Nỗi ám ảnh về ngộ độc rượu mỗi dịp Tết

Sức khỏeThứ Hai, 19/02/2018 11:25:00 +07:00

Dịp Tết cổ truyền đi qua các lễ hội mùa xuân tiếp tục cận kề và rượu vẫn là nỗi lo thường trực đối với các chuyên gia y tế.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu với quy mô lớn, sản xuất khoảng 360 triệu lít rượu/năm; các cơ sở sản xuất nhỏ có sản lượng dưới 1 triệu lít/năm và các hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.

ngộ độc rượu,xơ gan,bệnh viện Bạch Mai

Bệnh nhân nhập viện điều trị, chịu tác hại do rượu gây ra tại Bệnh viện Bạch Mai

Vấn đề chất lượng và an toàn của loại đồ uống này đang là vấn đề "nóng" trong toàn xã hội. Ngoài các hệ lụy như gây tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông thì ngộ độc rượu luôn là vấn đề đáng báo động.

Năm 2017, rượu không chỉ gây ra 11 ca tử vong, 115 người nhập viện điều trị, số lượng vụ mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, mà còn làm tăng thêm các vấn nạn xã hội khác.

Rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và gây ra 60 loại bệnh khác nhau và tăng tỉ lệ người nhập viện điều trị tâm thần do sử dụng rượu lên 6%.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến mùng 2 Tết Mậu Tuất, cả nước có 388 trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu trên tổng số gần 1400 trường hợp nhập viện điều trị do ngộ độc.

Trước thực trạng ngộ độc rượu vẫn tiếp tục gia tăng trong dịp Tết cổ truyền và thời điểm Lễ hội mùa xuân đang tới gần, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác do rượu, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

- Không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Trẻ em dươi 18 tuổi không uống rượu bia.

- Đặc biệt không uống rượu bia khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.

- Lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguy cơ uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp gây những vấn đề nghiêm trọng, ngộ độc khi uống phải, thậm chí tử vong.

- Trong trường hợp có uống rượu, để phòng ngừa ngộ độc rượu, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

1.  Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt hoặc tử vong

2. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân

3. Không uống rượu khi: Không biết rõ đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Video: Số ca ngộ độc rượu tăng chóng mặt trong dịp Tết Mậu Tuất

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy:

-1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%);

- 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%);

- hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn