Những vụ án đưa và nhận hối lộ "đình đám" 2009

Pháp luậtThứ Sáu, 05/02/2010 10:19:00 +07:00

(VTC News) - Nhân vụ việc Phó TGĐ BIDV Bank bị bắt về hành vi nhận hối lộ, VTC News điểm lại một số vụ án đưa và nhận hối lộ gây xôn xao dư luận thời gian qua.

(VTC News) - Chiều 2/2, ông Đoàn Tiến Dũng (54 tuổi, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) bị CA Hà Nội bắt để điều tra làm rõ dấu hiệu nhận hối lộ gần 1 tỷ đồng của một doanh nghiệp. Nhân vụ việc này, VTC News xin điểm lại 3 nghi án và vụ án đưa - nhận hối lộ gây xôn xao dư luận trong năm 2009.

Nghi án nhận hối lộ ở dự án Đại lộ Đông Tây

Với trên 4.000 trang tài liệu chủ yếu là tiếng Anh do phía Nhật Bản chuyển giao cho các cơ quan tố tụng Việt Nam, cần 1 tỷ đồng mới có thể dịch xong số tài liệu ấy, có thể nói hồ sơ “Cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP.HCM nhận hối lộ” được xem là nghi án gây xôn xao dư luận nhất trong năm vừa qua. Nghi án này kéo dài từ giữa năm 2008 và theo cơ quan chức năng, ngày 8/2/2010 sẽ mở phiên phúc thẩm.

Tháng 8/2008, phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam cùng hợp tác điều tra sau khi có nghi vấn Công ty tư vấn xây dựng Thái Bình Dương (PCI) hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM, để được chọn là nhà thầu tư vấn giám sát dự án đại lộ Đông Tây.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Lê Quả nghe đọc cáo trạng tại TAND TP.HCM. Ảnh: Vietnamnet 

Ngày 12/11/2008 báo chí Nhật Bản đưa tin, các cựu lãnh đạo PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP.HCM. Lần đưa thứ nhất vào năm 2003 (600.000 USD) và lần thứ hai năm 2006 (220.000 USD).

Ngày 19/11/2008, Thành ủy TP.HCM thông qua quyết định đình chỉ công tác Phó giám đốc Sở Giao thông Vận

Đại lộ Đông Tây được khởi công xây dựng vào ngày 31/1/2005 sau gần 8 năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng. Dự kiến hoàn tất dự án vào tháng 2/2008 nhưng phải dời lại đến đầu năm 2010. Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
tải TP.HCM Huỳnh Ngọc Sĩ để phục vụ điều tra vụ hối lộ tổng cộng 2,6 triệu USD của PCI.

13h30 chiều 11/2/2009, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng (C37, Bộ Công an) đã bắt và khám xét nhà riêng ông Huỳnh Ngọc Sĩ.

Sau 4 tháng xác minh, đầu tháng 6/2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất điều tra sai phạm xảy ra tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, liên quan hai cựu quan chức là ông Huỳnh Ngọc Sĩ (giám đốc) và Lê Quả (phó giám đốc). Theo đó, cả hai bị can đều bị đề nghị VKS truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 24/9, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án và tại bản án được tuyên ngày 25/9, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ nhận mức án 3 năm tù, bị cáo Lê Quả mức án 2 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cho rằng tòa án TP.HCM đã quá “ưu ái” với bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ khi chỉ phạt 3 năm tù, Viện kiểm sát cùng cấp đã kháng nghị lên cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo này.

Ngày 14/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng cho biết Việt Nam và Nhật Bản đều thống nhất coi trường hợp nghi vấn PCI là rất nghiêm trọng. Các vụ việc hối lộ liên quan đến các dự án ODA, bao gồm cả vụ việc nghi vấn này, sẽ được chính phủ hai nước nghiêm túc điều tra và làm sáng tỏ.

Mới đây, TAND tối cao tại TP.HCM cho biết, ngày 8/2/2010 sẽ mở phiên xử phúc thẩm vụ án này.

Nhận hối lộ tiền tỷ, hai cảnh sát giao thông lãnh 23 năm tù

Cái bắt tay tiền tỷ này đã đưa 2 CSGT vào tù. Ảnh minh họa
Cuối năm 2009, sự việc hai cảnh sát giao thông đường thủy tại tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu "bắt tay" với những kẻ chở dầu lậu để nhận hối lộ 1 tỷ đồng thực sự khiến dư luận bức xúc.

Ngày 4/12/2009, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hai cảnh sát giao thông đường thủy nhận hối lộ 1 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, Võ Văn Lý (46 tuổi, nguyên thiếu tá, phó đội trưởng) và Nguyễn Chí Thanh (29 tuổi, nguyên trung úy Đội đấu tranh phòng ngừa vi phạm và tội phạm đường thủy, Phòng CSGT đường thủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị truy tố về hành vi nhận hối lộ.

Tháng 2/2008, tàu Thành Công 1 do Bùi Ngọc Sen (36 tuổi) làm chủ được thuê vận chuyển gần 35 triệu lít dầu DO từ tàu Singapore về tổng kho dầu PDC ở Vũng Tàu.

Ngày 29/2/2008, khi tàu này đang bơm dầu lên bồn cho đối tác thì phải dừng lại nhường cầu cảng cho một tàu nước ngoài vào nhập xăng. Ngay lúc ấy, lợi dụng cơ hội, Bùi Ngọc Sen đã ra lệnh cho thuyền trưởng lái tàu “chuồn” về TP.HCM nhằm chiếm đoạt toàn bộ số dầu còn lại trong khoang tàu. Tuy nhiên, ngay trên đường bỏ chạy, tàu Thành Công 1 đã bị Võ Văn Lý và Nguyễn Chí Thanh đi tuần tra phát hiện có sai phạm.

Muốn dàn xếp, Bùi Ngọc Sen đề nghị “lót tay” cho hai sĩ quan số tiền 1 tỷ đồng. Ngày 2/3/2008, Sen đã đưa cho Lý và Thanh số tiền trên, hai bị cáo chia nhau tiêu xài. Tuy nhiên, quá trình điều tra, các bị cáo khai rằng có đưa và nhận 1 tỷ đồng nhưng trong đó chỉ có 200 triệu đồng là tiền “lót tay”, còn lại là tiền Sen cho hai bị cáo vay.

Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vũng Tàu tuyên phạt Võ Văn Lý mức án 14 năm tù, Nguyễn Chí Thanh 11 năm tù cùng về tội “nhận hối lộ”. Bị cáo Bùi Ngọc Sen cũng bị tuyên phạt 8 năm tù cho hành vi đưa hối lộ của mình. Sau đó, các bị cáo đồng loạt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng Thanh và Sen có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, bị cáo khai báo thành khẩn nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét nên HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo trên.

Qua đó, tòa tuyên phạt Nguyễn Chí Thanh mức án 9 năm tù về tội “nhận hối lộ”, bị cáo Bùi Ngọc Sen mức án 6 năm tù về tội “đưa hối lộ”. Riêng bị cáo Võ Văn Lý, tòa cho rằng không có tình tiết nào mới nên bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm mức án 14 năm tù về tội “nhận hối lộ”.

Nhận hối lộ tập thể ở Chi cục Quản lý thị trường Ninh Thuận

Trong hai ngày 24-25/02/2009, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Tòa án tối cao TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án 8 cán bộ Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Ninh Thuận nhận hối lộ tập thể.

Nội dung cáo trạng nêu rõ: Ngày 25/4/2008, Lê Thị Diệu Hiền làm đơn gửi Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Ninh Thuận tố cáo Nguyễn Hữu Giáp và các kiểm soát viên Đội QLTT số 1 nhận hối lộ của bà hai lần tổng cộng 155 triệu đồng.

Tại trụ sở Đội QLTT số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Ninh Thuận, số hàng được kiểm trên 2 xe là 94.000 gói thuốc lá Jet không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cần phải thu giữ. Nhưng đội chỉ thu tượng trưng 25.000 gói Jet ghi trong biên bản phạt vi phạm hành chính, trong đó tang vật thu giữ chỉ có 22.000 gói Jet, để ngoài biên bản 3.000 gói.

Đội trưởng Nguyễn Hữu Giáp chỉ đạo Đội phó Đặng Cao Thắng dùng ô tô chở kiểm soát viên Trần Văn Cừ dẫn đường cho đoàn xe hàng lậu ra khỏi địa phận Ninh Thuận an toàn. Trước khi quay về Thắng còn dặn dò các lái xe trên đường vào TP.HCM tiêu thụ số hàng, nếu có bị kiểm tra thì đừng đưa biên bản ra.

Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, Tòa tuyên phạt : Nguyễn Hữu Giáp còn 7 năm 3 tháng tù (giảm nhẹ 6 tháng). Phan Lý Bước 5 năm 1 tháng tù (giảm nhẹ 6 tháng) và Đào Duy Độ 21 tháng tù nhưng giảm nhẹ chấp hành án treo; các bị cáo còn lại vẫn giữ nguyên án sơ thẩm ngày 7/11/2008, do Hội đồng xét xử (HĐXX) toà sơ thẩm tuyên phạt: Đặng Cao Thắng 6 năm 8 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng; Trần Văn Lương cùng mức 3 năm 6 tháng tù; Trần Văn Cừ 2 năm 6 tháng tù; Trần Thanh Bình mức 21 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội nhận hối lộ.

Dương Lãng Hoàng(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn