Nỗi ám ảnh Ebola đang bủa vây khắp thế giới

Thế giớiThứ Bảy, 09/08/2014 07:38:00 +07:00

(VTC News) - Các nước Mỹ Latin là khu vực tiếp theo đẩy mạnh các biện pháp chặn đứng đường phát triển của virus Ebola.

(VTC News) - Các nước Mỹ Latin là khu vực tiếp theo đẩy mạnh các biện pháp chặn đứng đường phát triển của virus Ebola.

Các quốc gia tại Mỹ Latinh ngày 8/8 đã đồng loạt triển khai biện pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch Ebola sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một cảnh báo toàn cầu về sự lây lan của dịch bệnh này.

Bộ Y tế Chile đang triển khai một kế hoạch dự phòng trong trường hợp các ca nhiễm bệnh được báo cáo trong phạm vi biên giới của nước này.

Các nhân viên y tế di chuyển thi thể một nạn nhân nhiễm Ebola ở Monrovia, Liberia 

Các nhà chức trách tại quốc gia Nam Mỹ này cũng cho biết, họ đang làm việc khẩn trương để xác định những công dân nước ngoài có khả năng nhiễm virus Ebola và chuẩn bị cho sự trở về an toàn của những người này sao cho phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tại nước láng giềng Peru, các quan chức đã đưa ra một cảnh báo về y tế trên toàn quốc, đẩy mạnh việc kiểm tra tại các cảng, đề nghị các nhân viên y tế cần được đào tạo về xử lý các trường hợp nhiễm Ebola.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Brazil Arthur Chioro khẳng định, hiện không có nguy cơ lây nhiễm Ebola ở Brazil vào thời điểm này, tuy nhiên nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế cần phải đoàn kết để chống lại sự lây lan của căn bệnh này.

Một người nhiễm virus Ebola đang được chăm sóc 

Brazil đã gửi 15 tấn viện trợ thuốc men cho Guinea, Sierra Leone và Liberia, ba nước châu Phi có tỷ lệ tử vong do virus Ebola cao nhất.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 4/8 vừa qua, thế giới ghi nhận 1.711 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 932 người tử vong vì dịch bệnh này.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Chỉ một vài ngôi nhà ở thị trấn New Kru, Liberia, có chữ thập màu xanh, dấu hiệu cho thấy chúng đã được kiểm dịch y tế, trong khi người dân ở vô số những căn lều lụp xụp còn lại vẫn tin vào Chúa và những bùa phép để chống lại dịch bệnh Ebola.

Nếu có nơi nào để đại dịch Ebola bùng phát thì đó chính là thị trấn New Kru. Khu ổ chuột ngổn ngang nằm ở ngoại ô thủ đô Monrovia, nơi những dấu vết từ sự tàn phá của chiến tranh vẫn còn hằn sâu. Đây là nơi sinh sống của 50.000 người dân nhưng không hề có nhà vệ sinh, bồn rửa hay phòng tắm.

Video dịch Ebola tấn công châu Phi


Cống nước thải chảy thẳng qua giữa những túp lều và vào thời gian cao điểm của mùa mưa như hiện nay, những cơn mưa nhiệt đới biến nơi này thành một cái ổ khổng lồ, ẩm ướt và màu mỡ cho các loại vi trùng gây bệnh.

Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi các đội y tế xuất hiện tại đây sau khi nhiều người địa phương tử vong vì dịch Ebola. Họ đánh dấu những chữ thập màu xanh lên những ngôi lều quanh thị trấn. Dấu hiệu này để xác định một số ít hộ gia đình đã được các nhân viên y tế kiểm tra và tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch.

Đến nay chỉ có khoảng 500 ngôi nhà được đánh dấu và bản thân các nhân viên y tế lại bị cáo buộc là mầm mống gieo rắc bệnh tật trong thị trấn New Kru.

Cuộc chiến trong tâm dịch

Khi y tá Monia Sayah ở Tổ chức Bác sĩ không biên giới đến Guinea lần đầu tiên vào tháng 3, cô không ngờ rằng mình sẽ chứng kiến dịch Ebola bùng phát với mức độ tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tại Guinea, những ca nhiễm bệnh được thông báo từ hồi tháng 3 và hiện nơi đây có 363 người tử vong.

Sayah cùng các đồng nghiệp mặc quần áo bảo hộ tới điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở Guinea 

"Nỗi sợ hãi rất rõ ràng. Mọi người sợ vì họ không thể biết được liệu Ebola có ghé thăm gia đình hay ngôi làng của mình không", CBS News dẫn lời Sayah sau khi y tá này trở về từ chuyến công tác mới nhất của mình.

Sayah cho biết, vì nỗi sợ hãi ấy mà nhiều người mắc bệnh chọn cách che giấu tình trạng của mình và thường không tới các trung tâm y tế chữa trị cho tới khi quá muộn. Trong trường hợp đó, Sayah và các đồng nghiệp thường không thể giúp gì nhiều cho họ ngoài việc truyền dịch và cấp thuốc kháng sinh.

Mối lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên y tế đang có mặt tại nơi virus Ebola hoành hành đang tăng lên sau khi một bác sĩ hàng đầu tử vong ở Sierra Leon tuần trước.

Một y tá người Nigeria điều trị cho bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh ở quốc gia này cũng chết vì virus Ebola. Hai chuyên gia y tế người Mỹ nhiễm Ebola ở Liberia vẫn đang giành giật sự sống tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.

Video Việt Nam ứng phó với nguy cơ dịch Ebola


Nhưng với Sayah, cô nói mình không sợ dù đã ở Guinea tổng cộng 11 tuần. Cô và các bạn đồng nghiệp tuân thủ những biện pháp phòng ngừa nghiêm khắc nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm virus.

Trước khi vào khu vực có nguy cơ cao, họ mặc bộ quần áo bảo hộ kín từ đầu tới chân và đeo cả găng tay lẫn kính bảo hộ. "Bạn phải tuân theo những qui tắc, tuy nhiên những tai nạn vẫn có thể xảy ra", cô nói.

Mặc thách thức và nguy hiểm, Sayah cho biết cô sẽ trở lại Tây Phi để chiến đấu với dịch bệnh. "Khi ở đó, bạn sẽ thấy cần phải làm gì và không có câu hỏi kiểu như mình sẽ về hay ở lại?", Sayah chia sẻ.

Tùng Đinh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn