Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa tại thủ phủ miền Tây

Tin nhanh 24hThứ Ba, 23/11/2021 15:38:11 +07:00
(VTC News) -

TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực giảm rác thải nhựa từ việc tuyên truyền đến những giải pháp thiết thực trong thời gian qua.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm chất thải nhựa là vấn đề toàn cầu, được cả thế giới quan tâm. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày; mỗi năm Việt Nam thải ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa.

Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực.

Nỗ lực giảm rác thải nhựa bằng nhiều biện pháp

Tại TP Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã phối với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch và đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy.

Thiết thực nhất là việc các đơn vị không sử dụng các chai nhựa, ống hút nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, các lớp tập huấn, thay vào đó, sử dụng cốc thuỷ tinh và trà túi lọc; sử dụng bình đựng nước có thể tái sử dụng nhiều lần. Vận động công chức, viên chức, người lao động và gia đình từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.

Đơn cử, tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thực hiện mô hình “Trường học không rác thải nhựa” với sự tham gia của các cơ sở giáo dục. Trường học triển khai cho học sinh tìm hiểu về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa.

Các trường tổ chức cuộc thi tái chế rác thải nhựa thành các đồ dùng, vật dụng trang trí; tổ chức cho học sinh thực hiện thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy tại nguồn, tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế. Lồng ghép vào đó là triển khai thực hiện kế hoạch nhỏ, gây quỹ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa tại thủ phủ miền Tây - 1

Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tái chế vỏ xe thành bồn rủa tay cho học sinh tiểu học.

Riêng Hội Nông dân thành phố lập mô hình “Thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”, thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; ra quân tổng vệ sinh tuyến đường, hẻm vào thứ Sáu hàng tuần

Mặc dù các cơ quan, ban ngành, địa phương tại Cần Thơ đã nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, nhưng hiện còn một một bộ phận người dân chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhiều trường hợp vứt rác sinh hoạt bừa bãi tại khu vực công cộng và xuống đoạn sông, kênh, rạch. 

Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa tại thủ phủ miền Tây - 2

Vẫn còn tình trạng người dân vứt rác sinh hoạt bừa bãi xuống đoạn sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường. 

“Hiện vẫn còn không ít người có thói quen sử dụng nhiều sản phẩm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần do nó tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ. Từ đó, rác thải nhựa phát sinh ngày càng nhiều dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cũng cần có những sản phẩm thay thế vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có giá thành phù hợp”, anh Phạm Anh Quốc, ngụ TP Cần Thơ chia sẻ.

Ngăn rác thải nhựa đổ ra biển bằng hệ thống tự động

Mới đây, một hệ thống Thu gom tự động rác nổi (Interceptor), vận hành bằng năng lượng mặt trời, lần đầu tiên có ở Việt Nam đã được hạ thủy tại sông Cần Thơ, mở ra cơ hội làm sạch song ngòi, ngăn chăn rác thải (đặc biệt là rác thải nhựa) trôi ra biển.

Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa tại thủ phủ miền Tây - 3

Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ.

Hệ thống này do Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan nghiên cứu và sáng chế, giống như một chiếc phà nhỏ có chiều ngang 8,1m, dài 24,7m và cao khoảng 4,4m.

Hệ thống Thu gom được cố định bằng hệ thống neo, không lắp động cơ di chuyển và được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Hệ thống được lắp đặt camera kết nối Internet với đơn vị chủ quản. Rác thải được thu gom chủ yếu nhờ sức đẩy của dòng chảy, men theo lưới chắn rác (chiều dài có thể điều chỉnh từ 10 - 160m) đến băng chuyền bên trong hệ thống và đưa đến 6 thùng chứa đặt trên sà lan.

Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa tại thủ phủ miền Tây - 4

Rác được đưa đến 6 thùng chứa đặt trên sà lan.

“Hệ thống có thiết bị để đảm bảo lượng rác vào từng thùng chứa không bị quá tải, tràn ra ngoài. Khi tất cả các thùng chứa rác đầy, sà lan sẽ được tàu kéo đưa đến vị trí tập kết rác và chuyển rác lên bờ”, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ thông tin.

Hiện hệ thống Thu gom tự động rác nổi trên sông đã được neo đậu thuộc bờ phải tuyến đường thủy nội địa sông Cần Thơ (từ km 03+403 đến km 03+538) và sẽ triển khai vận hành thử nghiệm trong thời gian tới.

Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa tại thủ phủ miền Tây - 5

Hệ thống Thu gom tự động rác nổi neo đậu trên sông Cần Thơ.

"Hy vọng hệ thống này hoạt động có hiệu quả và sớm được triển khai nhân rộng tại nhiều nơi để góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn được rác thải nhựa từ các con sông trôi ra biển", ông Nguyễn Văn Hậu, ngụ TP Cần Thơ kỳ vọng.

Dự án có vốn đầu tư hơn 19,8 tỷ đồng, gồm tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan tài trợ 14,6 tỷ, vốn đối ứng của Cần Thơ hơn 5,2 tỷ (ngân sách 3,2 tỷ, số còn lại vận động xã hội hóa).

MINH THANH
Bình luận
vtcnews.vn