Nợ công Việt Nam lọt top nguy hiểm: Người Mỹ không hiểu kinh tế Việt?

Kinh tếThứ Tư, 19/08/2015 07:02:00 +07:00

Nợ công Việt Nam được ngân hàng của Mỹ đánh giá vào dạng nguy hiểm nhất thế giới, song chuyên gia cho rằng nợ công Việt Nam không rủi ro cao như khuyến cáo.

(VTC News) - Trước khuyến cáo về nợ công của Việt Nam vào danh sách 15 quốc gia nguy hiểm nhất của Ngân hàng Bank of America, chuyên gia Việt Nam cho rằng, mức độ nguy hiểm chưa cao đến thế.

Bank of America vừa công bố thông tin về mức độ rủi ro của nợ công Việt Nam khi xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, các quốc gia còn lại như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines… nằm ở ngưỡng rủi ro nợ công thấp hơn.

Thông tin này khiến nhiều người lo ngại. Cùng với thông tin tỷ giá tăng biên độ, tình hình nợ công góp phần không nhỏ khiến thị trường chứng khoán giảm sâu. Đỉnh điểm của sự “mất mát” là phiên giao dịch ngày 17/8, VN-Index mất hơn 15 điểm.

Nợ công của Việt Nam
Nợ công của Việt Nam đang trong tình trạng rủi ro khá lớn song chưa hẳn đã nguy hiểm như mức cảnh báo cảu ngân hàng Mỹ 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng có cái nhìn khá thận trọng về nợ công. Ông Hiếu đánh giá nợ công của Việt Nam đang trong tình trạng rủi ro khá lớn. Thứ nhất, mặc dù nằm trong mức được Quốc hội cho phép nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP đạt hơn 64% là con số rất cao.

Đặc biệt, khi tỷ giá USD/VND tăng cao, những khoản nợ nước ngoài tính theo USD sẽ tăng lên. Từ đầu năm tới hiện tại, biên độ tỷ giá tăng 3%. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn chi trả khoản nợ bằng USD, số tiền đồng mà Việt Nam phải bỏ ra để mua USD tăng 3%.

“Hiện tại, số tiền tăng lên này mới chỉ là trên giấy. Cho tới ngày thanh toán, số tiền phải chi trả mới thực sự tăng mạnh khi Chính phủ phải mua USD ngoài thị trường. Khi đó, rủi ro mới thực sự đến” – Ông Hiếu bình luận.

Mặc dù tỏ ra lo ngại về nợ công nhưng ông Hiếu cho rằng cần phải xem xét cơ cấu nợ công. Có thể thấy, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn. Đây là khoản nợ thanh toán bằng VND nên tỷ giá USD/VND biến động mạnh không ảnh hưởng tới giá trị khoản nợ.

“Bên cạnh đó, khi đáo hạn, nếu thiếu tiền, chúng ta hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu để huy động luồng tiền từ dân cư. Ngoài ra, còn 1 biện pháp nữa chính là in tiền. Tuy nhiên, biện pháp này cực kỳ nguy hiểm vì sẽ gây nên lạm phát” – Ông Hiếu phân tích.

Vì thế, theo ông Hiếu, rủi ro nợ công của Việt Nam không hề nhỏ, cần được theo dõi chặt chẽ.

Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia lại có cái nhìn lạc qan hơn. Ông Phước cho rằng đúng là nợ công có nhiều điểm cần bàn nhưng nó không rủi ro cao như những gì Bank of America thống kê. Theo ông Phước, Bank of America là ngân hàng Mỹ. Người Mỹ chưa chắc đã hiểu rõ kinh tế Việt Nam.

Trước đó, báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 22/7, cho thấy tổng nợ công (bao gồm nợ của chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) của Việt Nam đã tăng từ 54,5% GDP năm 2013 lên mức 59,6% năm 2014.

Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD). Tức là mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.200 USD nợ công. Đây cũng là những con số mà Bộ Tài chính đã công bố trước đó.

Theo giải thích của WB, nợ công Việt Nam tăng do thay đổi cơ cấu nợ. Do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Chính phủ chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn.

Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014. Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014.

Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công của Việt Nam có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do chính sách thắt chặt tài khóa.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn