Nỗi ám ảnh ung thư võng mạc 'ăn' mắt, não trẻ nhỏ

Bệnh và thuốcThứ Năm, 19/05/2016 07:20:00 +07:00

Nhiều người tưởng con bị đau mắt, tắc tuyến lệ nhưng không ngờ con mắc u nguyên bào võng mạc khiến phải bỏ mắt, thậm chí khối u xâm lấn não gây nguy hiểm.

(VTC News) – Tưởng con bị đau mắt, tắc tuyến lệ, chị Nhân đưa con trai 5 tháng tuổi đi khám thì bàng hoàng nhận kết quả con mắc u nguyên bào võng mạc, phải bỏ mắt, thậm chí đối diện nguy cơ mất mạng vì khối u xâm lấn não.

Đó là trường hợp của mẹ con chị Nguyễn Thị Nhân (quê ở Nam Định) và con trai 5 tháng tuổi Trần M.H. Cháu H. mắc ung thư võng mạc hay còn gọi là u nguyên bào võng mạc, hiện đang điều trị tại Bệnh viện K 3 Tân Triều.

Chia sẻ về câu chuyện của con trai mình trong nước mắt nghẹn ngào, chị Nhân tâm sự muốn các bà mẹ khác cũng biết về căn bệnh của con để có biện pháp phòng tránh, nhận diện các dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm, bảo toàn tính mạng và đôi mắt cho các con.
Một cháu bé bị u nguyên bào võng mạc
"Khi H mới sinh được khoảng 15 ngày thì mắt trái lúc nào cũng ướt như ngấn lệ, đùn nhiều gỉ. Tôi cứ nghĩ cháu chỉ bị đau mắt sữa bình thường nên đưa cháu đi khám ở bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

Cháu được cho thuốc uống 1 - 2 tháng, mắt trái đỡ, không còn gỉ nhưng vẫn ướt. Khi cháu được 3 tháng, tôi bỗng thấy lòng đen mắt trái giãn ra và to hơn mắt còn lại. Đưa con đi khám một lần nữa thì bác sỹ ở bệnh viện tuyến tỉnh cho biết cháu bị viêm tuyến lệ và chuyển lên viện Nhi TW để thông tuyến lệ. Nhưng đến khi làm xét nghiệm siêu âm, tôi như chết đứng trước thông tin con bị u nguyên bào võng mạc.

Tôi không hiểu vì sao con nhỏ thế mà đã có khối u trong mắt. Nhiều ngày đêm cứ liên tục dằn vặt mình liệu phát hiện sớm hơn, con tôi có giữ được mắt không?", chị Nhân đau đớn nói.

"Khi phát hiện bệnh, cháu được phẫu thuật bỏ mắt trái. Tôi cứ nghĩ mổ mắt xong cho con là khỏi, nhưng sau đó cháu phải lên bệnh viên thường xuyên mỗi tháng 1 lần để điều trị tiếp. Còn nhỏ thế mà cháu đã phải trải qua các đợt xạ trị, truyền hóa chất để ngăn chặn tế bào ung thư xâm lấn sang con mắt còn lại và tấn công vào não do khối u phát triển với tốc độ rất nhanh.

Đến nay cháu đã được truyền hóa chất lần thứ 3, sức khỏe tạm thời đang cơ bản ổn định", chị Nhân kể tiếp.

Hiện, chị và chồng đang cố gắng mỗi ngày, vượt qua nỗi đau đớn để cùng con chiến đấu với bạo bệnh.

Tìm hiểu về căn bệnh quái ác cháu H. mắc phải, PV VTC News được Ths - BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, Bệnh viện K3 Tân Triều cho biết, u nguyên bào võng mạc là bệnh ác tính hay gặp nhất ở mắt. Khối u bắt nguồn từ võng mạc (retina) - tầng nhạy cảm với ánh sáng của mắt giúp mắt có thể nhìn được. Căn bệnh này có thể gây mù lòa, thậm chí là tử vong ở trẻ nhỏ.

Theo bác sỹ Hương, tại bệnh viện K, tuổi các bệnh nhân mắc bệnh trung bình là 11,6 tháng, tối thiểu là các ca phát hiện bệnh ngay khi sinh ra, tối đa  là trường hợp trẻ đã 50 tháng tuổi. Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 18,3 tháng, được chẩn đoán sớm nhất lúc 3 tháng và muộn nhất là 60 tháng. 


Về nguyên nhân ung thư võng mạc, bác sỹ Hương cho biết là do gen từ bố mẹ hoặc do đột biến gen. Biểu hiện lâm sàng tuỳ theo giai đoạn bệnh. Nếu bệnh ở vào giai đoạn khá muộn mắt sẽ có đồng tử trắng, giảm thị lực và mắt lác.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như đồng tử giãn và mất phản xạ, mống mắt bạc màu, ngấn máu tiền phòng hoặc viêm, tổ chức hốc mắt không nhiễm khuẩn, viêm nội nhãn. Mắt đỏ, đau nhức do tăng nhãn áp thứ phát.

Các dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào kích thước của khối u và biến chứng gây ra tại mắt. U có thể tiến triển vào trong buồng dịch kính cũng như ra tiền phòng tạo thành những nốt ở mống mắt. U thẩm lậu vào mống mắt làm biến đổi màu sắc, mống mắt bị bạc màu.

U tiến triển về phía sau nhãn cầu như xâm lấn vào thị thần kinh, lan ra hốc mắt và gây di căn xa. U lan tràn qua thị thần kinh hoặc khoang dưới màng nhện vào nội sọ. U xâm nhập vào xương hộp sọ, vào tuỷ sống và các hạch bạch huyết tại chỗ. Tế bào u có thể vào mạch máu và theo đó vào các nội tạng. Một số trường hợp phát hiện bệnh tình cờ do khám mắt cho trẻ sơ sinh đẻ non hoặc khám mắt cho trẻ tại trường học.

 Video: Phát hiện ung thư vú nhờ cái ôm của chồng  
Bác sỹ Hương cho biết, 56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu đồng tử trắng. Khi đó mắt thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như "mắt mèo", "mắt thú", "mắt có ánh sáng lập lòe", "mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ". Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.

34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu mắt lác. Đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có ung thư võng mạc. Lé cũng là một biểu hiện thường gặp của tật khúc xạ, cần được phát hiện, điều trị sớm. 8% trường hợp bệnh được phát hiện vì có dấu hiệu thị lực kém.

Dựa trên bệnh cảnh, bác sỹ sẽ lựa chọn phương thức điều trị phụ thuộc vào tiên lượng thị lực, kích thước và vị trí khối u, có hay không có gieo mầm vào pha lê thể hoặc dưới màng lưới, tuổi bệnh nhân.

Điều trị chuẩn bao gồm phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, tia xạ với nguồn tia từ ngoài vào, tia xạ với các tấm mỏng có hoạt tính phóng xạ (I – 125), nhiệt lạnh, cắt bằng tia laser và hóa chất.

Cũng theo Ths – BS Phạm Hương, tỷ lệ sống thêm 5 năm của trẻ em mắc u nguyên bào võng mạc ở Mỹ là trên 90%. Nếu có di căn thì thường di căn trong vòng 1 năm chẩn đoán. Trẻ sống thêm không tái phát 5 năm được coi là chữa khỏi.


Kiến Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn