Những 'vũ khí nguy hiểm' Trung Quốc có thể dùng để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Thế giớiThứ Hai, 23/07/2018 08:07:00 +07:00

Trung Quốc đang nắm trong tay những vũ khí có thể giúp Bắc Kinh giành được ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, trang CNBC nhận định.

Hôm 20/6, Mỹ nổ phát súng mới vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi tuyên bố kế hoạch áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này. Sau đúng một tháng, ngày 20/7 Tổng thống Trump khẳng định nếu cần thiết ông sẽ tiếp tục áp mức thuế tương tự lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ với tổng giá trị lên tới 500 tỷ USD. 

CNBC cho rằng, mặc dù Washington là bên liên tục đưa ra những lời đe dọa và có vẻ như đang chiếm thế thượng phong, Bắc Kinh trên thực tế cũng có những đòn đáp trả tương xứng với cùng quy mô. 

Tuy nhiên, xét về lý thuyết, Mỹ có thể áp thuế lên tới 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương với tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017. Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ nên rất khó để Trung Quốc phản đòn theo kiểu ăn miếng trả miếng. 

xi-trump-759 6

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) 

Mặc dù vậy, theo bà Kristina Hooper, chiến lược gia về thị trường toàn cầu của công ty Invesco: "Trung Quốc có một kho ‘vũ khí’ có thể cân đối sức mạnh với Mỹ trong cuộc chiến này và họ có thể tung ra chúng nếu Mỹ tiếp tục lấn tới".

“Thuế quan chỉ là ‘bề nổi của tảng băng’ về những gì Trung Quốc đang có”, bà này nhận định. 

Dưới đây là các "vũ khí" mà Trung Quốc có thể sử dụng để chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại theo CNBC

Ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất với khoảng 1.000 tỷ USD theo thống kê năm 2017.

Giống như hầu hết các nhà đầu tư, Trung Quốc muốn giữ những "đồng bạc xanh" theo một cách an toàn như một nguồn đầu tư vững chắc. 

Video: Suất ản của Chủ tịch Tập Cận Bình gây sốt vì liên tưởng tới chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi"

Tuy nhiên, một khi bị ép vào đường cùng, Bắc Kinh hoàn toàn có thể bán hoặc ngừng mua trái phiếu của Mỹ. "Điều đó chẳng khác nào một quả bom hạt nhân dội xuống kinh tế Mỹ", bà Hooper nhận định. 

Khi Trung Quốc bán ồ ạt trái phiếu Mỹ, lợi suất trái phiếu có thể sẽ bị đẩy lên một mức rất cao. Lúc này, những người nắm trong tay trái phiếu Chính phủ Mỹ ở khắp nơi bao gồm cả chính phủ và người dân Mỹ sẽ chứng kiến cảnh giá trị trái phiếu của họ lao dốc. Việc lợi suất trái phiếu bị nâng cao cùng với đó buộc chính phủ Mỹ phải vay tiền với lãi suất cao hơn. 

Tuy nhiên, CNBC cho rằng Trung Quốc có thể sẽ không áp dụng phương án này. Một phần vì Bắc kinh nếu làm vậy sẽ tự làm giảm giá trị trái phiếu họ đang nắm giữ, một phần vì họ cũng không có lựa chọn thay thế an toàn cho đồng USD. 

Theo CNN Money, số liệu thống kê cuối cùng vào năm 2016 Mỹ mang trên mình khoản nợ khổng lồ lên đến hơn 19.200 tỷ USD. Chủ nợ lớn nhất của Mỹ là công dân và các tổ chức của nước này với tỷ trọng hơn 67%. Phần còn lại thuộc về các chủ nợ nước ngoài trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước dẫn đầu. 

19.200 tỷ USD là giá trị của số trái phiếu chính phủ Mỹ đã được các bên mua vào. Bên phát hành, mà ở đây chính là Chính phủ Mỹ, sẽ là con nợ, có nghĩa vụ phải trả cho bên cho vay (là những bên nắm giữ trái phiếu) một số tiền nhất định (gồm cả gốc và lãi) trong một khoản thời hạn nhất định, khi trái phiếu đáo hạn.

Suốt 3 thập kỷ qua, giá trái phiếu kho bạc Mỹ đã liên tục tăng cao, đẩy lợi suất sụt giảm. Điều này có nghĩa là các chủ nợ của Mỹ bị thiệt. Nhưng các bên vẫn đổ xô mua trái phiếu Chính phủ Mỹ để củng cố kho dự trữ ngoại hối dù mức lợi suất mà họ thu được thấp hơn nhiều so với các tài sản đầu tư khác.

Phá giá đồng nhân dân tệ 

Nếu Trung Quốc muốn làm Tổng thống Trump đau đầu và đáp trả sòng phẳng Mỹ, đây có thể là một phương án hợp lý nhất bởi “tiền tệ là đòn bẩy hiệu quả nhất để bù đắp cho tác động của hàng rào thuế quan”, theo Salman Baig, một nhà quản lý đầu tư tại công ty Unigestion có trụ sở tại Geneva. 

Ông Baigs cho rằng Trung Quốc có thể dùng nhiều biện pháp để giảm giá đồng nhân dận tệ, nhưng Bắc Kinh cũng không nhất thiết phải tự làm điều này bởi đồng nội tệ giảm giá là hệ quả tự nhiên khi áp đặt hàng rào thuế quan. Một khi Mỹ đánh thuế càng lớn thì đồng Nhân dân tệ cũng sẽ tự giảm.  

Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn không muốn đồng tiền của mình trượt giá quá nhanh và họ đang dần chuyển sang tỷ giá hối đoái thả nổi tự do. Nhưng nếu tính ngắn hạn, Bắc Kinh hoàn toàn có thể chấp nhận để đồng Nhân dân tệ rớt giá nhằm chống lại tác động từ mức thuế quan bị áp đặt. 

"Họ không muốn có biến động quá lớn trong tiền tệ nhưng hoàn toàn sẵn sàng giảm 2% còn 5% với đồng nhân dân tệ nếu quá trình mất giá diễn ra một cách trật tự, có kiểm soát", ông Baig nhận định. 

Gây khó khăn đối với các công ty Mỹ

Chính phủ Trung Quốc rất có sức ảnh hưởng tới người dân nước họ. Vậy nên việc yêu cầu công dân ngừng mua hàng Mỹ hay đi du lịch tới đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bắc Kinh.

Hoàn toàn không phải hoài nghi điều này nếu nhìn vào trường hợp của Hàn Quốc sau khi Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên, động thái mà Bắc Kinh cáo buộc là đe dọa an ninh của Trung Quốc và gây bất ổn trong khu vực. Gần như ngay sau cáo buộc của chính phủ, hàng loạt siêu thị có chủ đầu tư Hàn Quốc tuyên bố phá sản, các công ty xe hơi của Hàn Quốc mất dần thị trường ở Trung Quốc. 

"Không có lệnh cấm, nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ cần đánh tiếng, sau đó các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ đưa ra những thông báo nhất định và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất dần thị phần. Điều này hoàn toàn có thể xảy đến với McDonald’s hoặc Burger King", ông Gerardo Zamorano, Giám đốc Bộ phận đầu tư tại Brandes Investment Partners cho hay. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có thể gây khó khăn cho các công ty Mỹ muốn rút tiền mặt ra khỏi Trung Quốc bởi việc chuyển tiền cần phải được chấp thuận và chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thao túng quá trình này.  Ngoài ra, Bắc Kinh có thể gây khó dễ đối với các công dân Mỹ trong việc cấp thị thực, gia tăng gánh nặng pháp lý đối với công ty Mỹ, đánh thuế lên một số doanh nghiệp hay triển khai các cuộc điều tra về chống độc quyền. 

Cô lập Mỹ về mặt thương mại

Trung Quốc có thể bắt tay với các nước vốn đã không hài lòng với các chính sách của Mỹ để cô lập Washington. Trên thực tế thì Bắc Kinh cũng đã bắt đầu làm như vậy. 

1512477100-1536369 5

Trung Quốc hoàn toàn có thể kêu gọi thành lập một liên minh và đẩy Mỹ sang một bên. (Ảnh: AP)

Thậm chí nếu muốn tạo ra một đòn "trời giáng", Trung Quốc hoàn toàn có thể tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi để tạo thêm các mối quan hệ thương mại với 11 quốc gia thành viên. 

Thuế quan giữa Trung Quốc và các quốc gia này khi đó sẽ được giảm bớt hoặc gỡ bỏ, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa. 

"Thử tưởng tượng Trung Quốc quyết định tham gia. Đó sẽ là một thỏa thuận thương mại toàn cầu", ông Salman Baig nhận định. 

Mỹ hiện cũng đang phải đối mặt với các cuộc chiến thương mại với Canada, Châu Âu và các nước khác. Vậy nên Trung Quốc hoàn toàn có thể lợi dụng thời cơ này để kêu gọi hình thành các liên minh thương mại mới và cô lập Washington. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn