Nỗi buồn SEA Games: Tài năng bóng đá giải nghệ ở tuổi 22

Thể thaoThứ Sáu, 29/11/2013 09:52:00 +07:00

“Tưởng chừng SEA Games 18 sẽ cho tôi tất cả, nào ngờ, đấy cũng là những khoảnh khắc cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của tôi…"

“Tưởng chừng SEA Games 18 sẽ cho tôi tất cả, nào ngờ, đấy cũng là những khoảnh khắc cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của tôi…”, cựu tiền đạo Trần Minh Chiến không giấu được nỗi buồn khi nhắc đến SEA Games 18.

Từ người thừa đến người hùng

“Để chuẩn bị cho SEA Games 18, ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Karl Heinz Weigang đã đi tập huấn tại CHLB Đức. Với mối quan hệ rộng của HLV này, chúng tôi được thi đấu với rất nhiều CLB châu Âu. Nhờ sự va đập liên tục, toàn đội đã trưởng thành rất nhanh chóng.

Đến với  SEA Games 18, tôi được kỳ vọng rất nhiều bởi là Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐQG năm 1995. Nhưng không phải ai cũng biết, đó là thời điểm đầu gối của tôi gặp vấn đề. Tôi vẫn đi theo đội và hoàn thành những bài tập khá tốt nhưng trong một trận giao hữu, sau cú va chạm rất mạnh với đối phương, chân tôi đã tái phát chấn thương.

Minh Chiến trong màu áo ĐTVN

Dẫu vậy, thầy Weigang vẫn đặt niềm tin và chờ tôi phục hồi. Khát vọng cộng với sự máu lửa của tuổi đôi mươi, tôi vẫn nung nấu ý chí lên đường. Việt Nam mở hàng SEA Games 18 với trận thắng Malaysia 2-0, như thế là quá ổn. 

Nhưng đến trận thứ hai, chúng ta đã để thua 1-3 trước Thái Lan và lòng tôi như lửa đốt. Vì thế, tôi đã gặp trực tiếp thầy Weigang để xin được vào sân ở trận gặp Campuchia. Trận này, tôi đã ghi bàn góp công vào chiến thắng 4-0 của đội nhà. Tuy nhiên, lại thêm một lần nữa chấn thương hành hạ và khiến tôi phải làm khán giả trong trận chiến “sinh tử” với Indonesia. Cũng may, ĐT Việt Nam vượt qua đối thủ với tỷ số sát nút.


Trước trận bán kết với Myanmar, tôi đã chủ động xin thầy Weigang được chích thuốc giảm đau vào thẳng đầu gối nhưng lời đề nghị này đã bị bác bỏ bởi các bác sĩ cho biết, trong thuốc giảm đau có chất cấm trong xét nghiệm doping. Tôi đã nghĩ, mình không còn cơ hội.

Minh Chiến cùng các đồng đội thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam

Sự thật, chúng ta đã bị đặt thế “cửa dưới” bởi ở thời điểm đó Myanmar rất mạnh. Khi Huỳnh Đức ghi bàn gỡ hòa 1-1 và đội bạn đã bị đuổi 2 người, ĐT Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cũng khá bất ngờ, tôi được tung vào sân và điều kỳ diệu đã đến. Hồng Sơn treo bóng vào, sau một nhịp đỡ bóng, tôi quăng chân và lưới Myanmar đã rung lên. 

ĐT Việt Nam vào chơi chung kết, một khoảnh khắc lịch sử với cá nhân tôi và cả nền bóng đá Việt Nam.


Tuổi 22 treo giày

Người Thái quá mạnh và chúng ta đã thua họ trong trận chung kết. Nhưng với chiếc HCB thôi, chúng tôi cũng đã trở thành những “người hùng”. Tôi trở về với khoản tiền thưởng lên đến gần 100 triệu đồng, đời ngỡ như mơ, một tương lai màu hồng mở ra.
Minh Chiến và thầy Weigang

Sau đó, tôi và Hồng Sơn đã được sang Đức và ở nhà thầy Weigang đến 35 ngày để điều trị chấn thương. Mọi thứ tạm ổn, tôi trở lại thi đấu cho Công an TP.HCM tại Cúp Bình Dương 1996. Với cái chân chưa thật khỏe khoắn nhưng giải đó tôi đã “ẵm” danh hiệu Vua phá lưới.

ĐTQG tập trung, tôi lại được thầy Weigang gọi lên. Ở thời điểm đó, chúng tôi phải tập giáo án rất nặng. Tôi đã cố theo nhưng dường như sự quá tải đã khiến cái đầu gối của tôi gần như hỏng hẳn.

Và rồi trong một buổi đấu tập chuẩn bị cho Tiger Cup 1996, chuyện gì đến cũng phải đến: Từ một tình huống sát cầu môn, tôi thực hiện cú đi bóng rất khó, Hữu Thắng (HLV của SLNA hiện nay) thấy tôi chấn thương nên đã không dám lao ra mạnh mẽ; tôi đã qua người rất ngọt nhưng khi đặt lại chân trụ thì hỡi ôi cái đầu gối của tôi như muốn tách làm đôi. Được nhấc lên băng ca, tôi biết mọi thứ đã chấm hết, thế giới như sụp đổ trước mắt.

Tôi không tin, ở tuổi 22 mà mình phải nói lời giã từ sân cỏ!


HLV Minh Chiến
Minh Chiến đang làm khá tốt công tác đào tạo trẻ

Mỗi lần sau đó, cứ chứng kiến các đồng đội thi đấu và gặt hái thêm những thành công, tôi lại cảm thấy tiếc cho sự nghiệp của mình sao lại quá ngắn đến vậy. Nhưng biết làm sao được, cuộc đời không ai nói trước được điều gì cả.

Trong sự khổ đau, tôi vẫn thấy mình có được những niềm vui bởi “Thế hệ vàng” ngày ấy đã và đang góp sức cho bóng đá Việt Nam trên cương vị cầu thủ và bây giờ là huấn luyện viên. Với tôi, tôi bằng lòng với nghề “gõ đầu trẻ”, công việc đào tạo thế hệ trẻ cho BĐVN ở lò PVF (Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam).

Theo Đức Nguyễn (Bóng đá)

Bình luận
vtcnews.vn