Nỗi ám ảnh ‘văn hoá thang máy giờ cao điểm’

Bạn đọcThứ Sáu, 03/06/2016 11:19:00 +07:00

Gần 20 năm làm việc ở các toà nhà cao tầng, thang máy giờ cao điểm ngày càng ám ảnh tôi.

Những nơi tôi từng làm việc đều nằm ở các toà nhà cao tầng nên vì thế chiếc thang máy ngày ngày gắn bó với tôi suốt gần hai chục năm qua. Từng ấy thời gian giúp tôi nghiệm ra rằng tuyệt đại đa số nhân viên công sở làm việc ở các toà nhà cao tầng đều không có chút văn hoá thang máy nào.

Đáng lẽ họ phải là những người có ý thức cao nhất khi đi thang máy để từ đó truyền ‘văn hoá thang máy’ cho những bộ phận khác, trong đó có dân cư khu đô thị cao tầng. Vậy mà ngược lại, thang máy dù đã có ở ta từ rất sớm, nhưng ‘văn hoá thang máy’ thì cho đến giờ vẫn chưa vào đến ta.

thang may gio cao diem

 Giờ cao diểm, thang máy trở thành nỗi ám ảnh của không ít người.

Toà nhà nơi tôi làm việc cao đến gần 40 tầng, có tới hàng trăm công ty với số lượng nhân viên lên tới hàng ngàn người. Trong khi đó, toà nhà chỉ có 6 thang máy chở người và 1 thang máy lớn chở hàng. Có ba khung giờ: Từ 7h50 đến 9h00, 11h30 đến 12h30 và 16h30 đến 17h30 là những khung giờ cao điểm, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Dòng người xếp hàng chờ thang máy chật cứng ở sảnh, không còn chen chân được nữa.

Thời gian chờ trung bình đối là 10 phút cho một người mỗi chuyến thang máy. Tính kiên nhẫn của người Việt ta có hạn. Đến chỗ này cũng xin nói thêm chút về tính kiên nhẫn của người Việt ta. Nói vô phép chứ ta làm gì có tính kiên nhẫn. Không tin quý vị cứ thử ra đường lúc đông người mà xem.

Từ làn đường bên phải, họ sẵn sàng lao tràn hết sang làn bên trái, chặn hết tất cả các phương tiện hướng ngược lại. Và hai bên cứ đứng thế nhìn nhau, chẳng ai đi được nữa. Thắc mắc thì họ quắc mắt: “Đường đông. Thắc mắc cái gì?”

Đấy là ở nơi không có dải phân cách cứng. Nếu có, họ sẵn sàng hò reo khiêng xe máy đặt sang bên kia để đi ngược chiều. Còn dải phân cách là thảm cỏ ư? Thì họ sẽ khiêng xe máy lên và biến thảm cỏ mềm mượt thành đường thênh thang cho xe chạy thôi.

Quay lại chuyện thang máy. Tôi có nhắc đến chuyện toà nhà nơi tôi làm việc cao đến gần 40 tầng nên lúc nào thang máy cũng tấp nập, nhất là những khung giờ cao điểm. Vào giờ ấy, quý vị sẽ được chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn y như trong phim “Nhà trắng thất thủ”. Nhân viên văn phòng ồ ạt ra thang máy chờ lên, xuống. Những con mắt chăm chú hướng về màn hình hiển thị số tầng.

 
Thang máy vừa mở cửa, không ai bảo ai, họ đồng loạt xông vào như lính Mỹ đột nhập vào hang ổ Bin Laden.

Thang máy vừa mở cửa, không ai bảo ai, họ đồng loạt xông vào như lính Mỹ đột nhập vào hang ổ Bin Laden. Ai cũng cố nhanh chân chen vào. Khổ cho những người bên trong muốn ra ngoài. Họ cố đẩy đám người đang xông vào ra khỏi thang, chen ra khỏi đám người đen đặc đang gắng sức đẩy ngược họ lại. Không có sự nhường nhịn nào hết. Phải khó nhọc và vận dụng mọi kỹ năng cần thiết, những người bên trong thang máy mới thoát được ra ngoài.

thang may toa nha

Toà nhà ngày càng lấp đầy, nhân viên đến làm việc ngày càng đông. Giấc mơ ‘văn hoá thang máy ngày càng xa’... 

Có lần làm việc xong, tôi tiễn anh bạn làm việc cho một cơ quan đại diện của Đức tại Việt Nam xuống thang máy. Anh này học ở Đức từ nhỏ nên rất quy củ, nền nếp. Thang máy xuống đến sảnh tầng G vừa mở cửa, đám đông lập tức xông vào, dù nhìn thấy hai chúng tôi đang bước ra. Anh bạn tôi dang hai tay dùng hết sức bình sinh đẩy đám người ra ngoài, miệng thét lớn: “Để cho tôi ra đã. Các người làm gì vậy?” Mặc cho anh đẩy và thét, đám người vẫn cứ xông vào đứng chật thang máy, không cho chúng tôi thoát ra ngoài. Cửa đóng, tôi và anh bạn phải quay trở lại tầng trên rồi lại bắt đầu hành trình gian nan xuống thang máy như cũ.

Tôi hiểu sự bất bình của anh. Anh bảo anh không so sánh môi trường văn hoá ở ta và nơi anh từng sinh sống từ nhỏ. Nhưng người làm trong môi trường nhà cao tầng cần phải hiểu văn hoá tối thiểu khi đi thang máy, đó là đứng hai bên thang chờ người bên trong nhanh chóng đi ra hết rồi trật tự đi vào.

Còn điều nữa khi đi thang máy cứ ám ảnh tôi. Đấy là bị ép buộc phải nghe những cuộc nói chuyện điện thoại. Họ vô tâm hay cố tình muốn người khác nghe cuộc nói chuyện của mình, tôi không biết. Nhưng đủ thứ chuyện, từ hẹn đi mua váy ở nơi nào đó đang sêu (giảm giá), gọi cho chồng đón con, hẹn bồ đi cafe, mời bạn đi nhậu..., họ đều bô bô công khai hết.

Toà nhà ngày càng lấp đầy, nhân viên đến làm việc ngày càng đông. Giấc mơ ‘văn hoá thang máy ngày càng xa’...

Ngọc Tước
Bình luận
vtcnews.vn