Những 'vết đen' tại Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội – HUD

Kinh tếThứ Tư, 21/12/2016 08:49:00 +07:00

Yếu kém trong quản lý tài sản, buông lỏng hoạt động uỷ quyền kinh doanh dự án, thiếu trách nhiệm trong quyết định đầu tư… là những căn bệnh trầm kha kéo dài, không được chữa trị đúng cách đã làm mất đà tăng trưởng và khiến HUD trượt dốc kéo dài.

Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội – HUD từng là doanh nghiệp đầu tàu trong phát triển nhà ở và đô thị tại Việt Nam trong nhiều năm liền. Nhưng do mắc phải những sai lầm về hoạch định chiến lược, thiếu kiên quyết trong khắc phục, sữa chữa, “o bế” nhiều doanh nghiệp thành viên nên đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nần cùng tình trạng kinh doanh kém hiệu quả.

Làm ăn kém, dư nợ lớn

Đoàn tàu thời gian đang vùn vụt lao về điểm cuối. 2017 đã cận kề. Khoảng thời gian trong kế hoạch cổ phần hoá công ty mẹ HUD đã sắp hết. Nhưng thời điểm hiện tại, thông tin về giá trị doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư chiến lược vẫn đang được HUD…bỏ ngỏ.

DAs

 Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (Hoàng Mai - Hà Nội) - một dự án của HUD.

Cùng với “mớ bòng bong” cổ phần hoá, cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng thuở nào hiện đang đối mặt với hàng loạt vấn đề do kết quả kinh doanh thấp, đặc biệt khó khăn về tài chính, dư nợ lớn. Yếu kém trong phát triển, ì ạch trong phương án cải thiện, HUD thậm chí gần đây còn khiến bộ chủ quản phải nhắc nhở, yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu và gấp rút hoàn thiện phương án cổ phần hoá.

Tăng trưởng chậm kéo dài những năm qua và tình trạng kinh doanh kém hiệu quả gần đây phơi bày qua những con số. Tại báo cáo về tình hình tài chính 6 tháng đầu 2016, tài sản dài hạn của HUD là 1.834 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của HUD là 7.769 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6) giảm nhẹ so với 7.880 tỷ đồng (đầu năm). Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là 1.563 tỷ đồng, hàng tồn kho là 5.897 tỷ đồng còn lại là tài sản ngắn hạn khác. Tổng tài sản là hơn 9.604 tỷ đồng, giảm nhẹ so hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu là hơn 2.500 tỷ đồng.

Cũng tại báo cáo này, nợ phải trả của HUD tại thời điểm 30/6 là hơn 7.020 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 5.756 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 1.263 tỷ đồng.

Trước đó, trong kế hoạch kinh doanh 2016, HUD cho biết tập trung chủ yếu vào vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bất động sản như: Đầu tư phát triển, kinh doanh nhà ở, các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế và văn phòng cho thuê; Tổng thầu xây lắp, thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, công trình điện…

Kế hoạch như vậy, song trên thực tế, 9 tháng đầu năm 2016, HUD đã không đưa ra được sản phẩm mới nào để cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần.

Không chỉ vậy, đối với các dự án trước đó HUD đầu tư xây dựng như: Khu nhà ở Thanh Lâm - Đại Thịnh II, Nam An Khánh, Giang Biên, Kiến Hưng… không thực sự mang lại thành công. Thậm chí, tại một số dự án, HUD còn có biểu hiện “mắc kẹt” như: Dự án Tổ hợp New Skyline Văn Quán, Dự án Tháp văn phòng HUD Tower trên đường Lê Văn Lương…

Thời điểm hiện tại, dù đã gần hết năm và các doanh nghiệp khác đều đã công bố báo cáo tài chính quý 3 song, HUD vẫn im lặng.

Hàng loạt “căn bệnh trầm kha”

HUD – tiền thân là Công ty phát triển Nhà và Đô thị, thành lập năm 1989 từ Ban quản lý nhà ở đường 1A. Nhiệm vụ chính của HUD khi đó là quy hoạch và phát triển nhà ở cho người dân khu vực thủ đô Hà Nội.

AD1

Kết quả kinh doanh tại HUD 6 tháng đầu 2016 không mấy khả quan. 

Trước yêu cầu phát triển, năm 2000, HUD được nâng lên thành tổng công ty, các dự án bất động sản phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Cùng với sự mở rộng về các địa phương, quy mô vốn chủ sở hữu của HUD cũng tăng chóng mặt, gấp 50 lần chỉ trong vài năm.

Đến năm 2010, HUD được thí điểm thành lập Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam bao gồm nhiều đơn vị thành viên lớn như: Viglacera, Hancorp, Viwaseen và Tổng công ty Bạch Đằng. Trong 2 năm thí điểm, HUD có tới 183 đơn vị thành viên, doanh thu năm 2010 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng và đến năm 2011 đạt khoảng 34.410 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, mô hình tập đoàn tỏ ra không hiệu quả, nên HUD trở về mô hình tổng công ty như trước. Khi đó, vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm thị trường địa ốc bước vào thời kỳ khủng hoảng.

Cũng từ đây, HUD bắt đầu đối diện với những vấn đề của bong bóng bất động sản. Hành trình trượt dốc không phanh bắt đầu. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do yếu kém trong quản lý tài sản, buông lỏng hoạt động uỷ quyền kinh doanh dự án, thiếu trách nhiệm trong quyết định đầu tư…

Cụ thể, kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015 chỉ rõ: “Quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là từ 2011 trở về trước HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay”.

Cùng với đó, những khoản nợ của HUD quá lớn, thậm chí phát sinh nợ quá hạn, doanh thu và thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả. Kết luận thanh tra Chính phủ cho thấy, đến nay các khoản nợ phải trả của HUD lên tới 6.684 tỷ, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền.

Trong khi đó, tồn kho lại quá nhiều, thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ tiền sử dụng đất. Nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn.

Do mắc hàng loạt sai lầm, HUD rơi vào thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài và đánh mất vị thế doanh nghiệp dẫn đầu của mình. Giờ đây, trước cơ hội cổ phần hoá, là lúc công ty này nhanh chóng rút ra kinh nghiệm và xây dựng chiến lược kinh doanh đúng đắn để có được đà tăng trưởng nhanh, bền vững trong những năm tới.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn