Những trò ngông cuồng của cậu ấm cô chiêu nhà đại gia Trung Quốc

Kinh tếThứ Năm, 17/03/2016 01:15:00 +07:00

Những trò ngông cuồng của lứa Phú Nhị Đại (Fuerdai), tức là thế hệ thứ hai rất giàu có của Trung Quốc, khiến người dân Trung Quốc hết sức choáng ngợp

Những trò ngông cuồng của lứa Phú Nhị Đại (Fuerdai), tức là thế hệ thứ hai rất giàu có của Trung Quốc, khiến người dân Trung Quốc hết sức choáng ngợp nhưng cũng không kém bất bình.

Trong khi những bất công giàu-nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng, Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình đang kêu gọi đấu tranh chống lại nạn biến chất trong hàng ngũ các lãnh đạo, thì lối phô trương quá mức trên mạng xã hội của lớp người này đang khiến vị lãnh đạo Trung Quốc phải lên tiếng.

Hầu khắp các mặt báo ra hôm này đều ít nhiều nói đến trung Quốc, báo Le Figaro có bài viết với tựa lớn: "Những đứa con kế thừa được cưng như vàng tại Trung Quốc".

Cảnh đám cưới của một gia đình giàu có bậc nhất ở Thiểm Tây. Chi phí ước tính khoảng 1 triệu nhân dân tệ .Ảnh 21/10/2006 của AFP 

Trong bài viết của mình, tác giả đã chỉ ra rằng các gia đình giàu có của Trung Quốc thường gửi con cái của họ theo học các trường đại học nổi tiếng nhất trên khắp thế giới. Họ làm như vậy với mục đích chuẩn bị tương lai và sự thừa kế khối tài sản kếch xù cho con cái họ ; đồng thời cũng là chuẩn bị "lối thoát" cho cả gia đình trong trường hợp tình hình chính trị ở Trung Quốc trở nên nặng nề.

Tác giả cho biết, theo một ước tính gần đây, số tiền rò rỉ ra nước ngoài hàng năm của Trung Quốc lên đến 450 tỉ USD, chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi những cậu ấm cô chiêu trong cái mác sinh viên du học này thường sống trong các căn hộ đáng giá đến hàng chục triệu USD.

Trong số những khối tiền kếch xù đó, có không ít trường hợp do quen biết hay do tiền đút lót được đổ vào túi các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính điều đó đang khiến người ta nghi ngờ về phong trào chống tham nhũng đang được hô hào rộng rãi.

Tác giả cũng dẫn ra khá nhiều ví dụ điển hình của lứa Phú Nhị Đại, tức những con cái của các đại gia giàu và siêu giàu Trung Quốc, thích chơi trội và không ngại khoe khoang bản thân mình trên các trang mạng xã hội.

Chẳng hạn như trường hợp của Vương Tư Thông (Wang Sicong) - cậu ấm của ông trùm tư bản trong lĩnh vực bất động sản và phim ảnh Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm).

Trong khi người cha của cậu đã phải đi lên từ đói khát, từ bao vất vả, khổ cực trong quân đội, làm viên chức hành chính địa phương để gây dựng được cho mình một cơ ngơi và mạng lưới trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì cậu này, do nghiễm nhiên trở thành người thừa kế khối tài sản khổng lồ của cha mình, đã gây ra nhiều vụ bê bối nhức nhối trên một số trang mạng xã hội.

Đơn cử việc cậu này ngang nhiên tuyên bố trên trang cá nhân của mình trên mạng Vi-Bác về tiêu chuẩn duy nhất để chọn bạn gái của cậu ta là cô gái đó phải có "vóc dáng đại bác", hay việc cậu ta cho đăng tấm ảnh của chú chó thuộc giống Husky xứ Sibéri của mình, mỗi chân trước đeo một chiếc đồng hồ hiệu Apple Watch bằng vàng, trị giá mấy chục ngàn USD.

Trong bài báo của mình, tác giả còn đề cập đến cuốn sách của Vương Đại Kỳ (Wang Daqi) – con trai của một nhân vật giàu có tại Trung Quốc, có tựa "Gánh nặng cơ đồ", mà trong đó anh này có kể về lối sống xa hoa của lứa thanh niên được ví như "vàng khối" này của Trung Quốc, mà bản thân anh ta cũng là một điển hình.

Anh ta chia sẻ: "Sau khi học xong, cha mẹ gửi tôi đi thực tập 2 kì tại Sparta Group để trở thành lãnh đạo ở Hawai với giá 500.000 nhân dân tệ (tương đương 70.000 euro) mỗi tuần. Thời điểm tuyệt nhất trong ngày đó là vào buổi tối. Lần đầu tiên tôi được biết đến những người giàu có thuộc thế hệ thứ hai. Chúng tôi cùng uống whisky và cùng nói về những vấn đề của mình. Cha mẹ chúng tôi thường mong đợi rất nhiều vào chúng tôi và đặt rất nhiều áp lực bắt chúng tôi phải thành công. Điều đó là quá sức của chúng tôi. Họ thường cho rằng chúng tôi không xứng để kế nghiệp họ".

Mặc dầu vậy, tác giả của cuốn sách này cũng lên tiếng nhận định rằng lối phô trương thái quá trên các mạng xã hội – như đã đề cập ở trên - lại đang được phần lớn các cậu ấm cô chiêu này chọn lựa bởi theo họ đó mới là giá trị duy nhất và việc làm đó đã thực sự trở thành niềm đam mê của họ. Trong khi đó, những người khác lại phàn nàn rằng "họ đang làm lãng phí cái mà họ đã không tự kiếm ra" hoặc như việc họ khoe khoang một cách lố lăng chính là "liều thuốc độc cho xã hội Trung Quốc".

Những hành động được cho là khó coi này trong hoàn cảnh đất nước vẫn còn tồn tại nhiều bất công đã trở nên nghiêm trọng đến mức mà nhân vật số một của Trung Quốc, Tập Cận Bình – người đã cam kết đấu tranh chống tham nhũng và hết lời ca ngợi các giá trị của Mao Trạch Đông- đã phải đưa ra lời nhắc nhở nghiêm khắc: "Cần khuyến khích giới thanh niên xuất thân trong các gia đình vốn có tập đoàn riêng, phải suy nghĩ về nguồn gốc của khối tài sản của họ và phải sống một cuộc sống tích cực" và đối với các bậc cha mẹ của họ thì phải biết "giữ gìn hình ảnh của họ, bởi lẽ cách hành xử và các tuyên bố của họ có một ảnh hưởng lớn tới xã hội".

Nguồn: BizLIVE
Bình luận
vtcnews.vn