Nợ nần đầm đìa, vẫn vung cả trăm triệu tân trang nhà cửa dip Tết

Đời sốngThứ Ba, 12/12/2017 08:00:00 +07:00

"Tôi và chồng đã 3 ngày nay không nói chuyện, không ăn cơm với nhau, chung quy cũng chỉ vì một chữ “thể diện” của anh mà khiến gia đình lục đục", người vợ than thở.

Chồng tôi năm nay 33 tuổi, còn tôi mới vừa bước sang tuổi 27. Chúng tôi kết hôn đã được 3 năm và có một bé trai gần 2 tuổi. Đầu năm vừa rồi, nhờ được bố mẹ hai bên giúp đỡ cùng khoản tiền tiết kiệm 500 triệu, chúng tôi đã mạnh dạn mua một căn nhà đất diện tích 45 mét vuông, 2 tầng ở ngoại ô để làm chỗ ở.

Căn nhà này có giá 1 tỷ 9, cộng thuế phí nữa là vừa tròn 2 tỷ. Để mua được nhà, ngoài tiền tiết kiệm, chúng tôi cũng nhờ bố mẹ vay thêm ngân hàng khoảng 500 triệu nữa với suy nghĩ nợ nần là chuyện cả đời nên cứ vay mà mua căn nhà cho tử tế. Cũng vì suy nghĩ ấy mà gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Để vay được 500 triệu này, tôi đã cam kết với bên cho vay mỗi tháng sẽ trả khoảng 5 triệu tiền gốc và 5 triệu tiền lãi, tổng cộng là 10 triệu/năm cho đến khi hết nợ. Thu nhập một tháng hiện giờ của hai vợ chồng chỉ khoảng 20 triệu, trừ tiền trả cho ngân hàng thì vừa đủ chi tiêu và nuôi con chứ chẳng tiết kiệm được gì.

Vì vậy khi mới chuyển nhà, tôi bàn với chồng nhà cũ có bao nhiêu đồ thì cứ mang về bên ấy ở tạm đã. Còn sửa sang, mua sắm thêm gì thì chờ 1-2 năm nữa nhà có điều kiện hơn thì tính sau. Với cả đồ ở nhà cũ chúng tôi cũng đã trang bị rất đầy đủ và còn mới nên nếu bạn bè đến chơi cũng không sợ xấu mặt.

Thế rồi tháng cuối năm cũng đến. Chồng tôi tổng kết kinh doanh một năm cũng kiếm được gần 200 triệu, chính xác là 170 triệu. Khi anh thông báo như vậy, tôi rất mừng vì nghĩ có thể trả trước ngân hàng khoản này để giảm tiền lãi xuống. Như vậy năm sau mỗi tháng tôi chỉ cần trả 7 triệu/tháng là đủ.

Tối hôm đó đi làm về, tôi bàn với chồng như vậy thì anh gạt đi và nói rằng, Tết sắp đến rồi, năm nay họ hàng anh em ở quê sẽ lên chơi với nhà mình ngày mồng 3 Tết. Vì ở quê chỉ mỗi anh là thành đạt nhất họ, lại là người đầu tiên mua được nhà ở Hà Nội nên anh tính dùng 170 triệu này sơn lại nhà, mua sắm thêm nội thất và chuẩn bị đồ Tết cho chu đáo. Để mọi người lên chơi đỡ nghĩ mình mua nhà xong lại “hèn” đi, chẳng dám tiêu pha gì.

Tôi thì thấy không hợp lý nên khuyên nhủ chồng thời điểm sát Tết mà đi sửa nhà là không nên. Vì thời gian gấp, không ai ở nhà giám sát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ căn nhà. Rồi dọn dẹp vệ sinh, thanh toán công xá dịp Tết cũng đắt hơn. Với cả ai mua nhà mà chẳng khó khăn. Lo được 2 tỷ để sở hữu căn nhà này cũng coi như vợ chồng mình giỏi rồi. Còn chạy theo sĩ diện, lo sợ thiên hạ nhìn vào thì mệt mỏi lắm.

Biết tôi sẽ không đồng ý với phương án này nên anh nhanh chóng trình bày chi tiết kế hoạch của mình như sau.

Anh bảo chỉ cần xác định những vật dụng thiết yếu cần thay mới, hoặc có thể nâng cấp để tái sử dụng. Anh cũng đã lên danh sách chi tiết các món đồ cần sắm, cân đối với ngân sách hiện tại và lương thưởng cuối năm. Ví dụ như mua tủ lạnh mới to hơn hết khoảng 11 triệu, sơn nhà hết 20 triệu, sắm bộ bàn ghế mới 20 triệu…

Những khoản này nếu cần sẽ mua trả góp 0 đồng hoặc tận dụng cơ hội khuyến mãi giá, mua 1 tặng 1 ở các siêu thị lớn. Anh sẽ lên mạng tham khảo trước mức giá, để có thể lường trước ngân sách, tránh tình trạng tiêu tiền hoang phí mà không đúng mục đích.

Video: Ba Lan - Cấm mua sắm ngày Chủ nhật

Với cả “tân trang” không có nghĩa là phải bỏ cũ và thay mới hoàn toàn mọi thứ trong ngôi nhà của mình. Chỉ một vài thay đổi nhỏ cũng có thể khiến ngôi nhà trở nên mới lạ hơn.

Tôi nghe cũng xuôi tai nhưng vì tâm lý tiếc tiền mà nhất quyết không đồng ý. Tôi thấy căn nhà hiện tại cũng không đến nỗi phải bỏ hơn 100 triệu sửa sang, sắm lại đồ đạc. Tiền đó để làm được đầy việc có ý nghĩa hơn.

Sau 1 tuần thuyết phục tôi không được, anh quay ra giận dỗi và cho rằng tôi không coi chồng ra gì. Chỉ vì thế mà vợ chồng lục đục, cãi nhau suốt mấy ngày nay. Tôi thấy chồng mình tuy ở thành phố nhưng vẫn quá coi trọng hình thức- một nếp văn hóa trong cộng đồng người Việt mà lâu nay chúng ta chưa thể thay đổi.

Tôi lo sợ gia đình mình vừa đỡ chút nợ nần lại tái nợ nếu đồng ý cho anh sửa nhà. Tôi phải làm sao bây giờ đây

Cô Tấm
Bình luận
vtcnews.vn