Bao nước mắt đã rơi trước những trò hề chỉ có ở 'ao làng' SEA Games

Thể thaoThứ Bảy, 24/06/2017 09:51:00 +07:00

SEA Games được gọi là “ao làng” cũng không sai bởi lịch sử ngày hội thể thao khu vực, không thiếu những trò hề, bất cập, bất công trong thi đấu.

Cơn đỏng đảnh và cái quyền của chủ nhà

Quyền chủ nhà là một cái quyền có thể giúp họ tận thu huy chương, bất chấp những bất cập, bất công. Cái cách mà Malaysia – chủ nhà của SEA Games 29 mới đây thông báo có quyền chọn bảng đấu cho môn bóng đá nam và nữ là một ví dụ.

Kl Sea Games 2017

Malaysia đang tác quyền trước SEA Games 29. 

Năm 2005, Philippines thậm chí còn định không đưa môn bóng đá vào trong nội dung thi đấu của đại hội chỉ vì bóng đá của Philippines khi đó chưa phát triển, luôn là kẻ… lót đường ở khu vực.

Còn năm 2011, Indonesia định chơi khó các đội còn lại trong môn bóng đá nam bằng cách sắp lịch thi đấu vào 13h – cái giờ mà đi bộ không cũng ngột thở vì nắng nóng chứ đừng nói là ra sân đá bóng.

Bên cạnh đó là chuyện thay đổi các nội dung thi đấu hoặc đưa vào những môn chơi chưa thực sự phổ biến nhưng là thế mạnh của nước tổ chức để tận thu huy chương. Đây là chuyện phổ biến và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Thế nên SEA Games 22 ở Việt Nam có môn đá cầu và lặn, SEA Games 25 ở Lào có môn Petanque (bi sắt), SEA Games 26 ở Indonesia có môn võ đường phố Tarung Derajat mang nhiều yếu tố tàn bạo. Đến SEA Games 27 ở Myanmar có môn Chinlone (một kiểu đá cầu mây biểu diễn) được tổ chức thi đấu ngay ngày đầu tiên của SEA Games giúp chủ nhà Myanmar chắc chắn có được huy chương vàng đầu tiên của đại hội.

Rồi đến SEA Games gần nhất, Singapore cũng suýt đưa môn cờ tưởng tượng vào thi đấu.

Những trò hề trong thi đấu

Rất nhiều giọt nước mắt tức tưởi đã rơi ở sân chơi SEA Games bởi những trận thua vì bị xử ép. Đặc biệt trong các môn võ, các môn mà tổ trọng tài chấm điểm bằng cảm tính.

SEA Games 26 từng chứng kiến võ sĩ pencak silat nước chủa nhà Indonesia Dian Kristanto thi đấu kiểu chạy trốn đối thủ, núp sau lưng trọng tài và dùng cả đòn… cắn vẫn giành chiến thắng trước võ sĩ Anothai Choopeng của Thái Lan.

Cho đến nay, tấm huy chương vàng của Dian Kristanto vẫn được xem là một trong những tấm huy chương lố bịch nhất đại hội thể thao khu vực.

Video tấm huy chương lố bịch nhất SEA Games

Những giọt nước mắt oan ức của Thanh Phúc là một trong những hình ảnh gây ám ảnh ở SEA Games 27. Ở nội dung đi bộ sở trường 20km, Thanh Phúc đã kết thúc cuộc thi sau 1 tiếng 37 phút 08 giây, cô gái người Đà Nẵng phá kỷ lục do chính mình tạo ra tại ở kỳ SEA Games trước (1 tiếng 39 phút 25 giây).

Tuy nhiên, từng đó vẫn không đủ để Thanh Phúc bảo vệ tấm huy chương vàng, khi đối thủ Saw Mar Lar New đi bộ như chạy dưới sự làm ngơ của các trọng tài và cán đích với thành tích 1 tiếng 35 phút 03 giây. Thua tức tưởi vì bị đối xử thiếu công bằng, Thanh Phúc khóc nấc từ lúc về đích cho đến khi lên bục nhận giải.

ban-tin-sea-games-ngay-1512-thanh-phuc-uat-nghen-vi-bi-chu-nha-cuop-vang

Thanh Phúc khóc tức tưởi ở SEA Games 27. 

Phải 4 tháng sau, công lý mới được trả lại khi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á công bố danh sách những vận động viên dính doping tại SEA Games 27. Trong số này có Saw Nar Lar.

Rất nhiều trường hợp nữa không thể kể hết bởi chuyện bị xử ép hầu như kỳ đại hội nào cũng diễn ra. Người ta đã vui mừng đôi chút khi SEA Games 28 năm 2015 ở Singapore được xem là kỳ đại hội sạch nhất, thực chất nhất của làng thể thao khu vực thì sự đỏng đảnh, tác quyền của chủ nhà SEA Games 29 Malaysia mới đây đang khiến những ám ảnh về “ao làng” Đông Nam Á trở lại.

Hà Thành (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn