Nợ đầm đìa, EVN phá sản giấc mơ chứng khoán, viễn thông

Kinh tếChủ Nhật, 23/10/2011 08:04:00 +07:00

Với vỏ bọc an toàn của tỷ lệ đầu tư ngành ngoài chỉ 2,8% so với quy định 30% vốn điều lệ, EVN gần như đã phá sản giấc mơ về viễn thông và chứng khoán.

Với vỏ bọc an toàn của tỷ lệ đầu tư ngành ngoài chỉ 2,8% so với quy định 30% vốn điều lệ, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) gần như đã phá sản giấc mơ về viễn thông và chứng khoán.

 

Quả đắng đầu tiên phải kể đến là lĩnh vực viễn thông. Công ty điện lực viễn thông EVN Telecom là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam, sở hữu đầu số 096 và băng tần 450 MHZ, là băng tần thấp và khả năng nhiễu sóng cao. 

Năm 2005, EVN Telecom đã bỏ ra 3.000 tỷ đồng để phát triển mạng thông tin di động CDMA. Thời điểm đó, nhiều thông tin cho rằng, mạng viễn thông này sẽ bỏ ra khoảng trên 600 triệu USD chủ yếu từ nguồn vốn của ngành điện để đầu tư.

EVN Telecom đang chịu quả đắng từ lĩnh vực viễn thông 
Tại hội nghị tổng kết thi đua khen thưởng giai đoạn 5 năm 2006-2010, EVN tự hào khẳng định: "Chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,6 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ."

Báo cáo cho biết, EVN đã đầu tư hệ thống viễn thông đồng bộ, gồm 5 loại phương tiện thông tin khác nhau: tải ba, vi ba, vô tuyến điện, cố định, di động. Được Chính phủ cho phép kinh doanh viễn thông công cộng, 5 năm qua, Tập đoàn đã có nhiều cố gắng tận dụng cơ sở vật chất hiện có kết hợp với đầu tư mở rộng, cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ này. Tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) của EVN được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam năm 2009. EVN cũng đã triển khai đầu tư mạng 3G.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, người tiêu dùng gần như chẳng biết mấy đến thương hiệu EVN Telecom.Cụ thể, năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạtkhoảng 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần trong khi hệ số an toàn chỉ cho phép là 3 lần.

Trong đó, nợ phải trả của đơn vị này là 7.760 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%. Với mức thua lỗ này đã khiến EVN Telecom không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư.

Quả đắng thứ hai của EVN là chứng khoán. Năm 2007, 4 đơn vị thuộc tập đoàn EVN đã cùng nhau góp vốn với Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Thành (HASC), chiếm khoảng 16,5 % vốn điều lệ.

Hiện, cơ cấu cổ đông của HASC, các đơn vị điện lực nắm giữ 17,17% cổ phần. Cụ thể, EVN nắm giữ 5% cổ phần, tương đương 750.000 cổ phiếu, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa 5%, Công ty Điện lực 3 giữ 4,5%, tương ứng 675.000 cổ phiếu và Công ty Điện lực Đà Nẵng 2,67% với 400.000 cổ phiếu.

Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, HASC là trường hợp nặng nhất trong số 10 công ty chứng khoán yếu kém nhất. Công ty này đã bị Ủy ban Chứng khoán Việt Nam liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt và thời hạn cho HASC "hồi sức", đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính chỉ còn vài tháng nữa.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng: Trong lĩnh vực này, hoạt động nào của HASC cũng phải báo cáo thường xuyên tới Ủy ban Chứng khoán. Nếu không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính như nợ/vốn, nguy cơ HASC bị buộc phải rời sàn là rất cao. Trong bối cảnh chứng khoán xuống dốc này, vốn đã âm rồi thì công ty làm gì được để lấy lại được vốn?

Theo Người đưa tin

Bình luận
vtcnews.vn