Những 'vấn đề nóng' nào sẽ được mang lên bàn Đối thoại Shangri-La 2018?

Thế giớiThứ Bảy, 02/06/2018 11:50:00 +07:00

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) 2018 quy tụ 600 đại biểu, gồm bộ trưởng quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội, chuyên gia và học giả của hơn 40 nước, tại đây các vấn đề an ninh khu vực quan trọng nhất sẽ được đưa lên bàn đối thoại.

Đối thoại an ninh châu Á Shangri-La khai mạc tối 1/6 tại Singapore và kéo dài đến hết ngày 3/6, trong bối cảnh khu vực đang có nhiều diễn biến quan trọng về an ninh. Từ lịch trình hội nghị cũng như theo các nhà quan sát, Đối thoại Shangri-La lần này sẽ bàn đến 5 vấn đề an ninh chính:

Căng thẳng Biển Đông

Căng thẳng quanh tranh chấp chủ quyền Biển Đông tăng cao trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu chuyện Trung Quốc quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp.

051018_scs1-2215387

 Hình ảnh vệ tinh hôm 10/5 cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay quân sự ra Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. (Ảnh: CSIS/AMTI) 

Ngày 27/5 Mỹ triển khai tàu khu trục USS Higgins và tàu tuần dương USS Antietam cùng trang bị tên lửa dẫn đường tuần tra một số đảo tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi Trung Quốc vừa triển khai máy bay ném bom H-6K.

Trong khi Trung Quốc lên án Mỹ vi phạm chủ quyền thì Philippines cũng đe dọa chiến tranh nếu Trung Quốc “vượt lằn ranh đỏ”. Cũng vì hành động triển khai máy bay ném bom H-6K ra đảo Phú Lâm mà Trung Quốc bị Mỹ loại khỏi cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới Vòng tròn Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) với 26 nước tham gia.  

Khủng hoảng Triều Tiên

Đối thoại Shangri-La diễn ra khi thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều – cũng tại Singapore ngày 12/6 – đến rất gần, nên một trọng tâm của hội nghị an ninh này đương nhiên sẽ là về Triều Tiên.

letter-5190-1527896496_600x0-0711059 3

Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol gặp tổng thống Trump tại Nhà Trắng. (Ảnh: White House) 

Sau khi tuyên bố hủy ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kimm Yong-chol đã chính thức khôi phục thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên kết quả lâu dài thượng đỉnh này vẫn còn là dấu hỏi khi ông Trump khẳng định cuộc gặp chỉ là bước khởi đầu tiến trình, sẽ không có chuyện hai bên ký thỏa thuận gì trong lần gặp đầu tiên này.

Quan chức quốc phòng các nước tham dự Đối thoại Shangri-La chắc chắn sẽ tranh luận về sự chân thành của Triều Tiên trong chuyện giải trừ hạt nhân, cũng như về khả năng Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp sắp tới.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Mỹ vừa đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – động thái thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ ở khu vực. Thời điểm đổi tên cũng trùng với thời điểm gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Trung Quốc dĩ nhiên không thể lơ bước đi của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang cho biết Trung Quốc đang theo dõi chặt diễn biến từ việc này.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nói về sự lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ vẫn thường xuyên khẳng định cam kết duy trì các quan hệ an ninh khu vực, một chính sách mà theo các nhà phân tích là nhằm đối phó Trung Quốc.

Trung Quốc đối phó chỉ trích thế nào

Phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La dù không phải là hàng quan chức cấp cao nhưng được tuyển chọn rất kỹ, theo đại tá quân đội Trung Quốc về hưu đồng thời là nhà phân tích quân sự Yue Gang.

zing_chuba_shangrila-1849267

 Đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2017. (Ảnh: Today Online)

Theo đại tá về hưu Yue Gang, thành viên phái đoàn chủ yếu là các học giả quân sự, đi dự Đối thoại Shangri-La với nhiệm vụ tập trung trao đổi học thuật quân sự, tránh tranh luận chính sách, tránh đối đầu với các nước đặc biệt với Mỹ. Phái đoàn do Trung Tướng He Lei, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự quân đội giải phóng Trung Quốc dẫn đầu.

Các vấn đề an ninh khu vực khác

Ngoài các vấn đề trên, Đối thoại Shangri-La cũng sẽ bàn tăng cường an ninh hàng hải, cạnh tranh và hợp tác ở Ấn Độ Dương, tình trạng gia tăng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, khủng bố và chống khủng bố, khủng hoảng liên quan người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. 

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn