Nơi các xạ thủ giỏi nhất Quân đội Việt Nam tập bắn

Thời sựThứ Năm, 13/10/2011 06:19:00 +07:00

Trường bắn Miếu Môn từ chỗ sơ khai chỉ có một vài tuyến bắn nay đã thành Trung tâm Huấn luyện của Bộ Quốc phòng mang tầm quốc gia và quốc tế.

Trường bắn Miếu Môn từ chỗ sơ khai chỉ có một vài tuyến bắn nay đã thành Trung tâm Huấn luyện của Bộ Quốc phòng mang tầm quốc gia và quốc tế.

Đội tuyển thủ súng trường.

Bài thi nằm bắn. 

Tập trung cao độ. 

Ở khoảng cách 25m, các viên đạn từ khẩu K54 hầu như không bao giờ trượt đích. 

Khẩu đội trung liên thường có 2 người luân phiên bắn. 

Thượng tá Phạm Đình Hiếu, Chính trị viên Đoàn bắn súng quân dụng quân đội tham gia giải bắn súng quân dụng các nước ASEAN lần thứ 21 cho biết: “Trong điều kiện thi đấu các môn thể thao, bắn súng là một nội dung huấn luyện rất là đặc biệt. Chúng tôi xác định rèn luyện cho vận động viên phải tin tưởng vào khả năng của mình, tin tưởng vào vũ khí. Chúng tôi cho bộ đội luyện tập ở tất cả các loại hình, và các điều kiện thời tiết, kể cả nắng, mưa, buổi trưa, buổi chiều, và các điều kiện thích ứng với điều kiện thi đấu ở bên nước sở tại. Trường bắn Miếu Môn đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi tập luyện, thi đấu”.

Những năm 1960, trước sự phát triển của Cách mạng Miền Nam và yêu cầu xây dựng QĐND Việt Nam tiến lên chính quy, tinh nhuệ, có trình độ kỹ thuật chiến thuật cao đòi hỏi phải có một thao trường huấn luyện hiện đại để phục vụ các đơn vị Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và dân quân tự vệ nâng cao sức chiến đấu.

Ngày 2/10/1961 Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 146/CP giao 400 ha đất phía Đông núi Rạng thuộc xã Đồng Tâm và xã Thượng Lâm - huyện Mỹ Đức - tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) để Bộ Quốc phòng làm thao trường huấn luyện và kể từ ngày ấy “Trường bắn Miếu Môn” được ra đời.

Tên Trường bắn được gắn với địa danh Miếu Môn lịch sử từ thuở Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm.

Ngay sau khi được thành lập, để khẩn trương có một thao trường huấn luyện, Bộ quốc phòng đã điều những cán bộ ưu tú của các đơn vị về hình thành khung cán bộ quản lý Trường bắn, xây dựng hạ tầng cơ sở cho một thao trường chính quy.

Năm 1963, được sự đầu tư giúp đỡ của Liên Xô, các chuyên gia Xô Viết đầu tiên đã đến Miếu Môn cùng hàng trăm tấn thiết bị máy móc các loại, cùng sự phối hợp giúp đỡ của ĐH Bách khoa Hà Nội, Tổng cục Đường sắt Việt Nam.

Sau hơn 1 năm xây dựng, Trường bắn Miếu Môn đã có diện mạo của một Trung tâm Huấn luyện hiện đại nhất toàn quân lúc bấy giờ, gồm các thiết bị mục tiêu ẩn, hiện đại, di động phục vụ cho huấn luyện bộ binh, bộ binh cơ giới, Đặc công, Trinh sát… bằng điện khí hoá và cũng từ đó,

Trường bắn Miếu Môn đón hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương về huấn luyện.  Nhiều đơn vị đã từ đây xuất phát hành quân vào thẳng các chiến trường đánh giặc.

Từ năm 1961–1975, hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, sinh viên các Trường Đại học đã được huấn luyện tại đây và là lực lượng bổ sung sức chiến đấu cho các mặt trận.

Đầu năm 1968, được sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Cục Quân huấn đã tổ chức lực lượng bắn tỉa được huấn luyện tại Trường bắn Miếu Môn. Tháng 11/1968, đơn vị lên đường vào chiến trường Quảng Trị, sau 3 tháng chiến đấu đã tiêu diệt 307 tên địch; bắn cháy 2 máy bay, 2 xe bọc thép...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường bắn Miếu Môn được củng cố về tổ chức, biên chế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phục vụ các cuộc diễn tập, tập huấn, Hội thi của Bộ; phục vụ các đơn vị và lực lượng vũ trang địa phương về huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thử nghiệm vũ khí, phục vụ Không quân bắn mục tiêu mặt đất; Phục vụ đội tuyển thủ 3 môn quân sự phối hợp huấn luyện và thi đấu quốc tế và chuẩn bị bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mới.

Trường bắn Miếu Môn đã được giao thêm nhiệm vụ chuẩn bị mọi cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện cho Đoàn tuyển thủ bắn súng quân dụng tham gia các giải bắn súng quân dụng Lục quân Quân đội các nước ASEAN (AARM) tổ chức hàng năm.

Ngày 29/10/2001, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 2675/QĐ-BQP về nâng cấp Trường bắn Miếu Môn giai đoạn 1, bước đầu tập trung xây dựng các phân khu bắn súng có quy mô quốc gia và quốc tế phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện và tổ chức thi đấu giải AARM.

Đại tá Trịnh Xuân Thái tâm sự: “Đối với trường bắn Miếu Môn thì nhiệm vụ chính trị là lớn nhất. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có nhiệm vụ phục vụ, cho lớp tập huấn, hội thi, hội thao của Bộ Quốc phòng, phục vụ các đơn vị trong toàn quân về làm nhiệm vụ huấn luyện, thi đấu để bồi dưỡng các đoàn tuyển thủ quân đội tham gia thi đấu ở trong nước và các nước trong khu vực”.

Theo VOV

Bình luận
vtcnews.vn