"Nở rộ" điện thoại di động "made in Việt Nam"

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 17/01/2011 03:20:00 +07:00

Thị trường điện thoại thương hiệu Việt trong năm 2011 sẽ có sự cạnh tranh khá sôi động.

2010 được coi là năm được "mùa" của các mẫu điện thoại thương hiệu Việt như: Q-Mobile của Công ty viễn thông An Bình (ABTel), F-Mobile của Công ty FPT... và mới đây là Hi-Mobile của Tập đoàn Công nghệ thông tin HiPT. Theo HiPT-Mobile (Tập đoàn HiPT), thị trường điện thoại thương hiệu Việt trong năm 2011 sẽ có sự cạnh tranh khá sôi động.

Phân khúc giá rẻ luôn "nóng"

Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc marketing của HiPT- Mobile chia sẻ, Tập đoàn Nghiên cứu thị trường GFK (Đức) thống kê, vẫn có tới trên 80% số điện thoại được mua tại Việt Nam nằm ở phân khúc dưới 2 triệu đồng.

Điện thoại thương hiệu Việt đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm. 
Theo GFK, năm 2010 ở phân khúc điện thoại di động tầm thấp (dưới 2 triệu đồng), Nokia đang dẫn đầu thị phần tại Việt Nam với 53%, còn Q-Mobile chỉ chiếm 13%, đứng thứ 3. Tuy nhiên, có những thời điểm Q-Mobile đã vượt lên vị trí thứ 2.

Hiện nay, điện thoại Q-Mobile, F-Mobile, Hi-Mobile chủ yếu hỗ trợ 2 sim 2 sóng với giá bán dưới 2 triệu đồng/chiếc, đang được người có thu nhập thấp đón nhận. Ngay tại thời điểm ra mắt Hi-Mobile mới đây, HiPT đã giới thiệu 4 dòng sản phẩm hướng tới các phân khúc khách hàng khác nhau, bao gồm: P05, i06, i08 và i09.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam cho rằng: "Cơn sốt" cho dòng điện thoại thông minh (smartphone) hiện nay ở Việt Nam vẫn là iPhone. Nhưng ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 15.000 máy iPhone, trong khi có đến trên 80 triệu dân. Lý do là nó còn quá đắt so với người Việt. “Chúng tôi đặt mục tiêu làm sao để ông xe ôm đầu ngõ cũng có thể sử dụng được điện thoại FPT”, ông Nam nhấn mạnh.

Với dòng điện thoại thông minh F-99, FPT đã “bứt phá” khi cài đặt sẵn các ứng dụng của FPT thiết kế (chat, đọc báo, lướt web, game, nhạc chuông), có Wi-Fi, hỗ trợ online 2 sim, bàn phím Qwerty...

Đặc biệt, giá của sản phẩm này chưa đến 2 triệu đồng. ABTel cũng đã cho ra mắt Q-Mobile QUY có kết nối Wifi, 3G với giá trên 2 triệu đồng....

Đề cập tới việc sản xuất điện thoại "made in Viettel", ông Tống Viết Trung - Phó Tổng Giám đốc Viettel cho hay: Mục tiêu của Viettel là phổ cập các dịch vụ viễn thông đến mọi người dân Việt Nam. Viettel phải chủ động được trong quá trình đưa sản phẩm dịch vụ đến tay người tiêu dùng để đảm bảo có mức giá thấp nhất.

Theo ông Trung, nếu tự sản xuất, các thiết bị này có thể giảm được tới 40% giá thành của sản phẩm.

Dòng cao cấp sẽ phát triển

Đại diện HiPT-Mobile dự báo: Năm 2011, thị trường sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu như trước đây, điện thoại thương hiệu Việt không có nhiều tên tuổi thì gần đây phát triển rất mạnh. “Sự cạnh tranh bây giờ không còn chỉ giữa các điện thoại Việt với nhau mà còn cạnh tranh với các hãng có tên tuổi trên thế giới như: Nokia, Samsung...

Dần dần, sẽ không còn ranh giới giữa điện thoại thương hiệu Việt và điện thoại thương hiệu của các nước nữa. Điện thoại thương hiệu Việt sẽ dần chiếm thị trường lớn, vươn lên những vị trí cao”, lãnh đạo HiPT-Mobile nhận định.

Năm 2011 được dự báo là dòng điện thoại smartphone 3G sẽ phát triển mạnh, chiếm 20 - 30% tổng thị phần. Phía HiPT cũng sẽ cho ra mắt dòng điện thoại 3G giá rẻ vào quý I/2011. HiPT sẽ kết nối với nhà cung cấp dịch vụ nội dung, cài đặt ngay trên điện thoại để khách hàng có thể sử dụng luôn chứ không cần cài đặt như một số dòng điện thoại phổ biến hiện nay.

Đại diện ABTel cho hay: Phân khúc thị trường smartphone cũng là cái đích trong năm 2011 của ABTel. Các thương hiệu điện thoại quốc tế cũng được nhận định là sẽ bị mất từ 20 - 40% thị phần ở thị trường Việt Nam vào tay điện thoại thương hiệu Việt.
Trăn trở về thương hiệu.

Một số ý kiến “khắt khe” hiện cho rằng: Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong các nhãn điện thoại Việt này còn thấp, thậm chí là “Trung Quốc hóa” các mẫu hiện có nên chưa có điện thoại thương hiệu Việt thực sự. Bản thân doanh nghiệp cũng từ chối công bố tỷ lệ này.

Theo HiPT, điện thoại Hi-Mobile được gia công tại Trung Quốc, được Việt hóa ở nhiều khâu như mẫu mã, thiết kế, ứng dụng phù hợp với người Việt. "Không phải chúng tôi không sản xuất được điện thoại tại Việt Nam mà vì chi phí sản xuất còn cao; đồng nghĩa với việc giá bán điện thoại sẽ khó đạt ở mức thấp", đại diện HiPT bày tỏ.

Còn theo ông Tống Viết Trung, trước mắt việc sản xuất điện thoại sẽ được đưa sang một nước khác như Trung Quốc chẳng hạn vì thị trường Việt Nam chưa đủ lớn để cạnh tranh được với những thị trường gia công khác...

Đại diện Viettel kiến nghị: Bộ TT-TT cần có chương trình hỗ trợ sản xuất các thiết bị trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông để chúng ta tạo nên sản phẩm khác biệt. Từ đó, tiết kiệm được hàng tỉ USD do phải nhập các sản phẩm này.


Theo Tin tức


“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.

 

Bình luận
vtcnews.vn