Nỗi ám ảnh xe đạp điện: Chuyên gia hiến kế dẹp loạn

Thời sựThứ Năm, 14/05/2015 12:38:00 +07:00

Chuyên gia cho rằng xe đạp điện, xe máy điện giống như xe máy, không có giấy tờ thì coi như xe ăn cắp và phải xử lý thật nghiêm với các trường hợp vi phạm.

(VTC News) – Chuyên gia cho rằng xe đạp điện, xe máy điện giống như xe máy, không có giấy tờ thì coi như xe ăn cắp và phải xử lý thật nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Với sự xuất hiện của hàng chục triệu xe máy, các đô thị lớn trong cả nước luôn luôn xảy ra cảnh tắc đường triền miên. Xe máy cũng được coi là phương tiện gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất.

Cách đây khoảng 20 năm, ông Phạm Chánh Trực khi đó là Phó chủ tịch UBND TP HCM dường như biết trước "vấn nạn" mà xe máy sẽ gây ra nên đã đưa ra đề xuất cấm xe máy nhưng việc này không được thực hiện.
Số lượng xe đạp điện, xe máy điện đang gia tăng nhanh chóng.  
Sự gia tăng nhanh chóng của xe đạp điện, xe máy điện hiện nay khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện xe máy đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Sự "dễ dãi" với xe đạp điện, xe máy điện liệu có khiến số lượng phương tiện này gia tăng, thậm chí còn hơn cả xe máy và là nỗi ám ảnh giao thông trong tương lai?

* GS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải:
- Hiện nay, số lượng xe máy điện, xe đạp điện đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước đối với loại phương tiện này còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ông có nghĩ rằng, xe máy điện, xe đạp điện xuất hiện với số lượng lớn sẽ là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông hay không?

Điều đó là đương nhiên rồi.

- Từ 20 năm trước, đã có đề xuất cấm xe máy nhưng chưa được thực hiện. Hiện nay, số lượng xe máy quá nhiều, giao thông tại các đô thị lớn cũng vì thế mà lâm vào cảnh ùn tắc. Ông có lo ngại, xe đạp điện, xe máy điện rồi cũng sẽ đi vào “vết xe đổ” của xe máy?

Không phải vết xe đổ mà đó là quy luật phát triển tự nhiên do nhu cầu của con người và còn phát triển mạnh nữa. Nhưng chúng ta không thể cấm được. Vấn đề là chúng ta làm sao đảm bảo cho người dân đi lại được an toàn, thuận tiện. Còn việc cấm nhu cầu người dân đi là không được.


Có đăng ký hay không là do các cơ quan nhà nước không làm. Bây giờ, công an thấy xe máy điện không có biển số, xe nhập lậu thì cứ tuýt còi xử lý đi đã. Như thế người ta sẽ sợ hết. Nhưng công an không làm.

GS.TS Nguyễn Văn Thụ
Tôi cho rằng khi nào hệ thống giao thông công cộng phát triển tốt thì người dân sẽ tự động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng. Bản thân tôi hiện nay cũng thường xuyên đi xe bus, tôi rất ngại đi xe máy.

Tôi ví dụ, vào những hôm mưa gió thì đi xe máy hay đi xe bus sướng hơn. Nếu các phương tiện công cộng nhanh hơn, sướng hơn thì ai người ta đi xe máy, xe đạp điện nữa.

- Luật pháp hiện nay không quy định người người điều khiển xe đạp điện và xe máy điện phải có bằng lái.  Điều này có hợp lý hay không, thưa ông?

Theo tôi thì không hợp lý. Xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ khá cao và sẽ rất nguy hiểm nếu người điều khiển không hiểu luật, không có bằng lái.

Luật pháp hiện hành không yêu cầu người điều khiển các loại xe dưới 50 phân khối phải có bằng lái. Nhưng xe máy điện, xe đạp điện thì có phân khối đâu. Phân khối là dung tích của xi lanh.

Luật là do mình tạo ra. Vào thời điểm Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực (2008) thì mới có xe động cơ 4 kỳ, 2 kỳ... Bây giờ sinh ra xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ khá cao thì phải bổ sung luật chứ.

Chẳng hạn, mấy chục năm trước đâu có mũ bảo hiểm. Bây giờ có thì bổ sung quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe gắn máy.

- Còn về việc xe đạp điện không cần phải đăng ký thì sao, thưa ông?

Dứt khoát cần phải bổ sung quy định bắt buộc đăng ký đối với cả xe đạp điện. Hàng hóa thì phải có xuất xứ, có hóa đơn chứng từ. Nếu không bắt buộc đăng ký sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng.

- Theo lý giải của các cơ quan chức năng thì rất nhiều xe máy điện được nhập lậu về Việt Nam, người dân không có giấy tờ gốc nên không đăng ký được. Ông có ý kiến gì về điều này?

Có đăng ký hay không là do các cơ quan nhà nước không làm. Bây giờ, công an thấy xe máy điện không có biển số, xe nhập lậu thì cứ tuýt còi xử lý đi đã. Như thế người ta sẽ sợ hết. Nhưng công an không làm.

Phải xử lý thật nghiêm với các trường hợp vi phạm. Giống như xe máy, không có giấy tờ thì coi như xe ăn cắp. Có như vậy thì người dân sợ mà phải đi đăng ký, không mua những xe nhập lậu, xe không có xuất xứ rõ ràng nữa.
Việc đăng ký và xử lý vi phạm với xe máy điện, xe đạp điện đang được 'thả nổi'.

* Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ - đường sắt:
- Thưa ông, tai sao hiện nay chúng ta không mấy khi thấy xe máy điện đi trên đường có gắn biển số và cũng không mấy khi bị CSGT xử phạt?

Theo quy định pháp luật, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay còn rất nhiều xe máy điện chưa được đăng ký, cấp biển số. 

Trước đây thì ít có xe máy điện. Nhưng sau khi chúng ta siết lại vấn đề đi xe mô tô, xe gắn máy của người dân, đặc biệt là việc kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp chưa đủ tuổi đi xe mô tô. 

Video: Nữ sinh lượn lách trên xe đạp điện


Trong khi đó, nhu cầu đi lại của học sinh là rất lớn. Phụ huynh lại không có điều kiện đưa đón con em mình. Nếu để học sinh đi xe mô tô thì không đúng luật vì chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái. 
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của xe máy điện, xe đạp điện đang gia tăng áp lực đối với giao thông Việt Nam.

Đáp ứng nhu cầu này nên xe máy điện tràn về và hiện rất phổ biến. Hiện nay số lượng quá nhiều, xử lý không xuể. Việc xử lý chỉ là phần ngọn thôi. Tôi ví dụ, khi thấy đèn đỏ, mọi người phải dừng lại trước vạch. Nếu một hai người nhô lên còn xử phạt được. Nhưng hàng trăm người vượt đèn đỏ thì xử thế nào?


Luật đã có rồi, nhưng phải tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nắm được và tự giác tuân thủ. Khi đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều mà người dân vẫn cố tình vi phạm thì bắt đầu xử phạt thật nghiêm.

Đại tá Trần Sơn
Chính vì thế, để giải quyết được vấn đề này thì chúng ta cần phải có lộ trình. Luật đã có rồi, nhưng phải tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nắm được và tự giác tuân thủ. Khi đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều mà người dân vẫn cố tình vi phạm thì bắt đầu xử phạt thật nghiêm.

- Quy định hiện nay có khó khăn gì cho người muốn đăng ký xe máy điện hay không?

Có đủ giấy tờ thì người dân vẫn đi đăng ký bình thường như đối với xe máy chứ không khó khăn gì cả. Nhưng vấn đề là hiện nay nhiều xe không có giấy tờ gốc. 

Trường hợp này phải yêu cầu nơi bán cung cấp các giấy tờ gốc theo quy định. Nếu đơn vị bán xe cho người dân mà không cung cấp giấy tờ thì phải có chế tài kiểm tra, xử lý.

Đối với trường hợp không có giấy tờ là xe nhập lậu, không thể đăng ký được.

- Liệu 10 năm nữa, số lượng xe đạp, xe máy điện quá nhiều sẽ gây ra cảnh tắc đường và chúng ta lại phải nghĩ tới việc hạn chế loại phương tiện này hay không?

Phương tiện gì nhiều thì cũng dẫn tới ùn tắc. Việc gia tăng số lượng xe đạp điện, xe máy điện là do nhu cầu của xã hội. Người dân thấy tiện thì mua. Người bán thì thấy có cầu thì người ta cung cấp. Nhà nước phải có biện pháp quản lý hợp lý.

Điều này cũng giống như việc quản lý nông sản dưa hấu, hành tím... hiện nay. Dân cứ thế trồng, các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền cho dân là đã bão hòa rồi không nên trồng nữa, đồng thời phải có chính sách lo đầu ra cho dân. 

Hiện Chính phủ đã có Nghị quyết đề cập tới lộ trình thực hiện hạn chế xe máy tại một số thành phố lớn. Hạn chế thì phải đi đôi với việc phát triển vận tải công cộng. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn