Những vụ dùng máy bay cứu người hy hữu

Thời sựThứ Bảy, 01/03/2014 05:21:00 +07:00

Việc dùng chuyên cơ để di chuyển, cứu người trong những trường hợp khẩn cấp tại nước ngoài rất phổ biến, song ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và hạn chế.


Dùng trực thăng chở 25 bác sĩ lên Lai Châu

Liên quan đến vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 6 (Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) vào sáng 24/2 khiến 8 người chết và 38 người bị thương, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề xuất dùng trực thăng đưa các bác sĩ từ Hà Nội lên Lai Châu cấp cứu các nạn nhân.

2 máy bay trực thăng Mi-171 và Mi-172 của Trung đoàn 916 được giao nhiệm vụ. Sáng 25/2, 2 trực thăng đưa 25 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức lên Lai Châu.

máy bay, trực thăng, chuyên cơ, cá nhân, Chu Va, Lai Châu, cấp cứu, ngư dân
Chiếc Mi-171 chở đoàn các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức có mặt tại Lai Châu vào trưa 25/2. Ảnh: Dân Việt

Quảng trường trung tâm Lai Châu được phong tỏa và sử dụng làm bãi đỗ trực thăng.

Hơn 12h trưa ngày 25/2, ngay sau khi xuống trực thăng, đoàn y bác sĩ nhanh chóng di chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.

Các vật dụng y tế cùng hàng trăm đơn vị máu được đoàn đem từ Hà Nội lên. Ngay khi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, nhiều bác sĩ còn chưa kịp dỡ ba lô xuống đã bắt tay ngay vào việc, tiến hành chẩn đoán nhanh và chuẩn bị phẫu thuật cho các nạn nhân.

Huy động trực thăng cứu ngư dân, chiến sĩ

Vào khoảng 2h sáng 30 Tết (30/1/2014), trung úy Nguyễn Mạnh Trường đang làm nhiệm vụ tại đảo An Thới (Phú Quốc) bất ngờ bị bệnh nặng, nghi chảy máu não.

Ngay lập tức, tin khẩn được báo cho Sư đoàn không quân 370.

Ngay trong sáng 30/1, một trực thăng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất xuống sân bay Cần Thơ nạp nhiên liệu rồi bay ra đảo Phú Quốc đón bệnh nhân. Cùng đi với tổ bay gồm các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175.

Đến khoảng 11h, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất để đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Không chỉ có các chiến sĩ, trong nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn, Bộ Quốc Phòng cùng UBQG TKCN cũng gấp rút điều trực thăng ra biển tìm kiếm, cứu ngư dân.

Mới đây nhất vào ngày 12/2, chiếc tàu chở 950 tấn Niken từ Ninh Bình ra Quảng Ninh đã gặp sự cố và bị chìm tại vùng biển Ba Lạt (Giao Thủy, Nam Định) khiến 4 thuyền viên trên tàu mất tích.

Nhận được tin, chiều 13/2, trực thăng của Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc Phòng đã xuất phát, tiến hành tìm kiếm tại cửa biển Ba Lạt trở ra.

Vào ngày 15/10/2013, chiếc máy bay Mi-171 của Sư đoàn Không quân 370 đã chở bệnh nhân Bùi Nam Hồng Việt (41 tuổi) bị cảm thương hàn nặng trong khi đánh cá ở khu vực Trường Sa vào đất liền an toàn.

máy bay, trực thăng, chuyên cơ, cá nhân, Chu Va, Lai Châu, cấp cứu, ngư dân
Anh Trực được trực thăng đưa vào đất liền cấp cứu. Ảnh: Thanh niên

Trước đó ngày 19/8/2013, ngư dân Nguyễn Văn Trực (38 tuổi, ở xã Tam Quan, H.Hoài Nhơn, Bình Định) cùng 12 thuyền viên tàu cá BĐ 97076 trong lúc đang hoạt động cách đảo Song Tử Tây khoảng 60 hải lý đã gặp tai nạn, gây chấn thương cột sống.

Đến chiều 21/8, sau khi nhận được tin cấp cứu, Trung đoàn Không quân 937 đã huy động máy bay trực thăng đưa ngư dân bị nạn về cấp cứu tại Bệnh viện đa Khoa tỉnh Ninh Thuận.

Thuê trực thăng từ Hà Tĩnh ra Hà Nội cấp cứu

Có lẽ đây là trường hợp hiếm hoi tại Việt Nam khi gia đình tự túc thuê trực thăng đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Vụ việc đã gây xôn xao dư luận cả nước suốt một thời gian dài. Nhiều câu hỏi quanh chi phí dịch vụ "khủng" này được nhiều người quan tâm. Con số ước tính lên tới 300-500 triệu đồng.

Ngày 10/8/2012, cô giáo Trần Thị Thảo (SN 1975, ngụ xã Thạch Đồng, TP.Hà Tĩnh) bất ngờ bị tai nạn giao thông, khiến phần chân phải bị dập nát.

Các bác sĩ tại bệnh viện tỉnh cho biết bệnh nhân phải được chuyển lên tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, nếu không sẽ phải cắt chân mới giữ được mạng sống.

máy bay, trực thăng, chuyên cơ, cá nhân, Chu Va, Lai Châu, cấp cứu, ngư dân
Chiếc máy bay mang số hiệu VN-8416 đỗ tại sân bóng để đón chị Thảo. Ảnh: Pháp luật VN

Một quyết định táo bạo được đưa ra, em chồng chị Thảo làm trong ngành quân đội đã gọi điện thuê một máy bay trực thăng từ Hà Nội về Hà Tĩnh đưa chị Thảo ra Bệnh viện 108 cấp cứu.

Quyết định này đã khiến rất nhiều người dân và y bác sỹ tại Bệnh viện Hà Tĩnh ngỡ ngàng và ngạc nhiên nhất khi hoàn cảnh vợ chồng chị Thảo rất khó khăn. Tuy nhiên gia đình nhà chồng chấp nhận bán cả nhà đất, vườn tược để cứu con dâu.

Chiều tối 10/8, chiếc máy bay mang số hiệu VN-8416 của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam sau đó có mặt tại sân bóng trung tâm TP.Hà Tĩnh đón chị Thảo rồi đáp xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Xe cứu thương chuyển thẳng nạn nhân đến bệnh viện 108 lúc 19h cùng ngày.

Tuy nhiên do thời gian từ lúc bị tai nạn đến khi nhập viện kéo dài 15 giờ (tối đa chỉ được 6 giờ) nên chân phải của chị Thảo đã không thể cứu được. Các bác sĩ buộc phải cắt đến một nửa xương đùi trên của nạn nhân.

Thuê trực thăng cứu trẻ sinh non 1,2kg

Trước chị Thảo, chị Nguyễn Thị Hải (Lai Châu) cũng từng thuê máy bay để chở bé sinh non 26 tuần nặng 1,2kg xuống Hà Nội cấp cứu.

Liên hệ với Công ty Dịch vụ bay Miền Bắc ngay trong đêm, gia đình nhận được hợp đồng có giá hơn 400 triệu đồng.

máy bay, trực thăng, chuyên cơ, cá nhân, Chu Va, Lai Châu, cấp cứu, ngư dân
Ảnh: Chị Hải bên cậu con trai. Ảnh: Tuổi trẻ

Đúng 14h ngày 1/1/2012, máy bay đến Lai Châu. Tuy nhiên do thời tiết lúc đó dưới 5 độ C, nhiều sương mù nên không thể hạ cánh.

Dù vậy, gia đình vẫn phải thanh toán 50% giá trị hợp đồng.

Sau đó gia đình chị Hải đã đưa con bằng ô tô từ Lai Châu về Hà Nội qua quãng đường không dưới 10 tiếng đồng hồ.

Sau 2 tháng điều trị, cháu bé đã tăng thêm 2kg và đến 3,5 tháng đã nặng 5kg và được đặt tên là Cao Trung Dũng.

Dịch vụ cho thuê máy bay có người lái tại Việt Nam hiện nay khá "chát". Mức giá tại Công ty Trực thăng Miền Bắc là 4,5 – 7,3 ngàn USD/giờ bay (tương đương 90 triệu– 150 triệu VNĐ/giờ bay).

Bình luận
vtcnews.vn