Nỗi đau của kỷ lục gia giành điểm 10 Olympic: 8 năm không biết mẹ bị ung thư

Thể thaoChủ Nhật, 14/08/2016 06:05:00 +07:00

Wu Minxia chỉ góp mặt ở Olympic Rio 2016 ở ngày thi đấu thứ hai nhưng vẫn đi vào lịch sử Thế vận hội.

Điểm 10 tròn ở London

Wu Minxia góp mặt ở 4 kỳ Thế vận hội và giành tổng cộng 5 chiếc huy chương vàng. Giống như Michael Phelps trên đường đua xanh, cô là VĐV có bảng thành tích lộng lẫy nhất ở môn nhảy cầu.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của Minxia là Olympic London 2012. Cô gái Trung Quốc này trở thành người đầu tiên trong lịch sử chinh phục toàn bộ ban giám khảo với điểm 10 tuyệt đối ở nội dung cầu mềm 3 mét cá nhân.

26

 

Kỳ tích này tưởng chừng đã là một cái kết đẹp cho Wu Minxia khi cô tuyên bố giải nghệ ngay sau đó. Tuy nhiên thật khó để từ bỏ một niềm đam mê mà cô đã phải đổ biết bao công sức để đến được với vinh quang.

Cô gái sinh năm 1980 tái xuất sau đó chỉ 1 năm và quyết tâm chinh phục Olympic thêm 1 lần nữa tại Rio de Janeiro. Lần này, chỉ với 1 nội dung duy nhất, cô lại khắc sâu tên mình vào lịch sử môn nhảy cầu khi trở thành VĐV nữ giành nhiều HCV Thế vận hội nhất đồng thời cũng là người lớn tuổi nhất chiến thắng ở vòng chung kết.

Clip: Wu Minxia nhảy cầu cùng đồng đội

Đến với nhảy cầu nhờ… xinh xắn

Giống như nhiều môn thể thao khác, các VĐV nhảy cầu ở Trung Quốc được tuyển chọn từ khi còn rất nhỏ. Với Wu Minxia, cô bắt đầu bước vào chương trình đào tạo “gà nòi” nổi tiếng khắc nghiệt này năm 1991.

Wu Minxia được chọn nhờ ngoại hình có phần cao ráo và khuôn mặt xinh xắn hơn các bạn khác. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi nhảy cầu là một môn thể thao mang tính biểu diễn nên mọi yếu tố thẩm mĩ đều được đề cao.

154758_1

 

Tuy nhiên một cô bé 6 tuổi đứng từ độ cao 3 mét nhìn xuống mặt nước thì khó tránh khỏi sợ hãi. Wu Minxia cũng không ngoại lệ. Có lẽ khi đó cô không thể nghĩ đến việc trở thành một tượng đài ở môn nhảy cầu. Dù vậy, sau khi trải qua những bài tập hành xác và cả những chấn thương đủ các mức độ, nỗi sợ của Wu Minxia đã không còn.

“Nhảy cầu trông đáng sợ hơn thực tế. Bí quyết là bắt đầu tập từ cơ bản và nâng dần độ khó cũng như độ cao”, Wu chia sẻ. “Mỗi VĐV chỉ nên chọn 1 mức độ phù hợp với mình, và nó sẽ không còn đáng sợ nữa.”

Cách ly với gia đình

Phía sau thành công của một VĐV đương nhiên vẫn có những góc khuất.

Olympic London 2012 đưa Wu Minxia lên đỉnh cao với điểm 10 hoàn hảo nhưng đồng thời, câu chuyện cay đắng về cô cũng được hé lộ. Nhà vô địch thế giới và Olympic hoàn toàn không biết gì về sự ra đi của ông bà dù việc đó đã xảy ra từ trước giải đấu một thời gian. Không chỉ vậy, cô cũng chỉ vô tình phát hiện cả gia đình đã giấu cô chuyện mẹ bị ung thư suốt 8 năm.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Shanghai Morning, cha của Wu Minxia cho biết ông và người thân không bao giờ kể chuyện ở nhà cho con gái nghe. Nguyên nhân khá dễ hiểu: ở Trung Quốc, thành tích của VĐV luôn là điều được đặt lên hàng đầu và họ không được phép phân tâm dù có muốn hay không.

Điều này một lần nữa làm dấy lên làn sóng chỉ trích nhắm vào các tổ chức thể thao của Trung Quốc. Câu chuyện của Wu Minxia là một trong những dẫn chứng nói lên tính công nghiệp trong hoạt động đào tạo và thi đấu được áp dụng cho các VĐV nước này.

Clip: Wu Minxia vô địch Olympic 2012

 

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn