Những xì tin nhất định không chịu... văn minh

PhimThứ Sáu, 23/04/2010 08:15:00 +07:00

Thà bị phạt hết lần này đến lần khác chứ nhất định không đội mũ bảo hiểm, tháo biển xe ra đi lượn phố cho... khệnh hay phiên dịch ầm ĩ trong rạp chiếu phim...

Thà bị phạt hết lần này đến lần khác chứ nhất định không đội mũ bảo hiểm, tháo biển xe ra đi lượn phố cho... khệnh hay làm “phiên dịch viên” to tướng trong rạp chiếu phim... Bao giờ những xì tin này mới chịu văn minh nhỉ?

Nếu như ở T.p Hồ Chí Minh, việc đội mũ bảo hiểm không chỉ là việc bắt buộc phải làm, mà còn là ý thức sống văn minh, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông thì ở Hà Nội, mọi chuyện lại ngược lại. Cứ thử “lơn tơn” không mũ ra đường phố Sài Gòn xem, dù may mắn “thoát” được các chú cảnh sát thì bạn sẽ cũng sẽ bị người tham gia giao thông nhìn như người ngoài hành tinh vậy. Nhưng thật lạ đời, trên những phố lớn ở Hà Nội vào buổi tối, đi xe đẹp mà đội mũ bảo hiểm, lại bị cho là quê và “ngoài hành tinh”. Thế nên có bị các chú cơ động tóm gáy, những người trẻ “không thể văn minh” vẫn nhất định cất mũ trong cốp, to gan hơn thì để ở nhà cho đỡ vướng rồi chấp nhận nộp phạt để có “vé thông hành” đi lại cả tối.

Văn minh, đúng luật có nghĩa là... tẻ nhạt, thiếu chịu chơi, thiếu hết mình??? 
Cứ thử lượn lờ những con phố trung tâm như Hàng Bông, Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Ngang Hàng Đào... vào buổi tối, nhất là tối cuối tuần xem bạn đếm được bao nhiêu “dân chơi” thản nhiên lượn phố với cái đầu xoăn tít, hay vuốt keo điệu đà, tạo kiểu cầu kỳ mà không bị mũ bảo hiểm làm cho vướng víu. Mặc dù trong phố cổ luôn có cơ động và ở ngã tư thì có cảnh sát giao thông, nhưng không hề khiến những người trẻ vi phạm kia lăn tăn. Họ chấp nhận bị bắt 1 lần, nộp 150k/mũ để có “vé thông hành” (chính là phiếu phạt), và nếu gặp tốp cơ động khác kiểm tra, lại giơ phiếu phạt ra cười tươi như hoa: “Cháu vừa bị phạt xong!”. Họ tìm đủ lý do để không phải đội chiếc mũ lên đầu, coi đó như một cực hình nóng nực, xấu, quê (!??), không ai nghĩ rằng việc chấp hành nghiêm túc luật là việc đầu tiên và dễ nhất để có thể theo kịp văn minh của công dân toàn cầu, chứ đâu cần học ở đâu khác!

Thi thoảng trên đường lại thấy những chiếc xe kẹp 3 học sinh còn mặc nguyên áo đồng phục, hay đi thành tốp 3, 4 “con” Lx, Sh phóng vèo vèo mà không thấy xe nào có biển, thì đừng vội nghĩ xe chưa kịp lấy biển mà đã mang ra thử. Xin thưa, biển lấy rồi, đang nằm trong cốp đấy ạ! Nghe tưởng thật quá ngược đời, đi xe không biển ra phố chỉ tội bị công an hỏi thăm, nhưng đấy lại là thứ “mốt” kỳ quặc và quái gở của một vài người trẻ thích thể hiện. Theo họ, giữa một rừng xe trên phố, xe không biển hay biển trắng mới được chú ý và nổi bật.

Bốc phải cái biển không được đẹp cho lắm, Minh Hoàng (sn1991) quyết định cất luôn vào... cốp xe, khi nào bố mẹ hỏi thì mới lắp tạm, ra đường lại bỏ ra. Coi đây là chuyện bình thường, Hoàng khẳng định bạn bè cậu cũng chẳng thằng nào chịu lắp biển, cứ đi ngang nhiên ngoài đường. Nếu gặp các chú cơ động thì lôi biển trong cốp ra giải thích “Cháu vừa bị rơi biển, chưa kịp lắp vào”. Cái chiêu “rơi biển chưa kịp lắp” đã trở thành cách chống chế hay được sử dụng nhất. Và thế là với một cái xe không biển, kèm theo suy nghĩ “ra đường đi xe không biển mới là...khệnh (??!), họ cứ thản nhiên đánh võng khắp phố phường.

Nhiều khi người trẻ cứ đòi học thói sống văn minh của nước ngoài, rồi luôn muốn thể hiện mình văn minh, lịch sự. Nhưng những thói quen và nếp sống cũ, và quan trọng nhất là tính thích được thể hiện, đã khiến họ đi thụt lùi nhiều hơn là tiến bộ.

Chắc hẳn không ít bạn từng rơi vào tình huống bực mình khi đi xem phim, đang chăm chú theo dõi thì bên cạnh lại vang lên giọng “phiên dịch viên”, nào là đoạn này thế này thế kia, rồi “theo em nhân vật chính có chết không, anh đoán là có”, kinh dị hơn là cảnh gác chân lên ghế đằng trước rồi ôm hôn, uốn éo đủ kiểu trong rạp.

Một lần đi xem 2012, khi phim vừa mới bắt đầu, Nhi (sn1992) đã nghe anh ngồi cạnh thuyết minh và phiên dịch cho người yêu mặc dù dòng phụ đề to lù lù ra đấy. Anh ta cứ thao thao giới thiệu, đến đoạn hồi hộp thì cố tình nói luôn kết quả. Rồi khi mọi người tập trung theo dõi thì “con vịt” lại oang oác khẳng định phim dịch sai vài đoạn, phải dịch như anh ta mới là đúng. Cô người yêu thì cứ “Ôi, sao cái gì anh cũng biết thế!” càng khiến “con vịt” phổng mũi: “Chuyện, anh mà lị!”. Ngứa tai và quả thật bị làm phiền hết sức, Nhi quay sang nói cũng khá to: “Anh ơi, anh xem rồi thì ngồi im cho người khác xem. Nói to nữa em gọi nhân viên lên đấy!”. Từ đấy Nhi và những người xung quanh mới được bình yên mà xem nốt phim.

Những chuyện tưởng chừng như là quá dễ để có thể trở thành nét văn minh, lịch sự tối thiểu, vậy mà đối với một số người, không hiểu sao lại khó khăn đến vậy!

Theo PLXH

Bình luận
vtcnews.vn