Bà có BHYT nên cũng giảm được phần nào tiền viện phí. Biết được hoàn cảnh của bà như vậy, một số nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ quà, tiền cho bà. Hiện tại vết mổ khối ung thư da đã cơ bản ổn định. Chúng tôi để bà nghỉ ngơi một vài tháng sẽ tiếp tục thăm khám và tiến hành mổ bên mắt trái của bà Hường đang có nguy cơ phát triển thành khối ung thư".

Hiện bà Hường đang trong tình trạng tứ cố vô thân, cô đơn, tủi nhục, sống lay lắt trong mớ bệnh tật. Cơ thể bà sẽ vĩnh viễn không bao giờ lành lặn, nhưng vết thương thì luôn rỉ máu và cần phải được chữa trị. Cúng tôi tha thiết kêu gọi tấm lòng sẻ chia, đồng cảm của xã hội. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ trực tiếp với Khoa Ung bướu Bệnh viện Thủ Đức, số 29 khu phố 5 (đường Phú Châu, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) hoặc số điện thoại: 0966454801 gặp bà Võ Thị Hường.


Theo Ngọc Thiện (CAND)

Bình luận
vtcnews.vn