Nỗi ám ảnh sau những chuyên án buôn người

Thời sựThứ Sáu, 17/08/2012 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Những chuyên án buôn người ly kỳ, mạo hiểm đã được người chiến sĩ công an trẻ và đồng đội triệt phá trước sự ngỡ ngàng của tội phạm.

(VTC News) – Những chuyên án buôn người ly kỳ, mạo hiểm đã được người chiến sĩ công an trẻ và đồng đội triệt phá trước sự ngỡ ngàng của tội phạm.

Là một trong 20 gương mặt trẻ được Bộ Công an vinh danh “Thanh niên Công an tiêu biểu làm theo lời Bác: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” năm 2012, Thượng úy Phạm Hồng Quân, công tác tại Đội CS điều tra về Tội phạm mua bán người (Đội 12), Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với VTC News về những kỷ niệm phá án.

Phạm Hồng Quân sinh ra trong một gia đình truyền thống ở Hà Nội, bố anh vốn công tác trong ngành công an nên từ nhỏ anh đã phấn đấu thực hiện ước mơ trở thành chiến sỹ công an.

Thượng úy Phạm Hồng Quân.

Tốt nghiệp THPT, Phạm Hồng Quân đăng ký thi vào trường công an nhưng tại thời điểm đó, anh không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Tạm dừng lại ước mơ, anh chuyển sang học ngành Kinh tế của Viện Đại học Mở Hà Nội.


Năm 2003, ngành công an mở rộng tuyển những người tốt nghiệp các ngành dân sự, đúng lúc Phạm Hồng Quân tốt nghiệp, anh nhanh chóng nộp hồ sơ và trúng tuyển. Từ đây, anh công tác ở Đội Trọng án, CA tỉnh Hà Tây (cũ).

Mới công tác, bản thân chưa được trải qua nhiều với nghiệp vụ của ngành, lại thường xuyên đối mặt với những vụ án hóc búa, có nhiều người chết, ban đầu Phạm Hồng Quân rất bỡ ngỡ. Như nhận thức được "điểm yếu" của mình, anh ngày đêm phấn đấu để học tập nghiệp vụ thông qua đồng nghiệp.

Năm năm làm điều tra trọng án, Phạm Hồng Quân không ai khó ngại khổ, ở đâu có trọng án, anh là người đến hiện trường đầu tiên và rời khỏi hiện trường sau cùng khi mọi dấu vết đã được thu thập đầy đủ, kỹ lưỡng.

Khi chúng tôi hỏi, việc tiếp xúc nhiều với người chết trong nhiều trường hợp có làm anh bị ám ảnh? Thượng úy Quân cho biết, anh không sợ hãi hay bị ám ảnh nhưng mỗi lần tiếp xúc, trong anh lại hiện lên những suy nghĩ, trăn trở tại người đó chết như thế nào và tại sao họ lại chết?

Suy nghĩ đó chính là động lực để anh quyết tâm, tìm ra thủ phạm gây án.

Tháng 8/2008, sau khi Hà Nội và Hà Tây (cũ) sát nhập, Phạm Hồng Quân được phân về Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về mua bán người (Đội 12), Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội. Từ đó đến nay, anh đã cùng đồng đội phá nhiều vụ án, lập chiến công xuất sắc.

Hà Nội cuối tháng 3/2011, trong cơn mưa tầm tã, một phụ nữ đau đớn đến Phòng Hình sự trình báo việc con gái 14 tuổi của mình bị nhóm đối tượng lừa qua mạng Internet rồi bị bắt, bán sang Trung Quốc.

Vào cuộc điều tra, Phạm Hồng Quân cùng đồng đội đã nhanh chóng xác định được dấu vết đối tượng. Biết thủ đoạn của đối tượng là lừa qua mạng, Phạm Hồng Quân bèn đóng giả một cô gái tuổi “teen”, dùng nickname chát với đối tượng để dụ đối tượng xuất đầu lộ diện.

Ròng rã một tháng, Thượng úy Phạm Hồng Quân đã xác định một đối tượng tên “Tý” có tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi (SN 1997, ở bãi rác Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) và nhanh chóng tổ chức lực lượng vây bắt.

Cùng ngày, qua lời khai của Phi, cảnh sát cũng thực hiện bắt khẩn cấp đối với tên “Hoàng”, tên thật là Vũ Văn Ca (SN 1989, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai).

Đây chính là đối tượng đầu vụ đã cấu kết với Phi lên kế hoạch dụ dỗ, lừa bán cháu bé sang Trung Quốc. Từ lời khai của hai đối tượng, Thượng úy Quân và đồng đội xác định được những đầu nậu mua người ở bên kia biên giới.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác Đội 12 đã phục kích, đón lõng 2 nữ tú bà về trở lại Việt Nam “ăn hàng” là Lê Thị Toan (SN 1989, ở Thường Tín, Hà Nội) và Bùi Bích Tường (SN 1972, ở Hạ Hòa, Phú Thọ) và bắt giữ.


Ngay sau đó, Thượng úy Quân và đồng đội đã hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở, đồng thời phối hợp với Interpol và Cảnh sát Trung Quốc tổ chức giải cứu nạn nhân thành công.

Hai đối tượng mua bán người sang Trung Quốc hầu tòa sau khi bị bắt.

Đầu tháng 11/2011, Hà Nội xảy ra vụ bắt cóc trẻ em ở viện C chấn động đúng lúc Phạm Hồng Quân kết thúc tuần trăng mật sau ngày cưới vợ.

Nhận được tin báo, anh cùng đồng đội nhanh chóng xuống hiện trường xác minh. Với tính chất nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo CATP Hà Nội, Phòng CSHS đã có chỉ đạo phá án khẩn cấp.

Đặt mình vào vị trí của người bố, người mẹ khi con bị bắt cóc, Phạm Hồng Quân ngày đêm thu thập chứng cứ, tài liệu điều tra để phá án sớm nhất.

Sau cuộc họp ở Quận Hoàn Kiếm, rồi họp ở Phòng hình sự, ban chuyên án được lập ra, đội 12 làm chủ công, Thượng úy Quân trong vài trò thư ký, trực tiếp tham gia phá án.

Sau khi có tài liệu, Thượng úy Quân cùng 70 trinh sát tinh nhuệ thuộc Phòng CSHS và Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chia thành nhiều mũi đi các tỉnh, xới tung những nơi nghi vấn, đặc biệt là trường hợp những cháu bé vừa được đưa về gia đình từ các bệnh viện, hoặc những trường hợp phụ nữ có bầu nhưng không sinh được con…tìm bé bị bắt cóc ở bệnh viện phụ sản Trung ương.

Cùng lúc đó, ban chuyên án nhận được thông tin từ lái xe taxi Nguyễn Xuân Việt – hãng taxi Tuấn Linh về nghi can bắt cóc cháu Trường.

Trong hạnh phúc ngày cháu bé bị bắt có ở Viện C được giải cứu có chiến công thầm lặng của Thượng úy Quân và đồng đội.

Ngay sau đó, lực lượng điều tra phối hợp với công an quận Đông Anh giải cứu thành công cháu bé, mang về trả lại gia đình, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Lệ.

Trong niềm vui vỡ òa của viện C ngày đưa cháu bé trở về, Thượng úy Phạm Hồng Quân thở phào nhẹ nhõm…

Trước đó, năm 2010, Phạm Hồng Quân tham gia giải cứu một cháu bé 10 ngày tuổi bị bắt cóc từ TP HCM đưa ra Hà Nội để tìm cách bán sang Trung Quốc.

Sau khi giải cứu được cháu bé, do mới được 10 ngày tuổi nên tổ công tác phải đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương để các bác sĩ chăm sóc cho cháu.

Trong lúc làm thủ tục nhập viện cho cháu, do không ai biết tên cháu, lại đang lúc vội vàng nên mấy anh em quyết định đặt tên cho cháu là Phạm Hồng Quân – trùng tên với Thượng uý Quân, người lập công đầu trong cuộc giải cứu.


“Hiện cháu đang được nuôi dưỡng ở làng trẻ SOS Hà Nội, chắc chắn sau này cháu bé lớn tìm hiểu và sẽ biết mình tại sao lại mang tên đó. Với tôi đây là một điều đặc biệt và cả đời không quên. Và đó cũng chính là nỗi ám ảnh ngày đêm, khi mà còn nhiều tội phạm đang nhởn nhơ ngoài xã hội coi con người là một loại mặt hàng để mua bán. Đó là nhiệm vụ mà chúng tôi phải cương quyết ngăn chặn” – Thượng uý Quân chia sẻ.

Với những chiến công đạt được, Thượng uý Phạm Hồng Quân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 1 bằng khen của UBND TP Hà Nội; được Giám đốc Công an Thành phố công nhận Người tốt, việc tốt quý II, quý III-2011; là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2011; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2011; Đảng viên trẻ tiêu biểu Thủ đô 2012.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn