Những vụ sụp đổ bán hàng đa cấp rúng động thị trường

Kinh tếThứ Tư, 19/12/2012 12:33:00 +07:00

(VTC News) - Dù biết bán hàng đa cấp tại Việt Nam mang rất nhiều tiếng xấu nhưng thị trường vẫn rúng động vì sự sụp đổ của không ít các công ty đa cấp nổi tiếng

(VTC News) - Dù biết bán hàng đa cấp tại Việt Nam mang rất nhiều tiếng xấu nhưng thị trường vẫn rúng động bởi sự sụp đổ của không ít các công ty đa cấp nổi tiếng.

Muaban24 lừa đảo bằng gian hàng điện tử

Vụ sụp đổ của công ty đa cấp gây rúng động gần đây nhất chính là Muaban24. Từ giữa năm 2011, website muaban24.vn được mở ra dưới danh nghĩa sàn giao dịch thương mại điện tử. Với những hoạt động truyền thông, hội thảo, các khóa học đào tạo rình rang, sàn muaban24.vn đã gây được sự chú ý và nhanh chóng phát triển hệ thống hội viên lên tới hàng vạn người, với hệ thống chi nhánh ở hầu hết các tỉnh thành cả nước.

Mỗi người khi tham gia “dự án” của muaban24 sẽ phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua một gian hàng ảo. Ngoài việc được quyền đăng tin mua, bán trên gian hàng ảo đó, người mua gian hàng sẽ trở thành hội viên của muaban24, và cơ hội kiếm tiền mở ra với họ bằng cách chèo kéo người khác mua gian hàng để hưởng 1,5 triệu đồng trong số 5,2 triệu đồng mà người mua gian hàng nộp vào muaban24.


Không chỉ như vậy, nếu hội viên phát triển được 2 nhánh, mỗi nhánh có 99 gian hàng thì sẽ được nâng bậc VIP và được thưởng gần 100 triệu đồng trực tiếp. Ngoài ra, hội viên này còn được hưởng phần trăm gián tiếp nếu những người dưới họ lôi kéo được người khác mua gian hàng.


Mạng lưới Muaban24 có hơn 50 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong vòng 1 năm, Muaban24 đã phát triển tới 120.000 gian hàng, với số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng.


Tuy nhiên, báo chí đã phanh phui nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Muaban24 trong cả nước, đến nay đường dây này đã từng bước được phanh phui với sự vào cuộc rốt ráo của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành. Kết quả là các đối tượng cầm đầu Muaban24 đã bị khởi tố và tạm giam.


Rất nhiều người tham gia đường dây này đành ngậm đắng nuốt cay vì mất cả chục triệu đồng mua “gian hàng điện tử” của đường dây đa cấp này.


Sự sụp đổ của Agel 


Trước đó không lâu, hàng ngàn người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Agel (Mỹ) đã chịu thiệt hại nặng nề khi đột nhiên Agel Việt Nam tuyên bố đóng cửa. Lần đầu tiên, thị trường kinh doanh hàng đa cấp trong nước ghi nhận một vụ việc như vậy.


Đứng đầu một hệ thống có tới 20.000 người trong mạng lưới Agel Việt Nam, bà Chu Thị Mỹ Hương khẳng định các thành viên tuyến dưới của bà bị mất khoảng 3 tỉ đồng, tương đương 2.000 hộp sản phẩm và trên 300 triệu đồng tiền hoa hồng tháng 2.


Khi vụ đóng cửa công ty bất ngờ xảy ra, bà Hương đã gửi thư khiếu nại tới khắp các cơ quan chức năng ở Việt Nam và cả Công ty Agel ở Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ trả lời họ không có trách nhiệm, mà là của Agel Việt Nam.


Cũng theo bà Hương, thiệt hại còn nặng nề hơn vì các thành viên trong hệ thống mượn hàng qua lại, cho nên khi công ty đóng cửa, hàng không nhập nên nợ nần chồng chéo. Nhiều người là sinh viên đã nhắm mắt tham gia vào hệ thống bằng cách đóng vào 15 triệu đồng, nhưng chưa kịp nhận hộp hàng nào để bán thì công ty đóng cửa, trở thành người trắng tay.


Agel Việt Nam được thành lập vào năm 2008, thời điểm lớn mạnh nhất vào 2009 - 2010 khi thành viên lên tới 50.000 người.


Sau đó thu hẹp nhưng con số cũng đến 30.000 thành viên. Mô hình của bán hàng đa cấp là kêu gọi càng nhiều người tham gia càng tốt, để được nhận tiền hoa hồng tuyển dụng và hoa hồng hệ thống (bán hàng), đồng thời được thăng chức kèm theo quyền lợi vật chất.


Vì thế, khi công ty đổ vỡ, một hệ thống dây chuyền những người tham gia cùng “sập”. Thiệt hại từ đó sẽ càng lớn hơn. Theo ông N. (đề nghị giấu tên) - người từng giữ vị trí điều hành cấp cao của Agel Việt Nam, đã nghỉ việc từ đầu tháng 3.2011 - ước tính các thành viên Agel trong cả nước mất tiền tổng cộng 5 - 6 tỉ đồng.

 Nóng vội muốn đạt vị trí cao nhiều người đã tự bỏ tiền tỷ tự đầu tư vào Agel

Du lịch cũng kinh doanh đa cấp

Vụ việc được nhiều người nhắc đến nhất trong thời gian vừa qua là việc Công an TP.Hà Nội phá vỡ một đường dây bán hàng đa cấp có quy mô “siêu khủng”.

Cụ thể, hồi tháng 3 vừa qua, Công an TP. Hà Nội đã có thông báo về kết quả điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp đặc biệt lớn, với gần 90.000 người bị hại ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, với giá trị hàng chục triệu USD.

Vụ lừa đảo này thôn qua hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng internet (với sản phẩm là gói dịch vụ du lịch đặt phòng 4 ngày, 3 đêm do tập đoàn Diamond Holiday Travel (DHT) Hoa Kỳ cung cấp) do Lâm Phúc Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á cầm đầu.


Theo đó, khách có thể đi du lịch thế giới chỉ với 375 USD, nghỉ tại khách sạn 3 đến 5 sao. Ngoài ra, khách còn có thể kiếm tiền thưởng bằng cách cứ kêu gọi được nhiều người tham gia thì sẽ được “lên tầng” cao hơn.


Khi đóng 375 USD, khách được xếp “bàn du lịch tầng 1”, cho đến khi leo qua “bàn bậc 4” sẽ được chuyển sang “bàn kim cương” và được thưởng 1.000 USD.

>> Dân đã dính 'bùa' công ty đa cấp lừa thế nào?

Bản chất chương trình này là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên, đánh trúng lòng tham của người chơi khi bỏ ra một số tiền nhỏ mà lợi nhuận lại không có giới hạn. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, rất ít người được đi du lịch.

Golden Rock - Vụ lừa đảo 10 triệu USD

Không phải thời gian này, những vụ lừa đảo đa cấp liên tiếp mới được phanh phui. Từ năm 2006, thị trường đã rúng động bởi  thông tin Stanley Elliot Tan, trưởng Văn phòng Golden Rock mang 10 triệu USD rời Việt Nam.

Stanley Elliot Tan (Trưởng văn phòng) và Pheng Kwok Ping Patrick (Trưởng phòng tài chính của Golden Rock) khi còn chung vai sát cánh ở Việt Nam. 

Sau khi Stanley Elliot Tan bỏ trốn, hoạt động kinh doanh Golden Rock mới được bóc mẽ. Theo đó, khách hàng được kêu gọi đầu tư vào thị trường ngoại hối này với tiền lãi khá béo bở.


Với hứa hẹn lãi suất cao, ít nhất là 5% trên một tháng, nếu uỷ quyền toàn bộ tiền cho văn phòng Golden Rock giao dịch. Hoặc uỷ quyền không bảo đảm lợi nhuận thì lãi suất sẽ dao động, có khi lên đến 15% hoặc sẽ không có lợi nhuận vì tuỳ thuộc vào giao dịch. Và một hình thức khác là khách hàng tự chơi.


Tuy nhiên, Stanley Elliot Tan lật chiêu bài, thuyết phục nhân viên và hướng dẫn nhân viên thuyết phục khách hàng rằng, thị trường giao dịch ngoại hối này có lãi suất cao, nhưng chỉ với những người am hiểu và có kinh nghiệm thì mới có thể mang về lợi nhuận.


Vì thế, Stanley Elliot Tan vận động nhân viên và khách hàng nên lựa chọn cách tốt nhất là uỷ thác cho Stanley Elliot Tan, vì y đã thuê các chuyên gia nước ngoài có đầy kinh nghiệm giao dịch và bản thân Stanley Elliot Tan cũng là người có kinh nghiệm trong việc kinh doanh tiền tệ.

Để tham gia vào trò kinh doanh ngoại hối này (mà thực chất là “buôn tiền”), mỗi người phải có đóng ít nhất 5.000USD và uỷ thác cho Stanley Elliot Tan.


Sau đó, khách hàng sẽ được cung cấp số tài khoản để kiểm tra giao dịch trên sàn giao dịch Golden PMC, được tải về từ trang web www.goldenpmc.com (nhưng hiện nay web site này đã đóng cửa, sau khi Stanley Elliot Tan bỏ trốn).


Với thủ đoạn trên, ngày càng nhiều khách hàng đến với văn phòng Golden Rock, và cả nhân viên của chính công ty cũng tin tưởng gửi gắm tiền bạc cho Stanley Elliot Tan và Pheng Kwok Ping Patrick để sinh lời, mà trong tay không hề nhận được bất kỳ giấy tờ có giá trị pháp lý nào, ngoài những lời hứa suông.


Khi phát hiện hành vi lừa đảo của mình có dấu hiệu bị phát hiện, ngay lập tức, Stanley Elliot Tan và Pheng Kwok Ping Patrick bỏ trốn.


Colony Invest


Chỉ một năm sau vụ Golden Rock, những hội viên của mô hình kinh doanh đa cấp lại một lần nhận trái đắng mang tên Colony Invest.


Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2007, trên mạng Internet xuất hiện nhiều website giới thiệu về Công ty Colony Invest Management Inc. (gọi tắt là Công ty CI), trong đó website http://www.colonyinvest.net được chú ý nhiều nhất với nhiều hình ảnh, nội dung quảng cáo đầu tư qua mạng rất bắt mắt.

>> Dân đã dính 'bùa' công ty đa cấp lừa thế nào?

Từ lời khai của các đối tượng và tài liệu thu thập được cho thấy mỗi nhóm chơi gồm bảy người (nếu thừa thì lập nhóm mới) với điều kiện phần góp vốn đã gửi không được rút ra để đầu tư lâu dài (thực chất lôi kéo người chơi rót tiền vào). Vòng quay vốn qui định của CI là 100 ngày.


Người đầu tư trực tiếp đưa tiền cho người môi giới và được cấp một tài khoản cùng mật khẩu (ảo), không có biên nhận, phiếu thu. Người chơi có thể mua bán điểm với nhau nên giao dịch trong mạng lưới dưới dạng tiền ảo ngày càng mở rộng. Đây là thủ đoạn mà các đại lý dùng để bán điểm ảo thu tiền thật nhằm chiếm đoạt với số tiền rất lớn.


Cụ thể, nếu có bảy người tham gia, mỗi người mua về 500 điểm colony thì số tiền bỏ ra là 61.600.000 đồng. Sau 100 ngày số điểm phát sinh sẽ là 500x7x2,8=9.800 điểm (2,8% là lãi suất một ngày).


Như vậy, số điểm của bảy người lúc này là: 3.500+9.800=13.300 điểm. Số điểm phát sinh sẽ được đổi ra thành tiền thật rút tại ngân hàng là 9.800 điểm với mức phí 10% và trừ 25 điểm gọi là điểm phí giao dịch. Cụ thể: 9.800-980-(7x25)=8.645 điểm. Số tiền thật sẽ là: 8.645x14.400=124.488.000 đồng. Sau 100 ngày số tiền phát sinh là 124.488.000-61.600.000=62.888.000 đồng.


Nếu các điều khoản trong trang web colonyinvest.net là sự thật thì sau 100 ngày công ty này chi ra 62.888.000 đồng, nếu không kinh doanh được thì số tiền này coi như bị lỗ.


Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại. Việc một số người tham gia trong giai đoạn đầu đã được hưởng lãi suất cao là có thật nhưng rất ít. Thực chất đây chỉ là thủ đoạn gây uy tín nhằm lôi kéo nhiều người tham gia.


“Nhà đầu tư” phải nộp tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng trong đường dây lừa đảo. Nếu người tham gia muốn rút tiền qua ngân hàng thì phải gặp người quản lý trực tiếp (trưởng đại lý, chi nhánh) để yêu cầu rút tiền với mức phí 10% và 25 USD phí giao dịch.


Thông qua một trang web ảo quảng cáo rùm beng, các “chuyên gia tài chính Colonyinvest” đã lôi kéo và đẩy hàng chục ngàn người vào con đường lao đao, tan cửa nát nhà vì món “siêu lợi nhuận”.


Tích góp, thế chấp tài sản, vay mượn để kinh doanh qua mạng, nhiều "nhà đầu tư" đã lâm vào cảnh túng quẫn khi số tiền của mình biến mất cùng những "tập đoàn" ảo.


“Anh em song sinh” Callys Invest


“Anh em song sinh” của Colony Invest là Callys Invest. Cũng trong thời điểm cuối năm 2007, Cơ quan điều tra đã xác định Nguyễn Quang Sáng (hộ khẩu thường trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là đối tượng thu nhiều tiền nhất trong tổ chức huy động tín dụng đa cấp qua mạng Callysinvest.


Các đối tượng mở rộng đường dây rộng khắp với mạng lưới tầng nấc lên đến 9 -10 lần và dùng các chiêu bài cũ của chương trình đầu tư siêu lợi nhuận của "Công ty Colony Invest và Callys Invest" và thông qua các mạng Colonyinvest.net; Callysinvest.net; e-gold.com.


Khi thấy trên hệ thống mạng có tới 800 người tham gia, Hải quyết định đánh sập mạng này để chối bỏ trách nhiệm. Tại cơ quan chức năng, Sáng thừa nhận, chỉ trong khoảng 3 tháng, đã có khoảng 5.000 người bị lừa với tổng số tiền lên đến 5 triệu USD.


Bảo Linh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn