Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 21/07/2012 06:08:00 +07:00

(VTC News) - Khi người đi rừng phát hiện ra thì ông đã chết hơn tuần, xác phân hủy bốc mùi tanh cả góc rừng.

(VTC News) - Người đàn ông cô độc này chết trong một cái chòi canh nương rách nát giữa rừng già, cách trung tâm xã gần hai ngày đường cuốc bộ. Khi người đi rừng phát hiện ra thì ông đã chết hơn tuần, xác phân hủy bốc mùi tanh cả góc rừng.


Kỳ 7: Những vụ án chưa khép lại

Năm nào cũng vậy, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều diễn ra trên dưới 100 vụ trọng án, trong đó, tỷ lệ khám phá thành công các vụ trọng án trên địa bàn rừng rú mênh mông này là 92%.

Nhìn vào những con số này tưởng là đơn giản, mấy ai biết rằng, đằng sau đó là bước chân lội rừng với nỗ lực đầy trách nhiệm của các chiến sỹ trong lực lượng công an tỉnh, huyện và xã, trong đó vất vả nhất phải kể đến lực lượng cảnh sát điều tra.

 

Các vụ trọng án thường xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Mỗi buôn, mỗi bản cách nhau cả ngày đường đi bộ và mỗi chòm dân cư chỉ có dăm bảy nóc nhà sống rải rác giữa rừng. Thế nên, khi anh em đến hiện trường thì các thi thể đã thối rữa, hiện trường đã cơ bản bị thay đổi, hung thủ đã cao chạy xa bay.

Trong suốt những năm làm cán bộ điều tra, anh Bịch cũng như đồng đội mình đã phải tiếp xúc với không biết bao nhiêu xác chết thối rữa trong những cánh rừng thâm u không một bóng người. Mỗi vụ án mạng xảy ra các anh lập tức phải có mặt bất kể ngày đêm, mưa nắng để thu thập thông tin, điều tra ban đầu, chỉ đạo và cùng bác sĩ pháp y mổ xẻ tử thi, ghi chép hồ sơ để báo cáo thông tin cho lãnh đạo, ban chuyên án.

Công việc của các anh phải đảm bảo cực kỳ tỉ mỉ, chính xác, chỉ sai sót, lơ là một li là sự thật không thể sáng tỏ. Công an tỉnh Đắk Lắk có mỗi bác sĩ pháp y, phải làm rất nhiều việc, nên thường xuyên phải điều động bác sĩ trong bệnh viện tỉnh.

Mỗi năm Đắk Lắk xảy ra cả chục vụ giết người trong rừng. 

Tiếp xúc với xác chết trương chết thối trong rừng mãi rồi cũng quen, nhưng sợ nhất là cảnh một mình lang thang giữa rừng thiêng nước độc. Đã có không ít lần anh Bịch, anh Tùng và các điều tra viên bị sốt rét rừng quật ngã. Nhưng các anh đều đứng dậy được nhờ những nắm thuốc lá của đồng bào.

Giờ đây, những kinh nghiệm đi và sống trong rừng đã dày, những cây thuốc trong rừng các anh đều thuộc nằm lòng cả nên không ngại gì rừng thiêng nước độc.

Một kỷ niệm hãi hùng nhất trong những năm tháng lội rừng mà anh Bịch còn nhớ đó là lần lạc trong rừng suốt nửa tháng trời. Đó là vụ do hai người đi săn trong rừng Phượng Hoàng, nơi giáp ranh ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên bắn nhầm vào nhau.

Khi đuổi theo một con gấu, Tuấn và Long đã lạc nhau. Bóng đêm sắp tràn ngập cánh rừng, Tuấn sợ thú rừng ăn thịt liền trèo lên cây ngủ. Long đi qua, thấy trên cây có tán lá rung rung liền nhả đạn.

Với người cảnh sát điều tra, mọi chi tiết vụ án đều quan trọng. 

Một khối thịt rụng xuống. Nhưng đó là lại ông bạn săn chứ không phải con thú. Long kéo xác Tuấn vào khe đá, bẻ lá cây đậy lại rồi tìm đường ra.

Trốn ra Nghệ An được một tháng, thấy ăn năn vì hành động của mình nên anh ta đến công an trình báo. Thiếu tá Bịch cùng hai điều tra viên có đôi chân lội rừng dẻo dai được cử đi theo Long.

Con đường từ trung tâm xã vào đến khu vực giấu xác chỉ có một ngày cuốc bộ vậy mà vẫn không tìm thấy xác Tuấn đâu. Hai điều tra viên được cử về báo cáo tình hình, còn thiếu tá Bịch và Long tiếp tục luồn rừng.

Đi suốt một tuần trong rừng mà vẫn không thấy khe đá ấy đâu liền tìm đường ra. Tuy nhiên, đường ra lối nào cũng không nhớ nổi nữa. Anh và Long cứ đi lòng vòng cả ngày rồi lại thấy trở về chỗ cũ.

Điều tra viên và thủ phạm giết người phải đào củ mài, mò cá dưới suối, hái rau rừng để ăn, làm chòi lá trên cây để ngủ. Khu rừng này khi đó hổ báo vẫn đầy lóc nhóc, do vậy, tính mạng chỉ còn biết giao phó cho... rừng già.

Ăn nhờ dân giữa rừng già. 

Đang lúc bất lực trong việc tìm đường ra thì Long chợt nhớ ra cái gốc cây quen quen, rồi cái tảng đá ngờ ngợ, thế là tìm ra xác của Tuấn, nhưng chỉ còn là đống xương với nhúm thịt thối lổm ngổm những bọ. Sau trận lạc đường và chứng kiến cái xác kinh hồn đó, anh ốm mất hơn tháng trời.

Trong những tháng ngày lội rừng phá án, cũng có không ít những vụ án còn bế tắc trong việc tìm ra thủ phạm, đó là nỗi đau, là trăn trở lớn nhất của anh cũng như của những người cảnh sát điều tra.

Chẳng ai trách các anh được, bởi có mấy ai dám xung phong nhận nhiệm vụ lội rừng cả tháng trời để phá án đâu, song mỗi vụ án qua thời gian dài chưa khép lại là các anh lại thấy hổ thẹn với đồng đội, thấy có lỗi với nhân dân, đặc biệt là thân nhân những nạn nhân bị chết một cách oan ức.

Vụ án ông già người Mường quê ở Thanh Hóa vào khu rừng thuộc xã Nam Đà, Krông Nô khai hoang, sinh sống bị sát hại vẫn còn ám ảnh anh suốt mấy năm nay.

Gần dân để khai thác thông tin. 

Người đàn ông cô độc này chết trong một cái chòi canh nương rách nát giữa rừng già, cách trung tâm xã gần hai ngày đường cuốc bộ. Khi người đi rừng phát hiện ra thì ông đã chết hơn tuần, xác phân hủy bốc mùi tanh cả góc rừng.

Sau khi bác sĩ pháp y làm xong việc thì rút về, để lại điều tra viên Đỗ Thanh Bịch một mình trong căn chòi đó. Hàng ngày, anh xẻ rừng cuốc bộ quanh khu vực với bán kính hàng chục cây số để tìm đến các nương rẫy, gặp gỡ những người đi rừng, làm nương, thợ săn, lâm tặc để thu thập tin tức, mong tìm ra đầu mối giải quyết vụ án.

Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi anh chắc chắn người đàn ông này chết vì bị vật cứng đập vào đầu làm bể hộp sọ. Nhưng hung thủ là ai thì đó vẫn là câu hỏi day dứt trong anh từ mấy năm nay.

Nghe một số người sống gần khu vực đó kể lại thì mảnh nương và cái chòi đó xưa kia cũng có một người đàn ông cô độc sinh sống. Song một ngày đám thợ săn đi qua không thấy ông ta đâu mà chỉ thấy một bộ xương với chút thịt khô quắt còn sót lại.

Vụ án chưa sáng tỏ, người điều tra viên còn chưa ăn ngon, ngủ kỹ. 

Xung quanh bộ xương ấy là vô số dấu chân hổ to bằng miệng bát tô. Sau khi người đàn ông bị hổ xơi thịt, mấy năm trời không ai dám đi qua khu vực đó cho đến khi người đàn ông cô độc người Mường này từ mãi Thanh Hóa vào khai phá, sinh sống.

Từ khi người đàn ông này bị sát hại, người ta thêu dệt đủ chuyện hãi hùng, nhưng với cán bộ điều tra Bịch thì điều đó không hề hấn gì. Anh đã biến căn chòi hoang của ông già xấu số thành nơi trú ngụ suốt 4 tháng trời. Dùng giường ông ta nằm để ngủ, dùng chăn của ông để đắp, dùng mấy chiếc xoong nồi sứt mẻ của ông ta để nấu mì tôm, canh rau rừng.

Có đêm nằm không ngủ được vì tiếng vượn hót nghe não lòng, tiếng gầm gừ của không biết giống thú gì. Thậm chí, có đêm ngủ dậy, thả chân xuống đất dẫm thẳng vào sống lưng con rắn hổ chúa to bằng bắp tay, dài ngoằng ngoẵng đến ba bốn mét.

Những ngày mưa tầm tã, không có thực phẩm tiếp tế của công an xã anh xài nốt cả số gạo mốc trong bồ và bọc cá khô treo trên nóc chòi còn sót lại của người đàn ông xấu số.

Tuyên truyền pháp luật tới dân. 

Gạo hết, cá khô cũng hết, anh đào sắn mọc dại ngoài nương hết ăn nướng lại ăn luộc. Rỗi rãi ra suối lật đá bắt cua nấu với mầm măng, mầm giang hoặc rau tàu bay, thứ rau rất sẵn trong những cánh rừng Tây Nguyên.

Đôi lúc cũng thèm thịt thú rừng lắm, thấy con mang (hoẵng) nhởn nhơ uống nước bên suối cũng giương súng lên, nhưng rồi lại không đủ can đảm để bóp cò.

4 tháng điều tra, 4 tháng sống trong cảnh không đèn đóm, đêm đen như mực, ngày lúc nào cũng lờ mờ, âm u. 4 tháng đi khắp cánh rừng, khắp địa bàn, gặp rất nhiều đối tượng nằm trong diện nghi ngờ, song kết quả vẫn là con số không. Cái chết của người đàn ông cô độc giữa rừng vẫn là nỗi ám ảnh không dứt trong anh suốt mấy năm nay.

Đối với những chiến sĩ công an điều tra, đặc biệt là các điều tra viên ở Công an tỉnh Đắk Lắk, rừng là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Thiếu tá Bịch sau bao nhiêu năm lội rừng đằng đẵng, mới đây cơ quan đã ưu tiên cho một công việc nhàn nhất đối với người công an điều tra: điều tra án trên hồ sơ. Điều đó có nghĩa là cả ngày anh chỉ vùi đầu vào đống hồ sơ, không phải đi đâu nữa.

Tuy nhiên, lâu nay thiếu tá Bịch lại thấy buồn, vì anh nhớ rừng quá, thèm được một chuyến đi rừng thật đã. Đôi chân lâu lâu không được đi rừng cứ thấy ngứa ngáy.

Giờ đây, thay anh trong việc đi rừng là hai chục chiến sĩ trẻ, hai chục điều tra viên của PC14. Nhưng rừng giờ còn mấy đâu mà lội, lâm tặc đã phá sạch trơn sạch trốc hết rồi.

Quân Lê – Thụy Bình
Bình luận
vtcnews.vn