Những tuyến cao tốc sẽ thay đổi diện mạo ĐBSCL

Tin nhanh 24hThứ Năm, 11/02/2021 14:30:00 +07:00
(VTC News) -

ĐBSCL đang hình thành 7 dự án cao tốc trục dọc và trục ngang hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo vùng đất chín rồng này.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998km.

Theo đó, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thông tuyến vào cuối năm 2020) là tuyến cao tốc nằm trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 4/1 tại xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2023. Khi đó, đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Những tuyến cao tốc sẽ thay đổi diện mạo ĐBSCL - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công giai đoạn 1 thuộc dự án xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021-2025.

Đây là một trong 2 cao tốc trục dọc ở ĐBSCL sẽ đấu nối hai trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết các tỉnh thành trong vùng. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (thông xe hôm 12/1) dài hơn 51km. Tuyến đường này sẽ kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu) trở thành tuyến “cao tốc Bắc - Nam phía Tây” vùng ĐBSCL. Tuyến đường này sẽ kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau mà không phải qua QL1A.

Những tuyến cao tốc sẽ thay đổi diện mạo ĐBSCL - 2

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ.

Tuyến Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Kiên Giang góp phần tạo thành trục “cao tốc Bắc - Nam phía Tây” dài hơn 130km.

Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm.

Tuyến đường này sẽ kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1...từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.

Những tuyến cao tốc sẽ thay đổi diện mạo ĐBSCL - 3

Bản đồ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. (Ảnh: VnExpress)

Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225km với tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ. Cao tốc này sẽ kết nối với 2 cao tốc trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ) và cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Bình Phước - TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang).

MINH THANH
Bình luận
vtcnews.vn