Nín thở, thót tim ngồi trên buồng lái tàu

Thời sựChủ Nhật, 09/08/2015 08:28:00 +07:00

Chúng tôi được phép lên đầu máy để “mục sở thị” anh em tài xế điều khiển đưa đoàn tàu đi như thế nào.

Chúng tôi được phép lên đầu máy để “mục sở thị” anh em tài xế điều khiển đưa đoàn tàu đi như thế nào.

Trên chuyến tàu công tác vào Nam, chúng tôi được phép lên đầu máy để “mục sở thị” anh em tài xế điều khiển đưa đoàn tàu đi như thế nào. Khi tàu dừng tại ga Đông Hà, chúng tôi được tổ lái máy chào đón với lời đùa: “Phụ nữ mà lên áp máy thế này đừng run nhé!”
Tôi đã từng nghe nhiều người kể về sự căng thẳng, kể cả nỗi sợ khi đứng trong cabin đầu máy nên cũng thấy “thường thôi”. Nhưng khi tàu chầm chậm chuyển bánh rời sân ga, trong tôi dâng lên cảm xúc khó tả, vừa thích thú vừa hồi hộp. 
Đoàn tàu tăng tốc dần, xé gió sầm sập lao trên hai thanh ray mỏng manh, khi ẩn khi hiện trước mặt. Trên cabin đầu máy, đập vào tai là cả mớ âm thanh ầm ầm, hỗn độn: Tiếng gió lùa qua khung cửa sổ đầu máy, tiếng bánh sắt đập, nghiến trên thanh ray, tiếng còi tàu như ép vào lồng ngực… Căng thẳng tột độ, mắt tôi dán chặt vào con đường trước mặt.
 Vụ tai nạn đường sắt ở Quảng Trị khiến lái tàu Lê Minh Phú tử vong
Chặng đường Quảng Trị - Huế không dài, khoảng 60km, chạy trên đường bằng, ít đường cong, cũng không qua nhiều khu dân cư đông đúc, nhiều đoạn chạy song song với đường bộ nhưng đã có hàng rào hộ lan. Dẫu vậy, tôi không khỏi lo sợ khi thấy lối đi dân sinh qua đường sắt dày đặc. 
Nhiều lúc nín thở, thót tim khi thấy xa xa cảnh bà con họp chợ hay người đi xe đạp đang đứng trên lối đi dân sinh sát đường sắt… Nếu ai đó mải mua bán, không để ý tàu đang tới bất cẩn đứng trên đường sắt thì sao? Nếu bỗng người đi xe đạp nghĩ rằng tàu còn xa nên cố tranh thủ băng qua đường sắt thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Thầm cảm phục những người lái máy, họ phải có một thần kinh thép khi ngày ngày phải làm việc trong tiếng ồn, trong nguy cơ tai nạn thường trực. Suốt chặng đường hàng mấy tiếng đồng hồ, không chỉ thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật để đảm bảo tốc độ quy định, họ phải căng mắt, căng tai, cảnh giác cao độ, hô đáp liên tục để cảnh báo cho nhau những điểm nguy hiểm, để thao tác kịp thời… Anh Châu, lái chính bảo: “Vất vả, áp lực nhưng sợ nhất vẫn là đường ngang. Dân mình ý thức chấp hành Luật Giao thông còn kém lắm”.
Không lo sợ sao được khi họ phải tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc tại đường ngang mà không sao ngăn chặn được khi tốc độ con tàu cao như thế, có hãm khẩn tàu cũng lướt đi hàng chục mét. Không ám ảnh sao được khi không ít lái tàu bị thương tật, thậm chí mất đi tính mạng trong các vụ tai nạn tàu va phải ô tô tải như anh Trương Xuân Thức, anh Lê Minh Phú…
Anh Lý Tường Liêm, công nhân lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn tâm sự: “Nguy cơ tai nạn rình rập tại các đường ngang gây tâm lý cho anh em lái máy. Nhưng chúng tôi xác định vẫn cố gắng chủ động trong mọi tình huống, đảm bảo lái tàu an toàn”.

Nguồn: Thanh Thúy (Báo Giao thông)
Bình luận
vtcnews.vn