Những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới

Kinh tếThứ Hai, 16/03/2015 07:25:00 +07:00

Giá dầu và những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới

(VTC News) - Tương lai giá dầu đã trở thành trò đánh đố các nhà đầu tư và các chuyên gia năng lượng trên thế giới, khi những dự đoán dựa trên các yếu tố tác động trực tiếp lên giá dầu đến nay cũng chỉ là mang tính tương đối.

Số lượng giàn khoan


Số lượng giàn khoan dầu hoạt động trong mỗi tuần đã trở thành một trong những chỉ số được xem nhiều nhất trên mạng hiện nay bởi đây là yếu tố quan trọng cho thấy tiềm năng về sản lượng dầu mỏ cũng như giá của chúng trong tương lai.

Theo số liệu mới nhất của tuần trước trên trang Baker Hughes, 75 giàn khoan dầu khác đã tuyên bố "đắp chiếu" ngừng hoạt động, kéo tổng số giàn khoan còn hoạt động xuống còn 1.192 chiếc - mức thấp hơn 24% so với con số kỷ lục của năm 2014.

Những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới
Số liệu này thông thường sẽ là một tín hiệu vui cho thị trường dầu bởi càng nhiều dàn khoan đóng cửa thì sản lượng dầu sẽ càng giảm mạnh, từ đó sẽ có cơ hội cho dầu tăng giá trở. Ngược lại nếu các giàn khoan tiếp tục "việc ai người đấy làm" thì dầu sẽ tiếp tục rơi vào cảnh cung vượt quá cầu, kéo theo giá sẽ rẻ không thể rẻ hơn.

Tuy nhiên đến nay những con số này cũng không còn phản ánh được chính xác sản lượng dầu do số giàn khoan hoạt động tuy ít đi nhưng công suất của chúng lại tăng lên, khiến cho sản lượng dầu vẫn nhiều tương đương hoặc thậm chí còn vượt gấp nhiều lần so với trước.

Lượng dầu lưu trữ

Hiện nay, số liệu từ các trung tâm dự trữ dầu trên thế giới cho thấy khả năng lưu trữ dầu đã bắt đầu giảm mạnh và sớm muộn cũng sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Trung tâm lưu trữ dầu lớn nhất của nước Mỹ, thành phố Cushing, bang Oklahoma hiện đã được lấp đầy 60%. Tuy nhiên một lượng lớn dầu dư thừa vẫn đang tiếp tục đổ về đây, đẩy lượng dầu lưu trữ của Mỹ lên cao nhất trong vòng 80 năm qua theo thống kê từ Bộ Năng lượng Mỹ.

Những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới
Trung tâm lưu trữ dầu của Mỹ tạithành phố Cushing, bang Oklahoma.
Trên toàn cầu cũng không có nơi nào khả quan hơn. Theo báo cáo của Citigroup, tổng lượng lưu trữ dầu của châu Âu hiện nay 90% đã được lấp đầy, trong khi Hàn Quốc, Nam Phi, Nhật Bản đều đã lên tới gần 80%.

Vì vậy không còn cách nào khác, lượng dầu thừa sẽ được "xả" ra thị trường trong thời gian tới, từ đó làm tăng áp lực lên giá dầu vốn đã không mấy “sáng sủa” sẽ càng trở nên thê thảm hơn.

Tuy nhiên thay vì làm tốn diện tích các bể lưu trữ thì việc giữ dầu lại trong các giếng khoan sẽ biến nơi này thành những bể lưu trữ ngay dưới lòng đất. Ước tính vẫn có khoảng 3.000 giếng dầu chưa được khai thác xong như cách các nhà sản xuất "ỉm hàng" để chờ dầu tăng giá trở lại. Và một khi được khai thác xong, lượng dầu từ các giếng này có thể sẽ tiếp tục đẩy giá dầu xuống thấp hơn nữa.

Sản lượng dầu và tổng cầu về dầu trên thực tế

Một trong những chỉ số quan trọng để chỉ ra đường đi của giá dầu là sản lượng dầu trên thực tế. Hiện tại, bất chấp sự cắt giảm về vốn đầu tư, số lượng giàn khoan cùng với những áp lực đè nặng lên giá dầu, việc khai thác vẫn tiếp tục được thực hiện, sản lượng dầu vì thế vẫn tiếp tục tăng.

Những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới
Vào cuối tháng hai, Mỹ đã sản xuất 9,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng 10% kể từ khi dầu bắt đầu rớt giá vào tháng 6 năm 2014, thậm chí đã tăng lên 2% kể từ đầu năm 2015. Thực tế này cho thấy giá dầu thấp không đồng nghĩa với việc sản lượng dầu sẽ giảm.

Một trong những ẩn số lớn nữa hiện nay là nhu cầu về dầu mỏ sẽ như thế nào khi giá của chúng xuống thấp. Tổng cầu về dầu chủ yếu được xác định bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi con số này cũng chưa thể xác định do sẽ còn bị nâng lên hạ xuống phụ thuộc bởi rất nhiều những biến động về kinh tế, chính trị... khác trong năm.

Không phải dễ dàng để đánh giá được về nguồn cầu lúc này dù giá dầu thấp được dự đoán cũng có thể khiến khả năng tiêu thụ mạnh hơn.
IEA, OPEC, và EIA - ba tổ chức năng lượng lớn nhất hiện nay đã cho sửa lại những kịch bản có thể xảy ra với sức tiêu thụ về dầu mỏ của mình, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được triển vọng nào cho sự đột biến về nhu cầu dầu thế giới.

Tỷ giá của đồng bạc xanh

Những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới
Cuối cùng, mây đang che phủ một màu u ám lên toàn bộ thị trường tiền tệ. Sự biến động tiền tệ đang làm ảnh hưởng tới biến động của giá dầu và cũng bị ảnh hưởng bởi nó mà quan trọng nhất là đồng đô la Mỹ (USD), vì giá dầu được định giá bằng đồng tiền này.

Mỹ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi về kinh tế và tích cực tăng việc làm vào tháng 6 năm 2014. Trong khi đó những dự đoán được đưa ra dựa trên lý thuyết áp đặt lên giá dầu rằng, một nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn sẽ dẫn đến khả năng tiêu thụ dầu lớn hơn, giá dầu sẽ có cơ hội tăng trở lại.

Nhưng tại sao trên thực tế lại không như vậy? Nhiều suy đoán cho rằng FED - Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể tăng lãi suất trong thời gian tới, đẩy giá của đồng bạc xanh cao lên. Trong khi đó dầu được định giá bằng đồng tiền này nên nó càng mạnh lên thì giá dầu càng có xu hướng bị yếu đi.

Giá dầu - trò chơi đánh đố và những dự đoán chỉ mang tính chất tương đối

Giá dầu bắt đầu mất phanh lao dốc từ giữa năm 2014 và liên tục lập đáy mới cho tới tháng 1 năm 2015. Kể từ đó những dự đoán cho giá dầu trong năm nay đã được đưa lên bàn cân để mổ xẻ, người thì đoán rằng nó sẽ còn giảm nữa, kẻ thì lại cho rằng khi đã chạm tới đáy rồi thì nó có thể sẽ quay ngược tăng giá trở lại.

Những yếu tố biến tương lai giá dầu thành trò đánh đố cả thế giới
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, điển hình như ông T. Boone Pickens dự đoán giá dầu thô sẽ thực sự trở lại ngưỡng 100 USD mỗi thùng. Thậm chí Tổng Thư ký OPEC còn phát biểu rằng giá dầu có thể lên đến ngưỡng 200 USD trong những năm tiếp theo do kết quả của việc cắt giảm mạnh lượng dầu khai thác và vốn đầu tư sản xuất mới.

Quả thực giá dầu đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại vào khoảng cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay, tuy nhiên trong báo cáo của Citigroup vào ngày 9/2 lại đánh giá đó chỉ là "bong bóng ảo" và có thể giá dầu sẽ sớm giảm xuống chỉ còn 20 USD/thùng.

Với những dự đoán trái chiều cùng mức giá dao động 45 - 55 USD/thùng được cho là không bền vững như hiện nay, khá nhiều chuyên gia cho rằng trong suốt năm 2015, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục "bập bênh" lên xuống trong ngưỡng từ 40 - 70 USD/thùng.

Tuy nhiên từ nay tới hết năm 2015 vẫn còn một khoảng thời gian dài, và ngoài những yếu tố trên còn có cả những yếu tố khác như về địa chính trị, tiến bộ công nghệ hay những thay đổi trong chính sách thuế... Vì vậy tương lai giá dầu vẫn sẽ tiếp tục là trò chơi đánh đố và mọi dự đoán được đưa ra trước đây, bây giờ vẫn chỉ mang tính tương đối mà thôi.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn